Sau 8 năm, Philippines lại cần 'phép màu Hà Nội' để đánh bại Việt Nam

Bán kết AFF Cup 2018, thầy trò HLV Sven-Goran Eriksson cần 'phép màu Hà Nội' như 8 năm trước để đánh bại thầy trò HLV Park Hang-seo.

Ảnh: AFF Suzuki Cup.

Ngày 6.12.2010 được cho là bước chuyển mình đáng nhớ nhất lịch sử bóng đá Philippines. Từ một đội chuyên đóng vai lót đường ở khu vực, quốc đảo này đã vươn tầm và trở thành một đối trọng không thể xem thường.

Sở dĩ có điều đó bởi ngay tại Mỹ Đình trước đội đương kim vô địch Việt Nam, Philip Younghusband cùng các đồng đội đã đánh bại đối thủ với tỉ số 2-0. "Choáng váng", "kì tích" và đặc biệt là cụm từ "phép màu Hà Nội" đã được dùng để tôn vinh chiến thắng lịch sử đó của Philippines.

Philippines là đối thủ không thể xem thường. Ảnh: AFF Suzuki Cup.

2010 cũng là kì AFF Cup đầu tiên, Philippines vượt qua vòng bảng. Sau đó, họ làm được điều tương tự vào các năm 2012 và 2014. Và năm 2016 việc bị loại ngay từ vòng bảng trở thành cái cớ để bóng đá quốc gia này quyết tâm thực hiện cuộc chuyển mình.

Lực lượng tham gia giải năm nay của Philippines không thể xem thường với hàng tá cầu thủ gốc Châu Âu và vẫn thi đấu tại lục địa già. Trong đó, những ngôi sao như thủ môn Neil Etheridge của Cardiff City là điển hình cho dàn cầu thủ chất lượng mà HLV Eriksson đang sở hữu.

Neil Etheridge từng là ngôi sao số 1 của Philippines ở giải năm nay. Ảnh: AFF Suzuki Cup.

Nhưng tại sao, với một đội hình như vậy, Philippines vẫn cần cái gọi là "phép màu Hà Nội" để mong vượt qua Việt Nam ở cả 2 lượt đấu?

AFF Cup không thuộc hệ thống giải chính thức của FIFA nên các CLB có quyền đòi người khi họ muốn. Sau vòng bảng, những cái tên như Neil Etheridge, Daisuke Sato và John-Patrick Strauss đã trở về CLB và tạm biệt ông Eriksson. Học trò cưng Luke Woodland cũng nói lời chia tay với trận bán kết do chấn thương gặp phải khi đối đầu với Singapore.

Không phải Eriksson không lường trước những vấn đề phát sinh này. Ông cùng trợ lý Dan Palami luôn có "phương án B" cho tất cả các vị trí vừa kể tên. Dù là ngôi sao đang thi đấu tại Premier League nhưng Etheridge cũng phải ngồi dự bị 1 trận ở vòng bảng để nhìn Michael Falkesgaard bắt thay mình. Sato không đá trận mở màn nhưng Eriksson đã có Martin Steuble và Paul Mulders thay thế rất tốt.

“Già gân” Eriksson luôn có phương án đề phòng. Ảnh: AFF Suzuki Cup.

Dù có sẵn các phương án thay thế nhưng không phải vì thế, nỗi lo với Eriksson sẽ vơi đi. Trong số 23 cầu thủ ông đang sở hữu, chỉ có 19 người đã được chọn từ đầu, số còn lại gọi thêm để thay thế các ngôi sao phải trở về CLB. Tính ăn khớp là điều đáng quan ngại ở thời điểm này. Chưa kể việc đội trưởng Philip Younghusband chấn thương, hàng công của Philippines khó tìm ra người lĩnh xướng.

Đứng trước khó khăn, tinh thần và thái độ tiếp nhận tình huống là điều được HLV Eriksson căn dặn các học trò. Họ đang đứng trước cơ hội để vươn tầm thật sự nếu thắng Việt Nam, thậm chí thắng luôn tại Mỹ Đình như năm 2010.

Người Philippines đang hi vọng kì tích xảy ra. Ảnh: AFF Suzuki Cup.

8 năm trước, trận thắng Việt Nam ở vòng bảng đã làm ngất ngây người hâm mộ Philippines. 8 năm sau, ở một cặp trận sinh tử, cơ hội và kì vọng càng được đặt nặng lên vai HLV Eriksson. Dẫu biết Asian Cup 2019 mới là mục tiêu chính của ông thầy người Thụy Điển nhưng nếu không làm tốt ở "ao làng" Đông Nam Á, đừng mơ đá tốt được tại sân chơi châu lục.

Trận bán kết lượt đi giữa 2 đội sẽ diễn ra vào 18h30 ngày 2.12, trận lượt về diễn ra vào 19h30 ngày 6.12.

VIỆT HÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/sau-8-nam-philippines-lai-can-phep-mau-ha-noi-de-danh-bai-viet-nam-643550.ldo