Sau bài giống nhãn tím, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT xử lý

Sau khi Dân Việt có bài phản ánh tình trạng người Thái lùng mua giống nhãn tím Sóc Trăng nhưng đến nay vấn đề bảo hộ giống quý vẫn chưa được quan tâm, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NNPTNT vào cuộc, xử lý thông tin trên.

Ngày 13.8, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 7659/VPCP-NN gửi Bộ NNPTNT truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về bài báo “Từ chuyện người Thái lùng mua nhãn tím: Sao chưa bảo hộ giống quý?” đã được đăng trên báo điện tử Dân Việt.

Công văn nêu rõ: Ngày 6.8.2018, Báo điện tử Dân Việt đăng bài: “Từ chuyện người Thái lùng mua nhãn tím: Sao chưa bảo hộ giống quý?”, phản ánh việc gần đây một nhóm người Thái Lan về miền Tây tìm mua giống nhãn tím, gây ra lo ngại Thái Lan mua giống rồi phát triển thành sản phẩm nông nghiệp đại trà. Thực tế này đặt ra câu hỏi về việc đăng ký bảo hộ, phát triển và bảo vệ các giống đặc sản.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT nghiên cứu và xử lý thông tin trên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Công văn của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ NNPTNT sau bài “Từ chuyện người Thái lùng mua nhãn tím: Sao chưa bảo hộ giống quý?”

Về vấn đề bảo hộ giống nhãn tím, trao đổi với phóng viên Dân Việt tối ngày 14.8, Thạc sỹ Lê Thanh Tùng, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định, tỉnh Sóc Trăng đang sở hữu giống nhãn có vỏ màu tím, nhìn rất đẹp và bắt mắt, chất lượng cũng thơm ngon như các giống nhãn khác. Tuy nhiên, hiện nay diện tích nhãn tím chưa được nhiều.

Còn ông Nguyễn Văn Đầy, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) cho biết, giống nhãn này chủ yếu được phát triển trên địa bàn huyện Kế Sách, Long Phú.

Ông Trần Văn Huy ở xã Phong Nẫm, Kế Sách, Sóc Trăng là người phát hiện giống nhãn tím. Ảnh: I.T.

Về kế hoạch bảo hộ giống nhãn quý, ông Lê Thanh Tùng cho biết, tỉnh Sóc Trăng cũng đã có kế hoạch và đề xuất chứng nhận giống nhãn mới cũng như đưa ra các giải pháp bảo bộ nguồn gen quý.

“Cục Trồng trọt đã làm việc với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng về vấn đề chứng nhận, bảo hộ giống nhãn tím quý hiếm nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được hồ sơ”, ông Tùng khẳng định.

Cũng theo ông Tùng, để bảo tồn các loại giống quý hiếm, Bộ NNPTNT đã có văn bản yêu cầu các loại giống đặc sản trong diện bảo tồn, có nguy cơ biến mất hoặc bộ gen quý cấm tuyệt đối không được xuất khẩu.

Đối với các loại giống mới, Bộ NNPTNT cũng đề nghị các địa phương liên hệ với các tác giả để sớm được công nhận giống để bảo tồn, lưu giữ và phát triển; khuyến khích các địa phương thúc đẩy công tác bảo hộ, chứng nhận giống. Nếu có khó khăn trong công tác này, có thể liên hệ với Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam để được trợ giúp.

Về việc một số thương lái người Thái Lan sang lùng mua giống nhãn tím rồi về trồng đại trà, ông Lê Thanh Tùng cho biết, chưa nghe thông tin này.

Giống nhãn tím được nhiều người tìm mua. Ảnh: I.T.

Được biết, ông Trần Văn Huy (tức Bảy Huy, ngụ xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) là người tình cờ phát hiện và nhân giống thành công cây nhãn tím. Với màu sắc độc đáo, lạ mắt, giống nhãn này sau khi xuất hiện tại một hội chợ nông nghiệp đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

Ông Huy cho biết, cách đây khoảng 17 năm, trong quá trình chăm sóc vườn nhãn long (nhãn trắng) thì bất ngờ phát hiện một nhánh nhãn màu tím. Đoán nhãn bị đột biến, ông Huy cắt nhánh nhãn này mang đi trồng và kết quả, cây sinh trưởng, cho trái nhãn màu tím, rất đẹp.

Biết “trời ban cho” giống nhãn quý, ông Bảy Huy liền chiết ra nhiều nhánh đem trồng quanh nhà. Năm 2012, ông Huy mang loại nhãn tím quý hiếm của mình đi trưng bày tại “Lễ hội sông nước miệt vườn” diễn ra ở Sóc Trăng khiến nhiều người rất thích thú.

Nhãn tím có màu sắc bắt mắt. Ảnh: I.T.

Mới đây, có một nhóm thương nhân Thái Lan đến hỏi mua giống nhãn tím, ông Bảy Huy vẫn giữ quyết tâm không bán cho người nước ngoài. Thế nhưng hiện nay, giống nhãn tím này đã được nhân rộng và bày bán khá nhiều ở các tỉnh ĐBSCL với giá rất cao, từ 150.000 – 200.000 đồng/kg nhưng vẫn luôn trong tình trạng “cháy hàng”.

Ngay từ đầu ông Bảy Huy đã nhiều lần từ chối bán rộng rãi giống cây này. Tuy nhiên, đến năm 2012, ông ký hợp đồng thu mua độc quyền với một chủ vườn chuyên cung cấp cây giống. Thời hạn thực hiện hợp đồng là 2 năm, số lượng bao nhiêu cũng mua hết với giá cao kỷ lục 1 triệu đồng/nhánh nhãn chiết.

Tuy nhiên, việc mua bán chỉ diễn ra được một thời gian rồi đứt đoạn. Tính từ thời điểm ký hợp đồng mua bán độc quyền này cho tới khi bên mua ngừng giao dịch, ông Huy bán ra được khoảng 200 cành giống nhãn tím. Nhưng ngay khi phía “đối tác” không mua giống của ông Huy nữa thì cũng là lúc cây nhãn tím đã bị nhân giống, bày bán tràn lan trên thị trường.

Rõ ràng, 17 năm cho một hành trình bảo hộ, chứng nhận, nghiên cứu về một giống nhãn tím lạ, có thể phát triển thành một đặc sản mới là quá dài, nếu không muốn nói là quá chậm chạp.

Anh Thơ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/sau-bai-giong-nhan-tim-thu-tuong-chinh-phu-giao-bo-nnptnt-xu-ly-904122.html