Sáu điều Bác dạy là tài sản tinh thần vô giá của cán bộ, chiến sĩ Công an

1- Cách đây 73 năm (năm 1948), khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại nước ta mới bước vào năm thứ hai và nước cộng hòa non trẻ ra đời sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mới được 3 năm, Bác Hồ đã có Thư gửi cán bộ, chiến sĩ công an. Trong thư, Bác nêu rõ sáu điều cần thiết để rèn luyện 'Tư cách người công an cách mệnh'.

Vào lúc này, khi cán bộ, chiến sĩ trong toàn ngành đang ra sức đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng phong cách người Công an nhân dân “Bản lĩnh - Nhân văn - Vì nhân dân phục vụ”, đọc lại thư của Người, mỗi người chúng ta càng thấm thía về sự quan tâm đặc biệt với những chỉ dẫn ân cần và sâu sắc của Bác Hồ đối với công an và lực lượng Công an nhân dân.

Người gửi bức thư này cho đồng chí Hoàng Mai vào tháng 3-1948. Lúc đó, đồng chí Hoàng Mai mới 26 tuổi, nhưng đã giữ trọng trách lớn, là Giám đốc Sở Công an khu XII, gồm 7 tỉnh từ Bắc Giang tới Quảng Yên (Quảng Ninh ngày nay). Sau này, ông được phong quân hàm cấp tướng, giữ trọng trách Giám đốc Học viện An ninh nhân dân.

Đồng chí Hoàng Mai gửi biếu Bác tờ báo có tên là “Bạn dân”. Đây là nội san của Công an khu XII, số Tết. Dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn đọc hết tờ báo và có thư cảm ơn. Trong đó, nổi bật nhất là Bác nói về quan hệ của công an với nhân dân, phải thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm, rèn luyện đạo đức của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an, phải “giữ cho đúng tư cách của người công an cách mệnh”.

Tỉ mỉ, chu đáo, ân cần là một trong những nét nổi bật của phong cách Hồ Chí Minh. Nói về “Tư cách người công an cách mệnh”, Người đặt đạo đức lên hàng đầu: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”. Đó là đạo đức cách mạng, đạo đức trong lối sống, công tác, ứng xử với đồng sự, đồng nghiệp, đặc biệt là đạo đức với nhân dân. Có đủ 4 đức “cần, kiệm, liêm, chính” mới là người hoàn toàn. Thiếu một đức thì không thành người. Với từng người, có cần, có kiệm thì mới có liêm. Có cần, kiệm, liêm thì mới chính được. Với dân tộc, một dân tộc có đủ cả “cần, kiệm, liêm, chính” thì dân tộc đó sẽ vừa giàu có về vật chất, lại vừa văn minh về tinh thần.

Đó là lời dạy sâu sắc của Người về đạo đức. Với Đảng, để xứng đáng là Đảng lãnh đạo và cầm quyền, Đảng chẳng những phải có lý luận tiên phong để dẫn dắt dân tộc và nhân dân trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, vì độc lập dân tộc, để phát triển dân tộc tới chủ nghĩa xã hội, làm cho toàn dân ta có “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, mà Đảng còn phải thật trong sạch để thật sự vững mạnh: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ, đảng viên công an phải thực sự gương mẫu để quần chúng nhân dân tin cậy và noi theo.

Bức thư Người gửi cho Công an nhân dân qua đồng chí Hoàng Mai, tất cả chỉ có 350 từ, trong đó đoạn nói về “Tư cách người công an cách mệnh” chỉ vẻn vẹn có 51 từ, với sáu mối quan hệ, bao quát các chuẩn mực đạo đức, các yêu cầu phải thể hiện đúng, phải giữ vững và phát huy, đã minh chứng sinh động về sự thống nhất giữa tư tưởng với đạo đức và phong cách của Người. Đó là kim chỉ nam hành động của mỗi chúng ta. Đó cũng là những chỉ dẫn quý báu của Người về xây dựng lực lượng. Đó là sự cô đọng, là chỗ kết tinh những tư tưởng lớn, đạo đức trong sáng, cao quý và phong cách giản dị của Người nói về công an và lực lượng Công an nhân dân.

