Sau Công Thương, Tài Chính, Bộ Giao thông vận tải bàn giao 5 doanh nghiệp về 'Siêu Ủy ban'

Chiều 12/11, Bộ Giao thông Vận tải đã chuyển giao 5 tổng công ty gồm: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV) về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (Siêu Ủy ban).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu chứng kiến Lễ ký chuyển giao. Ảnh: Lâm Hoài.

Tổng vốn điều lệ của 5 đơn vị kể trên là khoảng 49.000 tỷ đồng, vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là hơn 46,3 nghìn tỷ đồng.

Các nội dung bàn giao lần này, gồm các tài liệu pháp lý của doanh nghiệp như quyết định thành lập doanh nghiệp; điều lệ tổ chức và hoạt động; quyết định phê duyệt Kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp; quyết định phê duyệt Quy chế tài chính, vốn điều lệ; quyết định bổ nhiệm các chức danh; báo cáo tài chính hợp nhất...

Phát biểu tại lễ bàn giao, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc chuyển giao này nhằm hình thành một cơ quan đại diện chủ sở hữu chuyên trách, chuyên nghiệp và có trách nhiệm giải trình đầy đủ thay vì mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước hiện nay. Qua đó, tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; phân định chức năng quản lý nhà nước và chủ sở hữu vốn nhà nước.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, sau khi chuyển giao, các bộ quản lý ngành lĩnh vực như Bộ Giao thông vận tải vẫn còn nguyên 5 chức năng quản lý nhà nước như hiện nay, bao gồm: Xây dựng hệ thống pháp luật và văn bản pháp luật về hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; là cơ quan xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển trong các lĩnh vực này; thiết lập hệ thống định mức, tiêu chuẩn liên quan lĩnh vực này; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan quản lý nhà nước; thanh kiểm tra việc tuân thủ pháp luật.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, đây sẽ là một sự thay đổi lớn, qua đó, khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện nay. Các Tổng công ty nhà nước sẽ hoạt động tốt hơn, sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng khẳng định, lãnh đạo Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước giải quyết căn bản các vấn đề còn tồn tại hiện nay của các đơn vị này.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho biết, 5 tổng công ty chịu quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải sau khi chuyển giao sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, tập trung sản xuất kinh doanh, nghiêm túc thực hiện sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp.

Trước đó, sáng ngày 12/11, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đã chia tay Bộ Tài chính để chuyển giao về siêu Ủy ban và ngày 10/11, Bộ Công Thương cũng bàn giao 6 tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) với số vốn Nhà nước hơn 555.000 tỷ đồng.

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước được thành lập do ông Nguyễn Hoàng Anh, làm chủ tịch. Đây là đơn vị đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên. Đến cuối tháng 9/2018, Ủy ban chính thức hoạt động với 19 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước sở hữu được “gom về”. Ước tính, tổng tài sản của 19 tập đoàn, tổng công này có giá trị lên tới 2,3 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 46% GDP cả nước năm 2017.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/sau-cong-thuong-tai-chinh-bo-giao-thong-van-tai-ban-giao-5-doanh-nghiep-ve-sieu-uy-ban.aspx