Sau 'cú đấm bồi' Covid-19 ngành du lịch cần tiếp sức để sẵn sàng cho giai đoạn 'lò xo giải nén'

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 'đổ bộ' Việt Nam giống như 'cú đấm bồi' vào ngành du lịch vốn dĩ đã khó khăn do tác động của những đợt dịch trước.

Ngành du lịch Việt Nam tiếp tục phải chịu tác động nặng nề của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. (Nguồn: VGP)

Ngành du lịch Việt Nam tiếp tục phải chịu tác động nặng nề của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. (Nguồn: VGP)

Ngành du lịch lao đao, nhân sự khủng hoảng

Theo khảo sát mới đây của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), 18% doanh nghiệp trong ngành du lịch đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc, 48% doanh nghiệp cho 50-80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có hình thức hỗ trợ tài chính đối với số người lao động bị mất việc.

Riêng tại Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội cho hay, do sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 từ cuối tháng 1/2021 đến nay, du lịch trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các hoạt động du lịch phải tạm dừng trong thời gian giãn cách xã hội, lượng khách du lịch sụt giảm, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và nhà hàng gặp nhiều khó khăn.

Tính đến hết tháng 2/2021, số lượng doanh nghiệp, đại lý lữ hành ở Hà Nội phải đóng cửa, dừng hoạt động ước tính lên đến 95%. 267/1.191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép và dừng hoạt động. 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh. Số lượng lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp lữ hành, tương đương 12.168 người.

Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Bùi Văn Dũng cho biết, do dịch Covid-19, không có khách du lịch quốc tế, nên 90% số hướng dẫn viên phân khúc thị trường này thất nghiệp. Nhiều hướng dẫn viên và doanh nghiệp “đứng ngồi không yên” vì các đợt bùng phát Covid-19. Bên cạnh đó, du lịch nội địa thời gian qua liên tục bị ảnh hưởng do đại dịch lan trong cộng đồng đúng thời kỳ cao điểm.

Chia sẻ với TG&VN, chị Đào Thị Loan, một hướng dẫn viên du lịch tại Hải Phòng, chuyên các tour du lịch Cát Bà cho hay, từ tháng 3/2020 đến nay, chị luôn trong trạng thái thấp thỏm. Trước đây, dịp tháng 4-8 hàng năm, khi chưa có Covid-19, có những tour, vừa đặt chân đến nhà chưa kịp thay quần áo, đã lại phải lên đường.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp ở Việt Nam, khách hàng bắt đầu hủy tour, hủy khách sạn, nhà nghỉ, khiến công việc bị gián đoạn.

Chị Loan cho hay, dịch thường bùng phát vào mùa cao điểm du lịch. Mùa Hè năm 2020, dịch lắng xuống, người dân đổ xô đi du lịch nhưng đến tháng 7, dịch bắt đầu bùng phát ở Đà Nẵng, khiến cho các tour du lịch Cát Bà cũng bị ảnh hưởng.

"Thời điểm đó, chúng tôi chỉ đi làm vài ngày trong một tháng, còn lại nghỉ ở nhà và chờ đại dịch đi qua. Dù không mất việc hoàn toàn, nhưng hàng tháng, tôi chỉ nhận được một khoản lương cứng ít ỏi, không đủ để trang trải cuộc sống. Tôi sẽ tiếp tục gắn bó với nghề hướng dẫn viên, nhưng vẫn phải kiêm thêm nghề tay trái - bán hàng online để kiếm thêm thu nhập”, chị Loan chia sẻ.

Cần sự tiếp sức kịp thời

Linh hoạt thích ứng, chuyển trọng tâm sang thị trường nội địa là chủ yếu, liên tục làm mới sản phẩm, dịch vụ để duy trì hoạt động trong an toàn, sắp xếp lại bộ phận nhân sự… là những yêu cầu mà ngành du lịch đã trải nghiệm và thực hiện trong thời gian qua.