Cùng với bao điều phong phú và đặc sắc khác trong di sản Hồ Chí Minh, từ tư tưởng lý luận đến hoạt động thực tiễn, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của cán bộ, chiến sĩ công an, là động lực tinh thần quý báu, vừa cổ vũ, động viên, vừa thúc đẩy mỗi người chúng ta thực hiện tốt nhất triết lý nhân sinh và hành động “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Để xứng đáng với sự tin yêu của dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải thường xuyên rèn luyện tư cách người công an cách mệnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị Cảnh sát nhân dân Thủ đô, dịp Tết Quý Mão (1963). Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị Cảnh sát nhân dân Thủ đô, dịp Tết Quý Mão (1963). Ảnh: Tư liệu

2 - Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ, tư cách người công an cách mệnh là:

“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính

Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ

Đối với chính phủ, phải tuyệt đối trung thành

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép

Đối với công việc, phải tận tụy

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

Như đã nói ở trên, Người đặt đạo đức là hàng đầu trong việc rèn luyện tư cách, hoàn thiện nhân cách người công an và mỗi người cách mạng nói chung. Trong tư cách, nhân cách con người, đức là gốc, tài là rất quan trọng. Có đức phải có tài, có tài phải có đức. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, thậm chí làm hỏng việc, thành ra vô dụng. Còn có tài mà không có đức thì nguy hiểm, làm điều xấu, điều ác, rơi vào bất minh, bất chính, sẽ gây hậu quả khôn lường, làm tổn hại tới lợi ích của dân, làm hoen ố thanh danh của Đảng, của truyền thống Công an nhân dân.

Công trạng của công an cách mạng và quân đội nhân dân là rất to lớn, vẻ vang. Song cũng có một bộ phận rơi vào suy thoái, tha hóa, hư hỏng, kể cả một số cán bộ cao cấp. Những vụ án lớn, nghiêm trọng phải đưa ra xét xử trong những năm gần đây, có cả những tướng lĩnh đã thành phạm nhân và chịu hình phạt tù là những ví dụ đau đớn, những bài học đắt giá. Điều đó càng cho thấy lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức luôn có tính thời sự và vẫn giữ nguyên giá trị.

Tự mình phải cần kiệm liêm chính để trong đời sống hàng ngày, nhất là trong thực thi công vụ, trong thi hành chức trách, bổn phận, nghĩa vụ mới có thể “chí công vô tư”, mới “quang minh chính đại”, “dĩ công vi thượng” được. Để có đạo đức cách mạng, phải có dũng khí đánh bại chủ nghĩa cá nhân ẩn nấp trong lòng mình, đó là thứ giặc ở trong lòng, nó phá từ trong phá ra.

Do không vượt qua được những cám dỗ của tiền bạc và những dục vọng tầm thường mà không ít người tự phá hủy sự nghiệp của mình, tự đánh mất cả nhân phẩm, danh dự và liêm sỉ. Chỉ vì không thường xuyên tu dưỡng đạo đức mà không ít người đã lợi dụng địa vị, lạm dụng quyền hành vốn do dân ủy thác mà có để rơi vào tham ô, tham nhũng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, tham lam là một thói xấu, là điều rất đáng xấu hổ. Tham ô, tham nhũng là có tội với dân, với nước. Phải trừng trị tham ô, tham nhũng như trừng trị một tội ác phản quốc hại dân, bất kể chúng là ai, bất kể ở cương vị nào, làm việc gì, nghĩa là không có bất cứ ngoại lệ nào. Đủ thấy lời dạy về đạo đức của Hồ Chí Minh trong “Tư cách người công an cách mệnh” quan trọng và hệ trọng biết nhường nào, nhất là trong tình hình bối cảnh hiện nay.

GS.TS Hoàng Chí Bảo (chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/sau-dieu-bac-day-la-tai-san-tinh-than-vo-gia-cua-can-bo-chien-si-cong-an_107086.html