Sau động đất và sóng thần, Indonesia lại rung chuyển vì núi lửa phun trào

Núi lửa Soputan của Indonesia phun trào mạnh vào ngày thứ Tư, phun tro bụi lên tới độ cao 4 km trong không trung, chỉ vài ngày sau một vụ động đất và sóng thần khiến hơn 1.400 người thiệt mạng trên cùng hòn đảo.Vụ phun trào này diễn ra chưa đầy 1 tuần sau vụ động đất 7,4 độ richter và tiếp đó là sóng thần khiến ít nhất 1.407 người chết...

Núi lửa Soputan của Indonesia phun trào ngày 3/10 - Ảnh: Bloomberg.

Theo tin từ Bloomberg, nhà chức trách đã yêu cầu người dân ra khỏi khu vực 4 km xung quanh núi lửa Soputan ở tỉnh Bắc Sulawesi để tránh nguy hiểm do dung nham và đất đá bay ra từ miệng núi lửa.

Vụ phun trào này diễn ra chưa đầy 1 tuần sau vụ động đất 7,4 độ richter và tiếp đó là sóng thần khiến ít nhất 1.407 người chết và hơn 70.000 người rơi vào cảnh mất nhà cửa ở tỉnh Trung Sulawesi. Núi lửa Soputan nằm cách khu vực bị động đất-sóng thần khoảng 900 km về phía Bắc. Hiện chưa có thông tin nào về thương vong do núi lửa phun trào.

Tổng thống Joko Widodo ngày thứ Tư đã có chuyến đi thứ hai đến khu vực bị tàn phá bởi trận động đất-sóng thần để giám sát công tác tìm kiếm-cứu hộ, sau khi có những thông tin về nạn cướp bóc đồ ăn và các hàng hóa khác xảy ra.

Các nhà cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm các nạn nhân còn sống sót. Có khoảng 152 người được cho là còn mắc kẹt dưới đống đổ nát, 113 người khác còn mất tích và hơn 2.500 người bị thương nặng.

Tỉnh Trung Sulawesi chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Indonesia, nhưng công tác tái thiết có thể gây áp lực lên ngân sách của Chính phủ nước này, giữa lúc Indonesia đang nỗ lực ngăn đà sụt giảm của tỷ giá đồng nội tệ. Hôm thứ Ba, đồng Rupiah của Indonesia đã lần đầu tiên trong 20 năm rớt quá mốc 15.000 Rupiah đổi 1 USD, nâng tổng mức giảm từ đầu năm đến nay lên hơn 10%.

Thảm họa động đất-sóng thần và núi lửa phun trào còn được cho là sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch vốn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Indonesia.

Năm nay, ngành du lịch Indonesia đã chao đảo vì loạt vụ động đất khiến nhiều người chết trên đảo Lombok, cách không xa đảo Bali. Trước đó, lượng du khách quốc tế thăm Indonesia đã chững lại sau đợt phun trào mạnh của núi lửa Agung ở Bali vào cuối năm ngoái và đợt phun trào của núi lửa Merapi gần Yogyakarta đầu năm nay.

Là một quốc gia gồm 17.000 hòn đảo nằm trên "vành đai lửa" Thái Bình Dương - một khu vực thường xuyên có biến động địa chất - Indonesia hứng chịu nhiều vụ động đất mạnh và núi lửa phun trào. Hồi năm 2004, một trận động đất mạnh 9,1 độ richter và sóng thần đã khiến 160.000 người trên đảo Sumatra thiệt mạng.

Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia ngày 3/10 cho biết hơn một nửa trong dân số 260 triệu người của nước này sống tại các khu vực có khả năng động đất cao. Tuy nhiên, với ngân sách giảm nhẹ thiên tai chỉ còn vỏn vẹn 700 triệu Rupiah, tương đương 46 triệu USD, Indonesia không thể mua đủ phao cứu sinh hay còi báo động để cảnh báo người dân về nguy cơ sóng thần.

Thăng Điệp

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/sau-dong-dat-va-song-than-indonesia-lai-rung-chuyen-vi-nui-lua-phun-trao-20181003164947151.htm