Sau đột quỵ, người đàn ông bị mất ngủ triền miên nhưng không ngờ cơ thể mắc căn bệnh đáng sợ này

Sau đột quỵ nhẹ, người đàn ông ngoài 50 tuổi thường xuyên bị đau đầu, khó ngủ có đêm thức trắng không ngủ được nhưng không ngờ là bị trầm cảm.

5 ngày liên tiếp bệnh nhân không thể ngủ được

Thời gian gần đây, ông Đ.V.C (52 tuổi) xuất hiện triệu chứng mất ngủ. Ông C. chia sẻ, cách đây 3 tháng, ông có bị đột quỵ nhẹ và được gia đình đưa đi điều trị tại Bạch Mai. Sau khi bị đột quỵ, việc dùng thuốc khiến cho ông C. rơi vào tình trạng khó ngủ. Trong 5 ngày gần đây nhất, ông C. không thể ngủ được và thức trắng đêm.

“Tôi cảm thấy rất mệt mỏi vì không ngủ được. Nhiều lúc tôi cũng nghĩ tới cái chết, nhưng thương vợ thương con cháu nên tôi lại cố gắng sống tiếp”, ông C. nói.

Bệnh nhân C. đang điều trị bệnh trầm cảm sau đột quỵ.

Ông C. chia sẻ với bác sĩ nhiều thú vui trong cuộc sống của ông đã bị giảm sút, ông cảm thấy thường xuyên đau đầu nhưng không căng thẳng.

GS.TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 (Hà Nội) cho hay, bệnh nhân C. được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Nguyên nhân gây ra trầm cảm của bệnh nhân rất có thể là do đột quỵ hoặc do tuổi tác.

Mắc các bệnh lý trên cơ thể dễ đối mặt với trầm cảm

Hiện nay, mọi người thường nhắc nhiều tới nguyên nhân trầm cảm do căng thẳng trong công việc, môi trường sống, những cú sốc stress, sau sinh... Rất ít người biết tới một nguyên nhân có thể gây ra trầm cảm là do các căn bệnh như: bệnh dạ dày, hen phế quản, dạ dày, khớp, nội tiết, tiểu đường…

Các bệnh lý cơ thể nếu thường xuyên tái đi, tái lại không được điều trị dứt điểm rất dễ cho người bệnh rơi vào tâm trạng lo âu, buồn phiền, lâu ngày tích tụ sẽ dẫn tới trầm cảm. Một số bệnh nhân sẽ không còn muốn sống và chọn cái chết để giải thoát cho bản thân.

Giáo sư Đức đã từng chứng kiến bệnh nhân mắc hen phế quản. Căn bệnh này khiến cho bệnh nhân bi quan về sức khỏe nên đã rơi vào trầm cảm. Bệnh nhân luôn có tư tưởng muốn chết, nhiều lần tự sát nhưng không thành, sau đó gia đình đưa đi điều trị tâm thần. Sức khỏe của bệnh nhân hiện nay đã ổn định.

“Trầm cảm là căn bệnh rất dễ mắc, bất cứ ai cũng có nguy cơ bị mắc trầm cảm đặc biệt người có bệnh lý cơ thể thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ. Đối với các đối tượng có bệnh lý cơ thể cần phải tuân thủ điều trị bệnh lý theo chỉ định của bác sĩ. Phòng trầm cảm bằng cách có lối sống lành mạnh, lạc quan, dinh dưỡng tốt. Khi có những triệu chứng tâm lý bất thường như: mất ngủ, buồn chan, lo âu… nên đi khám sức khỏe tâm thần”, GS. Đức khuyến cáo.

Sự tương tác giữa bệnh cơ thể và bệnh trầm cảm là một hiện tượng phức tạp, nhiều yếu tố sinh học, tâm lý học. Trầm cảm nguyên phát có thể xuất hiện cùng lúc với bệnh cơ thể mà không có liên hệ nhân quả. Trầm cảm thứ phát được coi là hậu quả của một bệnh cơ thể hoặc là phản ứng phụ của thuốc điều trị. Trầm cảm xảy ra cùng với một bệnh cơ thể cần được điều trị bằng các liệu pháp hóa dược phối hợp liệu pháp tâm lý.

Một số bệnh cơ thể gây ra triệu chứng trầm cảm hoặc làm tăng nguy cơ xuất hiện trầm cảm:

Bệnh về thần kinh: Parkinson, Huntington, đột quỵ, sa sút tâm thần, u não, chấn thường đầu, động kinh, chứng xơ cứng.

Nhóm bệnh nội tiết: tăng và giảm tuyến thượng thận, tăng và giảm tuyến giáp, tăng và giảm tuyến cận giáp, suy buồng trứng và tinh hoàn, suy tuyến yên.

Rối loạn tim mạch: nhồi máu cơ tim, bệnh lý cơ tim, suy tim.

Rối loạn chuyển hóa và huyết học: thiếu vitamin B12, giảm natri trong máu, tăng calcium trong máu, thiếu máu, bệnh bạch cầu…

Bệnh nhiễm virus khác: viêm gan, bạch cầu đơn nhân, AIDS…

Bệnh lý tự miễn: Lupus ban đỏ, vảy nến…

Các bệnh ung thư

Ngọc Minh

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/song-khoe/sau-dot-quy-nguoi-dan-ong-bi-mat-ngu-trien-mien-nhung-khong-ngo-co-the-mac-can-benh-dang-so-nay-20180725112647358.htm