Sau 3 năm, số người Việt có hành vi không văn minh này đã giảm được 3 triệu

Năm 2018, số người Việt phóng uế bừa bãi đã giảm từ 5 triệu xuống còn gần 2 triệu người so với năm 2015.

Tuy nhiên, với số người có hành vi không văn minh này vẫn gây ảnh hưởng môi trường, gây ô nhiễm và làm lây lan các bệnh truyền nhiễm như cúm, tiêu chảy, kiết lỵ.

Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết tình trạng phóng uế làm môi trường và chất lượng nước bị ô nhiễm, dẫn đến lây lan các bệnh truyền nhiễm. Bộ Y tế ghi nhận nếu tính trên tỷ lệ bệnh nhân trong 100.000 dân thì các bệnh truyền nhiễm như cúm, tiêu chảy, giun sán, tả, sốt xuất huyết, tay chân miệng, kiết lỵ... là cao nhất.

Tổ chức Cứu trợ Nước quốc tế thống kê mỗi năm thế giới có gần 300.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì tiêu chảy do sử dụng nước bẩn và vệ sinh kém.

Phóng uế ngay cạnh nhà vệ sinh

Theo bà Hương, người dân phóng uế bừa bãi là do điều kiện kinh tế khó khăn, ý thức về hành vi vệ sinh cá nhân còn thấp, các hộ gia đình không tự xây dựng được nhà vệ sinh tự hoại nên còn thói quen đi tiêu, đi tiểu ra môi trường. Năm 2017 tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh tại nông thôn tăng gần 13% trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, nhiều trường học, bệnh viện, cơ quan, điểm tham quan du lịch, bến tàu, bến xe, nơi công cộng còn thiếu nhà vệ sinh hoặc không đạt chuẩn.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, trẻ em được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có chiều cao tăng gần 4 cm so với trẻ em sống ở cộng đồng có nhiều người phóng uế bừa bãi.

"Vệ sinh môi trường kém làm tăng nguy cơ mắc bệnh, chi phí khám chữa bệnh cao. Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam mất khoảng 16.000 tỷ đồng mỗi năm do vệ sinh kém", bà Hương nói.

Để giải quyết tình trạng này, bà Hương cho biết Bộ Y tế triển khai các giải pháp cải thiện vệ sinh quyết liệt và phù hợp cho từng nhóm người, từng vùng miền. Mục tiêu Việt Nam đến năm 2025 chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi và 100% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh trong năm 2030.

Trước đó, đến hết năm 2015, vẫn còn 35% hộ gia đình nông thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh (giảm 10% so với năm trước), 5 triệu người vẫn phóng uế bừa bãi ra môi trường, đặc biệt tại các khu vực miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên. Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, việc sử dụng cầu tiêu ao cá mất vệ sinh vẫn còn diễn ra phổ biến.

Vì việc phóng uế bừa bãi nên đã gây ra những ổ dịch tiêu chảy do các hộ gia đình sống ở khu vực tự phát nên vệ sinh thấp kém, nước ao hồ tù đọng, cầu tiêu, rác thải không được thu gom. Mỗi gia đình có 1 – 2 ao nuôi cá. Nhà vệ sinh được “tọa lạc” trực tiếp trên ao cá, hoặc xây trong nhà nhưng đường dẫn cũng đổ thẳng ra cho cá ăn.

Trong khi đó, nguồn nước máy sử dụng cho sinh hoạt hạn chế nên người dân cũng phải lấy nước giếng tự khoan tại nhà, thậm chí rửa bát chén với… nước ao. Ruồi muỗi nhiều, các dụng cụ chứa nước cũng không được che đậy nên cũng bị ruồi bâu. E. Coli không thể “coi thường” vì chính vi khuẩn này đã gây vụ dịch tiêu chảy cấp ở Đức năm 2011 làm 4.000 người mắc và 40 ca tử vong.

Ảnh: Sài Gòn giải phóng

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, môi trường là gốc, nước, thực phẩm rồi mới đến bệnh. Với điều kiện vệ sinh chưa tốt ở nhiều địa phương thì có thể trong thời gian tới vẫn tiếp tục có những ca tiêu chảy cấp, thậm chí là mắc bệnh tả.

Dự báo chu kỳ của dịch tả cách đây 3, 4 năm chúng ta nghi do thịt chó, rau sống nhưng gần đây phân tích nước thấy một vài nơi không đảm bảo. Chính vì thế để đảm bảo tiêu chảy không thành dịch cần đảm bảo được nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường sạch sẽ. Môi trường, nguồn nước sẽ sạch nếu không còn nạn phóng uế bừa bãi.

Không chỉ ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, xa, ngay tại Hà Nội nạn phóng uế bừa bãi vẫn còn. Với gần 10 triệu dân và thường xuyên đón lượng lớn du khách trong và ngoài nước, thì việc lắp đặt, xây mới, nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống nhà vệ sinh công cộng (VSCC) là yêu cầu cấp thiết với Hà Nội hiện nay.

Trong khi đó, Hà Nội mới chỉ có 371 nhà VSCC. Vào những dịp tổ chức các sự kiện lớn hay các buổi tối cuối tuần tại khu vực Hồ Gươm, cảnh người dân phải xếp hàng dài, thậm chí có người vì chờ đợi không được nên cố chen lấn, xô đẩy nhau để vào nhà VSCC không còn là chuyện lạ. Điển hình, vào ngày cuối cùng của năm 2017, biển người đã đổ về khu vực Hồ Gươm để đón năm mới 2018. Ba khu nhà VSCC không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng quá lớn nên đã xảy ra tình trạng tắc nghẽn, quá tải.

Không chỉ ở khu vực trung tâm, địa điểm du lịch mà trên nhiều tuyến phố, việc thiếu nhà VSCC dẫn tới những tình huống "dở khóc, dở cười" của không ít người dân, khách du lịch. Để xử lý tình huống "khó nói" này, không ít người đã phải vào quán cà phê hay cửa hàng nào đó để sử dụng nhờ nhà vệ sinh. Một số trường hợp khác lại chọn gốc cây, bờ tường... tạo nên những hình ảnh phản cảm. Như tại các tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi… dài hàng ki lô mét nhưng không có một nhà VSCC nào.

Vì vậy, không hiếm gặp trên nhiều tuyến đường, có những người vẫn phóng uế bừa bãi. Một phần do điều kiện nhà vệ sinh còn hạn chế, phần nữa do ý thức của người dân.

Nam Anh (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/xa-hoi/sau-3-nam-so-nguoi-viet-co-hanh-vi-khong-van-minh-nay-da-giam-duoc-3-trieu-a254429.html