Sau 24h tiêm vắc xin COVID-19, sức khỏe các nhân viên y tế ở Hà Nội ra sao?

Ngày 11/3, BSCKII. Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn thông tin cập nhật về kết quả tiêm vắc xin COVID-19 cho 36 nhân viên y tế đầu tiên tại bệnh viện trong ngày 9/3. Đây là điểm tiêm thí điểm đầu tiên của Hà Nội.

Qua theo dõi 24 giờ sau tiêm, có 10 trường hợp gặp phản ứng sau tiêm, 6 trường hợp bị sốt nhẹ (từ trên 37 độ C đến 38,5 độ C), 2 trường hợp đau mỏi cơ, mệt mỏi, 2 trường hợp bị đau, sưng tại vị trí tiêm.

Tính đến sáng nay (11/3), không có trường hợp nào tiến triển nặng, các triệu chứng nêu trên đã hết. 100% nhân viên y tế được tiêm vắc xin Covid-19 đã trở lại với công việc bình thường.

Các chuyên gia cho rằng, dấu hiệu sốt, sưng, đau cơ sau tiêm vắc xin không đáng lo ngại. Đây hoàn toàn là phản ứng tốt của cơ thể sau khi được tiêm vắc xin.

Trong đợt 1, Bộ Y tế phân bổ 8.000 liều vắc xin AstraZeneca cho thành phố Hà Nội. Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ triển khai chiến dịch tiêm đồng loạt trên địa bàn thành phố trong thời gian từ ngày 9/3-18/3/2021 tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Đối tượng ưu tiên là những người làm việc trong các cơ sở y tế, bao gồm: Người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc bệnh phẩm của người bệnh nghi nhiễm, nhiễm Covid-19.

Tiêm vắc xin COVID-19 cho nhân viên y tế tại BV Thanh Nhàn sáng 9/3.

Tiêm vắc xin COVID-19 cho nhân viên y tế tại BV Thanh Nhàn sáng 9/3.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, do vắc xin này hoàn toàn mới nên việc triển khai đợt tiêm này được đánh giá là đặc biệt quan trọng. Do đó đề nghị các đơn vị cần chuẩn bị kỹ càng trước khi tiêm chủng, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình tiêm chủng và giám sát chặt chẽ sau tiêm chủng.

Để thực hiện tốt các vấn đề trên, các đơn vị cần dựa vào Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021, dựa vào tình hình dịch tại địa phương, bám sát hướng dẫn của Sở Y tế, dự phòng thêm các đối tượng tương đồng, mỗi buổi tiêm không quá 50 người. Triển khai tập huấn kỹ thuật, an toàn tiêm chủng cho cán bộ tham gia tiêm chủng. Rà soát lại hệ thống dây chuyền lạnh, nhất là nhiệt độ nhằm đảm bảo vắc xin được bảo quản theo đúng quy định.

Cùng với đó, trong quá trình tiêm, cần tổ chức khám sàng lọc, theo dõi chặt chẽ sức khỏe sau tiêm chủng của người tiêm. Đặc biệt, tất cả điểm tiêm phải chuẩn bị đội cấp cứu thường trực, đáp ứng mọi phản ứng sau tiêm có thể xảy ra.

Tại các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, đối tượng được tiêm vắc xin COVID-19 là cán bộ y tế thường xuyên trực tiếp khám hoặc sàng lọc, điều trị, chăm sóc người bệnh có nguy cơ nhiễm Covid-19 tại các khoa Truyền nhiễm, khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Khám sàng lọc người nghi nhiễm Covid-19. Nhân viên lấy mẫu và xét nghiệm bệnh phẩm nghi ngờ Covid-19.

Tại các đơn vị y tế dự phòng đối tượng là cán bộ đội cơ động phòng chống dịch, cán bộ làm công tác điều tra dịch tễ, truy vết, giám sát dịch, xử lý dịch, lấy mẫu và xét nghiệm bệnh phẩm nghi ngờ Covid-19; Ban chỉ đạo phòng chống dịch.

Tại các đơn vị cấp cứu, vận chuyển người nghi nhiễm, nhiễm Covid-19: cán bộ thuộc đơn vị cấp cứu 115 tham gia cấp cứu, vận chuyển người nghi nhiễm, nhiễm Covid-19.

Đối tượng tiếp theo là những người tham gia phòng chống dịch bao gồm: thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc tại các khu cách ly tập trung của thành phố (các khu cách ly tập trung do quân đội quản lý có thực hiện cách ly tập trung từ đầu năm 2021).

Dương Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sau-24h-tiem-vac-xin-covid-19-suc-khoe-cac-nhan-vien-y-te-o-ha-noi-ra-sao-n188003.html