Sau bánh chưng, mì tôm… bài toán nào cho chính chúng ta?

Có lẽ trong ít ngày qua, từ khóa 'miền Trung' không chỉ còn mang nghĩa về vị trí địa lý mà trở thành máu thịt, là nghĩa tình đồng bào. Trong mất mát, thương đau của bão lũ lại bừng lên lửa ấm tình người. Có nhiều cách để ủng hộ sẻ chia, nhiều trăn trở về cách làm, nhiều quan điểm trái chiều trong dư luận…

Nhưng có lẽ, nhìn nhận một cách khách quan, miền Trung sẽ còn phải đối đầu với nhiều bão lũ như vậy. Bởi thế, sau những phần lương thực chứa chan tình cảm, những đồ dùng, các khoản tiền để giúp bà con tái thiết cuộc sống còn cần cả một lời giải cho bài toán của chính chúng ta: Cách nào để ủng hộ đồng bào một cách chủ động hiệu quả hơn?

Qua hàng ngàn năm, ông cha ta đã đúc rút ra một bài học về bốn mối họa: "thủy, hỏa, đạo, tặc", chẳng phải ngẫu nhiên, "thủy" trở thành kẻ đứng đầu bảng. Hàng năm, trên cả nước dẫu không xảy ra các trận lũ lụt lớn thì cũng có đến khoảng 3000 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Nhân loại từng chứng kiến trận lụt ở bang Louisiana (Mỹ) năm 1927 khiến cho khoảng 1000 người chết và ngập lụt gần nửa năm. Tháng 4 năm 1931, lũ lụt ở lưu vực sông Dương Tử (Trường Giang) làm cho 145.000 người thiệt mạng. Năm 1971, khi hiện tượng La Nina chi phối khí hậu toàn cầu và bắt đầu tác động mạnh mẽ đến Việt Nam khiến 13 tỉnh thành của miền Bắc bị vỡ đê khiến cho nhiều người già đến hôm nay vẫn còn ám ảnh.

Người dân vùng lũ Hương Khê ấm lòng khi nhận được quà cứu trợ. Ảnh: CANDONLINE

Người dân vùng lũ Hương Khê ấm lòng khi nhận được quà cứu trợ. Ảnh: CANDONLINE

Cho đến thời điểm này, có lẽ chúng ta chưa có được một con số thống kê chính xác về thiệt hại bởi không phải mất mát nào cũng quy đổi thành giá trị vật chất. Những người dân đã không may thiệt mạng là vô giá, những người lính đã hy sinh là vô giá, những giọt nước mắt, cơn nấc nghẹn là vô giá… Bởi thế, điều cần kịp nhất là những bữa ăn, là nước ngọt, là thuốc men, xử lý ô nhiễm môi trường bùn lầy, là trẻ em phải được đến trường, là giao thông phải được thông suốt…

Đành rằng, nhắc đến miền Trung, hẳn ai trong chúng ta cũng đã "mặc định" một nội hàm về những đối cực của nắng gắt và bão lũ nhưng chưa năm nào mức độ thiệt hại lại lớn đến thế. Không chỉ nước ngập mà còn là núi lở, đâu riêng gì nước sông dâng lên mà cả nước nguồn từ hồ thủy điện tràn xuống.

Có lẽ, phải là người miền Trung mới có thể kể hết được vô vàn nguy cơ, phải đến được tận nơi mới cảm nhận hết được sức tàn phá của "thủy tặc" mà dẫu có đề phòng, dẫu được cảnh báo cũng không sao đối phó hết được.

Lướt trên mạng xã hội, chúng ta bắt gặp rất nhiều dòng trạng thái với nội dung đại ý như: "Nhìn cảnh đồng bào miền Trung lúc này tôi chỉ ước mình có thật nhiều tiền đề ủng hộ bà con". Lâu nay, những câu nói kiểu "nếu có nhiều tiền", hay "nếu mình giàu", "nhỡ mình trúng Vietlott"… chỉ là một trò vui của cư dân mạng. Nhưng giờ đây, ước mơ có một khoản tiền lớn ấy là hết sức nghiêm túc, rất nhân văn, dẫu chỉ là một điều ước và khó trở thành hiện thực nhưng cũng rất đáng trân trọng.

Chiến sỹ Công an Quảng Bình đầu gánh tài sản, tay đẩy bè chuối để đưa người dân ra khỏi vùng lũ. Ảnh: CANDONLINE

Lâu nay, mạng xã hội đã trở thành một kênh phổ biến để thể hiện suy nghĩ, quan niệm sống của nhiều người. Trước những thiệt hại của đồng bào miền Trung, thái độ sống, cách nghĩ, việc làm của nhiều người đã có sự thay đổi. Dẫu không có sự quy định, giám sát, phán xét nào cấm kỵ nhưng có lẽ khi ai đó có ý định mua sắm, vui chơi bất giác ta nghĩ đến đồng bào màn trời chiều đất bỗng thấy chạnh lòng.

Người xưa từng nói trong họa có phúc, những mất mát to lớn không ai mong muốn ấy như một phép thử để mỗi người ý thức hơn về sự "tương thân tương ái", là một dịp để ta hướng thiện, để điều chỉnh lại cuộc sống của mình vừa độ hơn, hợp lý, tiết kiệm hơn.