Đơn cử như Công ty VietSense Travel buộc phải giảm nhân sự, chuyển đổi, sắp xếp lại nhiều vị trí như nhân viên phụ trách thị trường quốc tế chuyển sang làm nội địa. Còn tại Công ty AZA Travel, một bộ phận chuyển sang sản xuất, kinh doanh bia thủ công. Nhân viên TransViet Travel chuyển vào Đà Lạt trồng nông sản sạch…

Mỗi doanh nghiệp du lịch đều đang phải chủ động xây dựng và triển khai các phương án kinh doanh phù hợp, chuẩn bị các gói sản phẩm dịch vụ tốt nhất để đón đầu cơ hội thị trường tăng cầu khi trạng thái "lò xo giải nén" mở ra sau khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

"Vấn đề tài chính - nguồn sống còn của doanh nghiệp, đang gặp khó khăn lớn. Bài toán khó nhất với chúng tôi hiện nay là làm sao có thêm nguồn tiền để duy trì đội ngũ nòng cốt và cầm cự để sống sót đến khi dịch đi qua, có sức hoạt động trở lại. Giai đoạn này phải gọi là cứu doanh nghiệp chứ không đơn thuần là hỗ trợ nữa. Cái cần cứu nhất là nguồn sống, tức tài chính, ngoài ra các hỗ trợ khác không có nhiều ý nghĩa". Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Vietsense Travel.

Tuy nhiên, với các đợt tấn công dồn dập của Covid-19, doanh nghiệp rất cần tiếp sức kịp thời từ các gói hỗ trợ kinh tế và chính sách, các chương trình kích cầu ngay những nơi kiểm soát tốt dịch bệnh hay an toàn trên diện rộng.

Song song với đó, cần thực thi tốt các nhóm giải pháp phục hồi và tăng trưởng du lịch trong an toàn. Tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn và huy động nguồn lực thu hút đầu tư.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) Vũ Thế Bình, thống kê từ các Hiệp hội du lịch địa phương cho thấy, số người làm trong lĩnh vực du lịch được nhận gói hỗ trợ của Nhà nước rất ít, do vấn đề thủ tục chứng minh không có việc làm trong thời gian có dịch không dễ dàng.

Tính đến cuối năm 2019, cả nước có trên 1,3 triệu lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động. Tuy nhiên, do lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và phải nghỉ việc quá lâu, không nhận được sự hỗ trợ, trong khi chi phí sinh hoạt hàng ngày vẫn phải chi, khiến nhiều nhân sự vững tay nghề có xu hướng chuyển hẳn sang một ngành mới.

Điều đáng lo ngại là khi dịch bệnh qua đi, du lịch phục hồi, ngành du lịch lại đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực để "tái thiết". Vì vậy, ông Vũ Thế Bình cho rằng, các hiệp hội cần động viên các doanh nghiệp cố gắng giữ lực lượng cốt cán để có thể sớm quy tụ lại sau dịch. Trong lúc khó khăn, các doanh nghiệp du lịch triển khai đào tạo nhân lực trực tuyến và từng bước thực hiện công tác chuyển đổi số.

Đồng quan điểm, từ phía địa phương, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Khánh cho biết, Hiệp hội Du lịch Thành phố đã có kiến nghị để giúp đỡ doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn khó khăn, cụ thể về thuế, tín dụng, bảo hiểm.... Cần phải khôi phục, phát triển nhân lực cho doanh nghiệp và triển khai sớm các biện pháp chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Điện Biên Bùi Anh Tiến cũng nhận định, dịch Covid-19 đã khiến lao động trong ngành du lịch mất việc làm, phải tìm công việc khác để duy trì cuộc sống. “Chúng tôi cũng rất mong trong giai đoạn khi chúng ta chưa có nhiều các hoạt động du lịch sẽ có những chương trình đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ theo hình thức trực tuyến để các địa phương có bước tiến và sự chuẩn bị tốt hơn cho giai đoạn hậu Covid-19”, ông Bùi Anh Tiến nói.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sau-cu-dam-boi-covid-19-nganh-du-lich-can-tiep-suc-de-san-sang-cho-giai-doan-lo-xo-giai-nen-146400.html