Sau 5 năm thi hành Hiến pháp: Giảm 12 vụ, tăng 7 cục và 2 tổng cục

Chính phủ cho biết, số lượng vụ và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 248 tổ chức, giảm 12; cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 125 tổ chức, tăng 7 tổ chức; tổng cục và tổ chức tương đương là 29 tổ chức, tăng 2 tổ chức.

Phiên họp thứ 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phiên họp thứ 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tiếp tục phiên họp thứ 37, sáng 11/9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp. Chính phủ cho biết, sau 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp, trong số 90 luật, pháp lệnh được liệt kê tại danh mục, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 69 luật, pháp lệnh, trong đó có các đạo luật mang tính nền tảng, rường cột của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, còn 21 dự án luật, pháp lệnh nằm trong danh mục nhưng chưa được ban hành. Trong đó có 3 dự án luật, pháp lệnh đã đưa vào Chương trình, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhưng cần tiếp tục chuẩn bị nên chưa được ban hành là Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật về hội, Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp.

Chính phủ cho rằng, những dự án luật, pháp lệnh chưa được ban hành này cần được tiếp tục rà soát, đánh giá tính cấp thiết của việc ban hành và đánh giá tác động kỹ các chính sách trong dự án luật, pháp lệnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở xác định thời điểm hợp lý sửa đổi, bổ sung, ban hành từng văn bản đó.

Ngoài ra, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn ban hành 34 luật, pháp lệnh không nằm trong danh mục. Đây là những luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền dân sự - chính trị, quyền kinh tế - xã hội của con người và thể chế quản lý kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước nên được các cơ quan quan tâm và sớm trình Quốc hội ban hành.

Liên quan đến cơ cấu tổ chức, về cơ bản, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn giữ như Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 nhưng cơ cấu tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thì có sự điều chỉnh. Quốc hội khóa XIV được kiện toàn một bước, gồm 494 đại biểu Quốc hội với cơ cấu hợp lý hơn. Tính đến ngày 15/6/2019, Quốc hội khóa XIV có 484 đại biểu Quốc hội.

Các thẩm quyền mới đã được Quốc hội thực hiện như quyết định về tổ chức các cơ quan trong bộ máy nhà nước, trong đó có việc quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Tổng Thư ký Quốc hội; quyết định mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước… Những điều chỉnh này giúp Quốc hội kiểm soát quyền lực nhà nước, thực hiện quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Tại Chính phủ và chính quyền địa phương, căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ và các văn bản pháp luật chuyên ngành, Chính phủ đã rà soát, điều chỉnh, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, cơ quan ngang bộ, bảo đảm thực hiện nhất quán nguyên tắc một việc chỉ do một cơ quan, một người chịu trách nhiệm.

Chính phủ đã ban hành 22 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó, số lượng vụ và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 248 tổ chức, giảm 12 tổ chức; cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 125 tổ chức, tăng 7 tổ chức; tổng cục và tổ chức tương đương là 29 tổ chức, tăng 2 tổ chức; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 102 đơn vị, giảm 8 đơn vị (không tính Bộ Quốc phòng, Bộ Công an). Cùng với đó, số lượng ban (vụ) thuộc cơ quan thuộc Chính phủ là 52 tổ chức, giảm 1 tổ chức; đơn vị sự nghiệp thuộc các cơ quan thuộc Chính phủ là 154 tổ chức, giảm 37 tổ chức. Hiện nay có 21 tổng cục và 9 tổ chức tương đương tổng cục tại 14 bộ, và 1 cơ quan ngang bộ (không bao gồm các tổng cục thuộc Bộ Quốc phòng).

Chính phủ đánh giá, các bộ đã được sắp xếp, kiện toàn theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; chuyển tất cả các cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước vào các bộ thích hợp để quản lý. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ được kiện toàn phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực; tách chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực với chức năng quản lý giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Về các cơ quan chuyên môn ở địa phương, Chính phủ cũng cho rằng, thời gian qua đã được sắp xếp, tổ chức lại phù hợp với sự sắp xếp, điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức Chính phủ theo các nhiệm kỳ bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và theo xu hướng thu gọn đầu mối, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Ở cấp tỉnh, có 4 tỉnh thực hiện sắp xếp cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, gồm Bạc Liêu, Bắc Ninh, Hà Giang, Lào Cai. Như vậy so với quy định tại Nghị định số 24, đã giảm 5 cơ quan chuyên môn.

Ngoài ra, cơ cấu tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn cũng được sắp xếp tinh gọn, giảm cấp trung gian theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14. Ở cấp huyện, có 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện sắp xếp cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, so với quy định tại Nghị định số 37/2014/NĐ-CP, giảm 185 phòng chuyên môn.

Chính phủ kiến nghị tăng cường, đổi mới hoạt động giám sát đối với các nhiệm vụ triển khai thi hành Hiến pháp và pháp luật, nhất là giám sát theo chuyên đề đối với các lĩnh vực có nhiều vướng mắc trong thể chế cũng như trong tổ chức thi hành pháp luật.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/sau-5-nam-thi-hanh-hien-phap-giam-12-vu-tang-7-cuc-va-2-tong-cuc-1462620.tpo