Sau 6 năm doanh nhân người Malaysia vẫn bất lực khi tìm công lý ở Việt Nam

Sự việc đã trải qua 6 năm nhưng mọi việc không có tiến triển. Mấu chốt của sự việc đang ở đâu khi 2 cơ quan nhà nước vẫn chưa tìm được sự thống nhất ?

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhiều lần đăng tải sự việc của doanh nhân người Malaysia, ông Wee Kim Hong (Sinh năm 1969, Quốc tịch Malaysia và một số cổ đông Công ty cổ phần chứng khoán Kennaga Việt Nam (Công ty KVS) tố cáo về việc ông Cao Văn Sơn (Sinh năm 1944, trú tại phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chiếm đoạt tiền và con dấu của công ty này.

Đáng nói, sự việc xảy ra từ năm 2013 đến nay, bản thân ông Wee Kim Hong và các cộng sự của mình đã cầu cứu đến các cơ quan chức năng của Việt Nam rất nhiều lần nhưng đến nay sự việc vẫn không có hướng giải quyết hợp lý.

Chân dung ông Wee Kim Hong, người có 6 năm mòn mỏi đi tìm công lý ở Việt Nam. (Ảnh: LC)

Chân dung ông Wee Kim Hong, người có 6 năm mòn mỏi đi tìm công lý ở Việt Nam. (Ảnh: LC)

Thậm chí, sự việc được đẩy lên cấp ngoại giao nhà nước khi Đại sứ quán Malaysia đã 3 lần gửi thư đến nhà chức trách Việt Nam với mong muốn vụ việc được giải quyết dứt điểm.

Cụ thể, ông Wee Kim Hong đã cung cấp cho báo Điện tử Giáo dục Việt Nam 3 bức thư được gửi liên tiếp trong 3 năm 2013, 2014, 2015 của Đại sứ quán Malaysia tại Hà Nội tới các cơ quan chức năng Việt Nam mong muốn trợ giúp về vụ việc. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn không có tiến triển.

Trong khi đó, qua các văn bản trả lời tới các cơ quan chức năng, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cho biết Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã thụ lý đơn kiện của Công ty chứng khoán Kananga kiện ông Cao Văn Sơn chiếm đoạt con dấu.

Tuy nhiên, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đình chỉ vụ án.

Cụ thể, trong công văn số 1874/VKS-P2, ngày 30/5/2018 của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy, ngày 18/5/2017, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định tạm đình chỉ vụ án lý do chờ kết quả xác minh, trả lời của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về một số nội dung liên quan đến vụ án.

Tuy nhiên, ông Wee Kim Hong cho biết mình không nhận được thông tin về việc đình chỉ này.

Để làm rõ thông tin mà dư luận quan tâm, ngày 16/10/2018, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có công văn gửi đến Ủy ban chứng khoán Nhà nước đề nghị trả lời về một số nội dung liên quan đến vụ việc của Công ty KVS Việt Nam.

Đến ngày 11/1/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cung cấp thông tin bằng văn bản số 319/UBCK- QLKD đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo công văn số 319/UBCK-QLKD cho thấy, ngày 27/4/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được công văn số 920/2017/CV-TKT đề ngày 16/3/2017 của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội về việc cung cấp thông tin liên quan đến Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam.

Đây được cho là văn bản gần nhất liên quan đến Công ty Cổ phần Chứng khoán Kennanga Việt Nam mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được từ Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có Công văn phúc đáp số 4014/UBCK-TT đề ngày 14/6/2017 về việc Cung cấp tài liệu theo yêu cầu của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội.

Như vậy, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã đình chỉ vụ án trước khi có Công văn trả lời của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi ngày 18/5/2017 Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã quyết định tạm đình chỉ vụ án tại công ty KVS.

Vụ việc tại Công ty cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam đã kéo sang năm thứ 6 nhưng mọi việc vẫn không có tiến triển. (Ảnh: LC)

Nhằm tìm hiểu rõ hơn vụ việc, Ngày 17/1/2019, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có công văn số 06/GDVN- HC gửi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về việc thời gian nào vụ án được tiếp tục xem xét, xét xử.

Tuy nhiên, đến nay Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vẫn chưa nhận được công văn phúc đáp của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Liên lạc trực tiếp với cán bộ Chánh Tòa Kinh tế Hà Nội, ông Hoàng Ngọc Thành, ông Thành cho biết, vụ án đang tạm đình chỉ chờ kết quả cung cấp tài liệu chứng cứ của Ủy ban chứng khoán nhà nước.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên lạc trực tiếp với thẩm phán của vụ án nhưng vẫn chưa có câu trả lời.

Kể từ khi Ủy ban chứng khoán Nhà nước có công văn số 4014/UBCK-TT ngày 14/6/2017 trả lời tòa Hà Nội đến nay đã 21 tháng nhưng Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vẫn chưa nhận được.

Sự việc trải qua 6 năm với nhiều lần “chạy đi, chạy lại” giữa 2 nước Việt Nam và Malaysia đã khiến doanh nhân người Malaysia cảm thấy quá ngán ngẩm.

“Mong muốn của tôi ban đầu sang Việt Nam là làm kinh doanh, đóng góp cho kinh tế Việt Nam. Nhưng từ khi xảy ra sự việc đến nay, công ty đã không thể hoạt động và bản thân tôi cũng đang thiệt hại rất lớn về tiền bạc. Hiện nay, tôi chỉ mong vụ việc được giải quyết sớm”, ông Wee Kim Hong chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong cảm giác bất lực.

Trần Phương

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/ban-doc/sau-6-nam-doanh-nhan-nguoi-malaysia-van-bat-luc-khi-tim-cong-ly-o-viet-nam-post196546.gd