Sau 5 năm tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đang bứt phá

5 năm trước, khi chưa thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế, như: Hàng nông sản chưa có thương hiệu nên giá trị xuất khẩu không cao, chưa tương xứng với lượng xuất khẩu, chất lượng nông sản chưa cao, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm, đầu ra cho sản xuất còn khó khăn... Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu, nhiều hàng hóa nông sản của Việt Nam như: Rau quả và trái cây, đồ gỗ... trước đây chưa được biết tới, nay đã có thứ hạng trên bản đồ xuất khẩu thế giới.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh

Thành công đầu tiên của tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải kể tới và được nhắc nhiều trong thời gian qua chính là mặt hàng lúa gạo. Bởi trước tới nay, gạo vốn vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp Việt Nam. Chỉ 10 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) gạo đạt 2,6 tỷ USD với giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 503USD/tấn. Cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chuyển dịch tích cực, tăng dần gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng chất lượng trung cao. Hiện, lượng gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam (Jasmine-gạo chất lượng trung cao) chiếm 24% về lượng và 28% về giá trị; gạo nếp chiếm 13% về lượng và 12% về giá trị. Gạo trắng chất lượng thấp giảm dần, hiện chỉ còn chiếm tỷ trọng 2,07% tổng lượng gạo xuất khẩu trong 10 tháng năm 2018. Do đó, lượng gạo xuất khẩu tăng ít nhưng giá trị xuất khẩu lại gia tăng so với cùng kỳ những năm trước đây.

Mặt hàng có bước bứt phá mạnh nhất phải kể tới là rau quả và trái cây. Nếu như năm 2012 mặt hàng này mới chỉ đạt 805 triệu USD thì đến năm 2017 xuất khẩu rau quả và trái cây đã đạt con số 3,4 tỷ USD; 10 tháng năm 2018 đạt 3,3 tỷ USD, giá trị xuất khẩu tăng trưởng 15-25% mỗi năm. Tại diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 3 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho hay, rau quả và trái cây xuất khẩu đã vượt xuất khẩu dầu thô.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dự kiến đến cuối năm 2018, nhiều nhà máy chế biến rau quả quy mô lớn sẽ đi vào vận hành, như: Tổ hợp dự án Doveco Tây Nguyên (công suất 30.000 tấn rau, củ, quả/năm), nhà máy Tanifood Tây Ninh (tổng vốn 1.500 tỷ đồng, công suất nhà máy 150.000 tấn/năm) sẽ bổ sung đáng kể vào năng lực sản xuất, chế biến rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Vì thế, ngành rau quả nhiều khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD năm 2018.

Sản phẩm chăn nuôi nếu như 5 năm trước đây bị cho là sẽ lép vế và nguy cơ thua ngay trên “sân nhà” khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng có độ mở lớn với kinh tế thế giới, thì nay xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 10 tháng năm 2018 đạt 455 triệu USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017. Nếu trước đây ngành chăn nuôi chủ yếu chỉ xuất khẩu tiểu ngạch các sản phẩm trứng gia cầm, lợn sữa... thì sau 5 năm tái cơ cấu, đến nay chăn nuôi Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sang thị trường Myanmar, đặc biệt xuất khẩu được sản phẩm thịt gà sang Nhật Bản-một thị trường vốn luôn có những đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng hàng đầu thế giới.

Thủy sản năm 2012 xuất khẩu đạt 6,1 tỷ USD thì dự kiến năm 2018 sẽ đạt 9 tỷ USD. Đồ gỗ và lâm sản xuất khẩu năm 2012 mới đạt 4,9 tỷ USD thì năm 2018 cũng sẽ đạt khoảng 9 tỷ USD. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt 12-13 tỷ USD, vươn lên đứng thứ tư thế giới về sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ.

Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao của công ty VinEco tại thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Một trong những điểm sáng làm nên sự thành công của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo các chuyên gia kinh tế, đó chính là việc thu hút nguồn vốn các của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Khi có sự tham gia của doanh nghiệp, khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng quảng bá thương hiệu từng mặt hàng nông sản được chú trọng hơn. Chính sự vào cuộc của những “ông lớn” đầu tư vào nông nghiệp chế biến, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC): TH True Milk, VinEco (Tập đoàn VinGroup), Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), Công ty cổ phần Nafoods Group (Nafoods), Hòa Phát, Tập đoàn Việt Úc, Macsan, Dabaco... giúp tăng chất lượng, chế biến sâu làm gia tăng giá trị của nông sản.

Lâm Đồng là một trong những tỉnh được đón nhận nhiều nguồn đầu tư vào nông nghiệp CNC. Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện nay đối với sản xuất nông nghiệp, thông thường thu nhập trung bình chỉ khoảng 160 triệu đồng/ha, thì đối với diện tích ứng dụng CNC cho thu nhập trung bình từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha, hoa 2 tỷ đồng/ha, rau ứng dụng CNC đạt thu nhập 8,5 tỷ đồng/ha, chè chất lượng cao đạt 250 triệu đồng và cà phê đạt 240 triệu đồng/ha/năm.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dưa lưới tại tỉnh Hà Nam.

Nông nghiệp tăng trưởng góp phần ổn định kinh tế

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng quan chung trong cả giai đoạn 5 năm vừa qua, nông nghiệp đạt tăng trưởng 2,55%/năm; KNXK đạt hơn 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2% so với bình quân của 5 năm trước; năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, tăng gần 10 triệu đồng/lao động so với năm 2012, tăng trung bình 6,67%/năm, đạt gấp đôi so với mục tiêu đề ra trong đề án tái cơ cấu. Tái cơ cấu nông nghiệp giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017 (gấp 1,71 lần so với năm 2012), qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn bình quân 1,5%/năm.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian qua được thực hiện quyết liệt, đặc biệt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng thị trường và dựa trên lợi thế cạnh tranh bắt đầu thu được kết quả tốt. Mức tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2018 tăng tới 3,65%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2010.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả. Mặt khác, giá bán sản phẩm ổn định hơn, cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này. TS Đặng Kim Sơn, chuyên gia về nông nghiệp, nông thôn nhận xét: "Bộ NN&PTNT đã đi tiên phong trong quá trình thực hiện tái cơ cấu và những thay đổi, phát triển của ngành nông nghiệp sau tái cơ cấu rất đáng ghi nhận".

Có thể thấy, kết quả 5 năm thực hiện tái cơ cấu không chỉ đem lại tăng trưởng về KNXK, tăng trưởng của ngành nông nghiệp mà còn tạo được sự chuyển biến trong nhận thức, thống nhất về quan điểm, hành động quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự nỗ lực vào cuộc của các nhà khoa học, của bà con nông dân, cộng đồng các doanh nghiệp nông nghiệp… Sản xuất chuyển mạnh theo hướng nâng chất lượng và giá trị gia tăng; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp hữu cơ được các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân quan tâm phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, sau 5 năm, lĩnh vực nông nghiệp còn rất nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế, như: Các vấn đề chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn nông sản, đầu ra cho sản phẩm, sản xuất tự phát dẫn tới được mùa mất giá... chưa được giải quyết triệt để.

Thời gian qua, Chính phủ đã hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn. Với hàng loạt các chính sách khuyến khích, ưu đãi được kỳ vọng trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ có thêm động lực, “cú hích” để tăng trưởng, phát triển tốt hơn, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/sau-5-nam-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-dang-but-pha-554089