Cũng chẳng riêng gì sự kiện này, khi xảy ra lũ lụt, sạt lở đất tại nhiều địa phương khác, bên cạnh những tín hiệu lạc quan, hình ảnh đẹp là những e ngại về sự ngụy tạo, về sự cơ hội, về những hạt sạn. Người ta e ngại cách ủng hộ phong trào để lấy tiếng, cách "làm màu", hay nhiều kẻ lợi dụng việc thiện để che giấu đi những thói xấu hàng ngày trong ứng xử với xã hội…

Thực ra, bản chất con người không dễ thay đổi, việc làm phải xuất phát từ tâm. Tuy nhiên, khi đến cả người hàng ngày ít làm việc thiện giờ cũng bắt đầu hành thiện thì đó cũng là tín hiệu đáng mừng. Cứ biết hôm nay họ làm việc tốt đã, ngày mai họ có phát huy được điều đó hay không lại là câu chuyện khác.

Sau tất cả những bàn luận đó, có vẻ như trong dư luận xã hội cũng đang có một cơn lũ ngổn ngang những suy nghĩ, rất khó lựa chọn phân minh, khó tìm ra những đáp án hợp lý nhất lúc này. Bởi lẽ đó, hướng đến những thứ là gốc của vấn đề, biết đâu chúng ta sẽ có được những giải pháp hiệu quả hơn?

Ảnh: Báo CANDONLINE

1. Cần có một miền Trung yêu thương trong suy nghĩ của mỗi chúng ta. Đi khắp cả nước, nơi đâu ta cũng thấy bà con nhân dân cần mẫn và sáng tạo trong sản xuất. Có điều những công sức đó đôi khi lại đổ xuống sông, xuống biển bởi mưa đá, bão lũ, hạn hán… dẫn đến đói nghèo. Người dân ở những nơi đó có thể vẫn phải bám đất nhưng cần có những thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh khí hậu chung của toàn cầu.

Nhà phao tránh lũ ở Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình. Ảnh: Báo CANDONLINE

Mô hình 540 ngôi nhà phao tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) với chi phí khoảng vài chục triệu đồng có thể là một giải pháp hiệu quả. Nếu các hộ dân chủ động tích lũy, cùng sự giúp sức của các tổ chức, những tấm lòng thiện nguyện hoàn toàn có thể thực hiện được và nhân rộng ra các địa phương khác.

Thiên tai, dịch bệnh là những nguy cơ tiềm ẩn, bởi thế trong suy nghĩ của mỗi người cũng cần có một ý thức tiết kiệm thường trực. Phải làm sao để việc đùm bọc, cưu mang, hành xử nhân ái trở thành một thứ vitamin cần thiết cho tâm hồn mỗi người như một triết lý giản đơn: Mỗi khi lên mạng, xem báo, nghe đài thấy lòng ấm áp vì không còn phải âu lo khi thấy người dân ở đâu đó đang trong cảnh "màn trời, chiếu đất"…

2. Cần có một thái độ tôn trọng với những nạn nhân của thiên tai. Các cụ ta thường nói: "lá lành đùm giá rách" nhưng trước những mất mát đau thương của người dân miền Trung, cả những người nghèo đang phải lo toan vất vả cũng sẵn sàng ủng hộ, đó là điều rất tốt đẹp. Có thể ta chưa phải là "lá lành" nhưng của ít lòng nhiều rất đáng trân trọng. Có điều cái tâm phải lành lặn thành ý.

Bởi thế, rất cần cả sự lên án, phê phán các hành động cung cấp đồ ăn quá hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, biến việc ủng hộ người đang hoạn nạn thành việc mà như một bài báo đã từng nêu "xin đừng đem rác đến cho người nghèo". Đó chính là hành động thiếu tôn trọng đối với những người đang được chúng ta thương yêu, nâng niu nhất ở thời điểm này.

3. Để mỗi tấm lòng thiện nguyện trở thành chiếc phao cứu sinh. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng khi vận dụng vào thực tế lại gặp rất nhiều khó khăn. Nhìn cảnh những đoàn xe cứu trợ ùn tắc trên quốc lộ 1A, lắng nghe những ý kiến phản hồi rất thật như bà con có cần nhiều bánh chưng, mì gói đến thế không?

Chúng ta mới thấy, để mỗi đồng tiền ủng hộ trở nên hiệu quả thì cần có sự thông tin kịp thời. Có lẽ, cần ở báo chí, các nhà hảo tâm, và cả chính những người dân một sự thông tin chính xác, cập nhật để "hậu phương" kịp thời điều chỉnh, đem lại hiệu quả trong cuộc chiến với thiên tai này.

Có thể ở đâu đó, người dân mất niềm tin vào những cán bộ thiếu phẩm chất đạo đức, bớt xén, gây khó dễvới các hành động cứu trợ. Bởi thế, để ứng phó với những nguy cơ thiên tai không mong muốn trong tương lai rất cần sự nâng cao hiệu quả các đơn vị điều hành cứu trợ, cơ chế giám sát, minh bạch thông tin, đem lại lòng tin cho cả người ủng hộ và chính các nạn nhân.

Trước những thiệt hại to lớn này, người dân đâu chỉ cần ứng cứu để đảm bảo về tính mạng, hỗ trợ về vật chất thiết thực, mà còn cần chính chúng ta ủng hộ về thông tin một cách chính xác, hiệu quả để góp phần giải bài toán khó này để người dân miền Trung sớm vượt qua khó khăn, trở lại với cuộc sống ổn định trong một ngày gần nhất.

Kiến Văn

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/sau-banh-chung-mi-tom-bai-toan-nao-cho-chinh-chung-ta-617776/