Sau dịch Covid-19, DN vận tải lao đao, nhiều nhà xe phá sản

Dịch Covid-19 khiến cho không ít doanh nghiệp vận tải hành khách trở nên lao đao do phải ngừng chạy xe và nếu có chạy xe cũng không đủ bù lỗ.

Sau dịch Covid-19, sản lượng vận chuyển hành khách chỉ đạt 50%

Sau dịch Covid-19, sản lượng vận chuyển hành khách chỉ đạt 50%

Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam về tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp vận tải đường bộ bằng xe ô tô, tháng 2-3/2020 sản lượng vận chuyển hành khách giảm khoảng 50%; tháng 4/2020 giảm 100% do các doanh nghiệp dừng hoạt động vận chuyển hành khách; các tháng 5, 6, 7/2020 dự kiến sản lượng vận chuyển hành khách chỉ đạt 50%.

Trước thực trạng trên, Hiệp hội vận tải Ô tô Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải miễn giảm phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện xe khách với mức đề nghị giảm 100% trong tháng 4/2020, giảm 50% đối với các tháng 2,3,5,6,7/2020.

Hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều phải vay vốn ngân hàng hoặc thuê tài sản tại công ty cho thuê tài chính, nên khó khăn càng thêm chồng chất do áp lực trả lãi vay. Trao đổi với PV Infonet, chủ một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vận tải hành khách tuyến Bắc – Nam, có địa chỉ tại thị trận Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cho biết, trong những ngày tháng 4 vừa qua khi hơn 10 đầu xe của nhà xe này phải nằm ở nhà, ông vẫn phải chạy đôn chạy đáo lo trả tiền lương cho nhân viên, thậm chí có lúc còn phải đi vay nóng…. 2 triệu đồng để chi tiêu trong gia đình.

“Việc phải "giật gấu vá vai" với tôi không đáng ngại bằng việc phải đối mặt với món nợ 20 tỷ đồng tại ngân hàng. Hiện chúng tôi vẫn phải bù lỗ chi phí hoạt động trong khi vẫn phải luôn nghĩ đến lãi vay”, chủ doanh nghiệp này cho biết.

Trong tháng 4/2020, nhiều nhà xe dừng hoạt động vận chuyển nên lượng khách giảm 100%

Theo lời một cán bộ Công ty cho thuê tài chính, có khách hàng doanh nghiệp vận tải hành khách vay nợ đến gần trăm tỷ đồng, điều này buộc công ty phải ngồi lại với khách hàng để bàn cách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp.

“Giúp khách hàng cũng chính là giúp mình, họ mà phá sản thì mình cũng chết,” vị này cho hay.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp vận tải nào cũng may mắn sống sót sau đại dịch. Trong những ngày qua, một số ngân hàng đã phải rao bán các khoản nợ xấu của các khách hàng là doanh nghiệp vận tải, hoặc thông báo về việc bán đấu giá tài sản là xe ô tô khách.

Mới đây nhất, Ngân hàng BIDV chi nhánh Long Biên thông báo bán đấu giá cùng lúc 8 xe khách hiệu Thaco Mobilhome, loại xe 38-41 giường nằm vốn được các nhà xe gọi là “ngôi nhà di động”.

Theo BIDV, toàn bộ 8 xe khách này thuộc sở hữu của Công ty TNHH Hưng Thành có trụ sở tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Tùy từng đời xe (2011-2014), mức giá khởi điểm được đưa ra cho mỗi chiếc xe từ 850 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng. Số xe này đang bị ngân hàng thu giữ và để tại bãi xe Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội.

Một doanh nghiệp vận tải khách có trụ sở tại Nam Định là Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Mây Tuyên (xã Trực Nội, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) cũng vừa được BIDV chi nhánh Thành Nam thông báo thu giữ 4 xe khách và 1 xe con do nhà xe này không thể thanh toán khoản nợ 3,39 tỷ đồng cho ngân hàng.

Tài sản đảm bảo bị thu giữ của Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Mây Tuyên gồm: 01 xe ô tô khách Samco 34 chỗ; 02 xe ô tô khách 29 chỗ Samco; 01 xe ô tô khách 29 chỗ Transico; và 01 xe ô tô con Huyndai Accent.

BIDV cho biết, việc thu giữ tài sản được thực hiện kể từ thời điểm thu giữ (10/07/2020) cho đến khi tài sản bảo đảm được xử lý, bán đấu giá thành công để BIDV thu hồi nợ hoặc đến khi bên vay hoàn thành nghĩa vụ trả nợ vay.

Cũng tại BIDV, chi nhánh của ngân hàng này tại Gia Lâm (Hà Nội) mới đây cũng thông báo bán đấu giá 1 chiếc xe ô tô khách 38 giường nằm hiệu Thaco để thu hồi nợ của một khách hàng là Công ty TNHH Hưng Thành. Mức giá khởi điểm cho tài sản đảm bảo này là 1,09 tỷ đồng.

Không chỉ BIDV, Ngân hàng VietinBank CN Thái Bình mới đây cũng ra thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của CTCPThương mại Xây dựng Vận tải Anh Đạt để xử lý, thu hồi nợ vay. Tài sản đấu giá là 1 xe ô tô khách giường nằm 41 chỗ được sản xuất năm 2008. Với một chiếc xe đời “sâu” như vậy, giá khởi điểm được VietinBank đưa ra chỉ là 299 triệu đồng.

Ngoài những trường hợp kể trên, hiện còn rất nhiều doanh nghiệp vận tải phải cay đắng nhìn tài sản của mình bị ngân hàng thu giữ hoặc rao bán do không thể gượng dậy sau đại dịch.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/24h/doanh-nghiep-van-tai-lao-dao-vi-covid-19-257749.html