Sau Ant Group, Trung Quốc chuyển tầm ngắm đến Tencent

Sau Alibaba và Ant Group, đến lượt đế chế Internet lớn nhất Trung Quốc có nguy cơ bị bóp nghẹt bởi chính quyền Bắc Kinh.

Theo Bloomberg, cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh nhắm vào các đế chế Internet hùng mạnh nhất gần đây đã che lấp triển vọng phát triển của gã khổng lồ Tencent Holdings. Đối mặt với tương lai khó khăn, mảng dịch vụ tài chính trị giá 120 tỷ USD của Tencent phải tìm kiếm con đường tăng trưởng mới.

Kể từ năm ngoái, cơ quan quản lý Trung Quốc đã tăng cường giám sát các công ty có giá trị lớn, như Alibaba của tỷ phú Jack Ma hay Tencent, Pinduoduo,... Các gã khổng lồ bị giám sát chặt chẽ mọi khía cạnh từ hoạt động, mục tiêu cho đến danh mục đầu tư.

Sau cuộc đại tu Alibaba và Ant Group, nguồn tin tiết lộ giới chức Bắc Kinh đang tiếp tục xem xét buộc Tencent phải chuyển đổi cơ cấu một bộ phận trong mảng fintech đầy hứa hẹn của mình. Theo đó, công ty sẽ phải chuyển đổi thành một công ty mẹ như Ant Group đã làm gần đây. Điều này có tác động tiêu cực khi các nhà đầu tư sẽ đánh giá lại triển vọng phát triển trong ngành giao dịch kỹ thuật số của công ty.

Mối đe dọa tiềm tàng từ phía chính quyền càng khiến tỷ phú Mã Hóa Đằng đối mặt với nhiều biến cố khó đoán. Đến nay, sự e ngại đã quét sạch 170 tỷ USD giá trị vốn hóa từ đỉnh cao hồi tháng 1.

 Vốn hóa thị trường của Tencent đã bốc hơi 170 tỷ USD bởi luồng thông tin chính quyền Trung Quốc sẽ siết chặt kiểm soát nhằm vào các công ty công nghệ. Ảnh: Bloomberg.

Vốn hóa thị trường của Tencent đã bốc hơi 170 tỷ USD bởi luồng thông tin chính quyền Trung Quốc sẽ siết chặt kiểm soát nhằm vào các công ty công nghệ. Ảnh: Bloomberg.

Theo Reuters, hồi đầu tháng này, ông Mã Hóa Đằng đã tham dự kỳ họp "Lưỡng hội" và thảo luận về việc tuân thủ các quy tắc với các quan chức của Cục Quản lý về quy chế thị trường. Trong phiên họp, cơ quan giám sát chống độc quyền cho biết đang thu thập thông tin và điều tra về hoạt động độc quyền của WeChat - ứng dụng nhắn tin của Tencent.

Ông Michael Norris, giám đốc nghiên cứu tại AgencyChina, nhận xét: "Tencent đã quá quen với các quy định bóp chặt hoạt động kinh doanh game của mình. Các nhà đầu tư sẽ nghi ngại vì những quy định giám sát chặt chẽ có thể ngăn cản hoạt động đầu tư của Tencent vào lĩnh vực game hoặc các ngành khác".

Hoạt động tài chính - trị giá từ 105 đến 120 tỷ USD - có thể trở thành mục tiêu trong tầm ngắm tiếp theo của chính quyền. Dịch vụ sinh lời nhiều nhất của Tencent là WeChat Pay, được liên kết với ứng dụng nhắn tin cùng tên. Giống như Ant Group, mô hình tài chính kỹ thuật số này cũng đặt ra thách thức cho ngành ngân hàng truyền thống, vốn được quản lý bởi nhà nước.

Trung Quốc đã khởi động chiến dịch trên diện rộng nhằm kiềm chế sự bành trướng của các tập đoàn lớn nhất, trong đó Alibaba và Ant Group là hai đích ngắm đầu tiên. Theo báo cáo, mảng kinh doanh fintech của Ant Group có doanh thu khoảng 84 tỷ nhân dân tệ, chiếm khoảng 70% doanh thu của tập đoàn vào năm 2019.

Gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ truy lùng gắt gao các công ty Internet sở hữu dữ liệu người dùng và sức mạnh thị trường càng cho thấy cuộc trấn áp các công ty Internet tại Trung Quốc đang ngày càng gia tăng.

Nguồn tin dự đoán sự kiểm soát nhắm vào các mảng kinh doanh của Tencent sẽ nhanh chóng lan sang các công ty tài chính lớn khác và hạn chế khả năng tăng trưởng của thị trường tín dụng trực tuyến từ 12–19% đến năm 2025. Bên cạnh đó, những cái tên thống trị như Ant Group, Tencent, Duxiaoman và JD Tech đều có nguy cơ bị giám sát gắt gao hơn so với các đối thủ nhỏ.

Robin Zhu - chuyên gia tài chính tại Bernstein - cho biết: "Rủi ro của Tencent chủ yếu đến từ 'quy mô khổng lồ' của nó. Tuy vậy, vị thế cạnh tranh trong các lĩnh vực kinh doanh chính của Tencent vẫn rất vững chắc".

Bùi Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sau-ant-group-trung-quoc-chuyen-tam-ngam-den-tencent-post1196761.html