Sau Covid-19, thêm 50% người mua sắm online là khách mới

Việc được khuyên ở nhà tránh dịch đã khiến nhiều người hình thành thói quen mua hàng trên Internet.

Sau giai đoạn dịch bệnh, một nửa người dùng trên Tiki là khách hàng mới và lần đầu mua sắm - ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng giám đốc Phát triển Doanh nghiệp tại Tiki cho biết.

“Nhóm khách hàng mới là đối tượng chưa có nhiều trải nghiệm trên các sàn thương mại điện tử. Do đó, sự đơn giản, nhanh chóng, an toàn khi mua sắm trực tuyến sẽ giúp trải nghiệm từ những lần đầu của họ mượt mà hơn, giữ họ ở lại với hình thức mua sắm này trong những lần tiếp theo”, ông Gia Khánh nói tại diễn đàn "Toàn cảnh Thương mại Điện tử Việt Nam 2020” diễn ra hồi tuần trước.

Thói quen mua sắm online của người dân gia tăng kể từ giai đoạn dịch bệnh. Trong ảnh: một nhân viên giao hàng trên đường phố TP.HCM. Ảnh: Hải Đăng

Cũng tại diễn đàn này, bà Vũ Thị Ánh Tuyết, Chánh văn phòng Lazada Việt Nam, cho biết có những người chưa từng nghĩ đến việc mua hàng online nhưng trong giai đoạn dịch đã mua hàng qua mạng. Việc được khuyên ở nhà tránh dịch đã khiến nhiều người hình thành thói quen mua hàng trên Internet.

Nghiên cứu của Nielsen tại Việt Nam cũng khẳng định xu hướng tương tự, có tới 60% người được hỏi đã thử mua hàng trên thương mại điện tử trong giai đoạn dịch và sẽ tiếp tục mua online nhiều hơn.

Trong giai đoạn dịch, người dân chú trọng mua hàng hóa liên quan đến sức khỏe, làm việc và học hành từ xa, lương thực - thực phẩm.

Khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết từ tháng 2 đến tháng 4, một số mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay, hay các mặt hàng thiết yếu khác tăng trưởng mạnh.

“Đánh giá sơ bộ cho thấy người tiêu dùng rất lạc quan về thương mại điện tử sau giai đoạn dịch”, bà Nguyễn Thúy Anh, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông tin.

Những yếu tố giúp giữ chân người mua sau dịch

Trong giai đoạn này, theo đại diện Tiki, giá rẻ không còn là yếu tố quan trọng duy nhất mà khách hàng quan tâm khi mua sắm trực tuyến. Thay vào đó, chất lượng sản phẩm và dịch vụ xứng đáng với số tiền bỏ ra là điều người mua muốn có.

Đồng thời, tốc độ giao hàng nhanh và linh hoạt theo lịch đặt hàng, dịch vụ tư vấn kịp thời, trải nghiệm mua sắm xuyên suốt, là các yếu tố cộng thêm.

Để đảm bảo các yếu tố này, một nền tảng mua sắm trực tuyến phải xây dựng được các giải pháp hậu cần và chuỗi cung ứng thông minh.

Chẳng hạn trang bị các công cụ giúp dự báo, quản lý hàng tồn kho, từ đó đảm bảo hàng hóa luôn sẵn có, đáp ứng nhanh nhu cầu mua sắm của khách hàng. Đội ngũ giao hàng (shipper) cũng cần có ứng dụng để xác định cung đường vận chuyển thuận tiện và nhanh chóng nhất.

Song song đó, cần sàng lọc và quản lý chất lượng hàng hóa trên sàn. Để thực hiện điều này, các bên đã áp dụng nhiều công cụ, bao gồm tích hợp trí tuệ nhân tạo kết hợp giám sát từ con người.

Sau khi bảo đảm được tốc độ giao hàng và chất lượng sản phẩm, cần tính tới việc tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Cụ thể, cần cá nhân hóa các loại hàng hóa hiển thị cho từng khách hàng khác nhau, đồng thời giới thiệu đến người mua nhưng sản phẩm của đối tác bán hàng uy tín nhất.

Cuối cùng, cần có giải pháp thanh toán trực tuyến tiện lợi và an toàn trong thanh toán cho cả người mua và người bán.

Đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho biết đặt kế hoạch tăng trưởng thương mại điện tử hàng năm lên 25% vào năm 2025, ước tính 10 năm nữa thương mại điện tử sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán hàng B2C. Tuy nhiên sau cú hích gần đây, phía Cục dự báo kết quả tăng trưởng 5 năm tới có thể sẽ vượt kế hoạch.

Hải Đăng

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/cntt/sau-dich-hon-nua-nguoi-mua-sam-online-la-khach-hang-moi-257685.html