'Sau 12 năm kết hôn, em sẽ được mặc áo cưới'

Đó là niềm vui của cặp vợ chồng khuyết tật vận động An Thị Kim Tiền (sinh năm 1990) và chồng Trần Văn Tưởng (sinh năm 1987) tại buổi công bố chương trình đám cưới tập thể 'Giấc mơ có thật' cho 100 cặp đôi khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lần thứ II.

Anh chị cho biết, cả hai đã ở bên nhau gần 12 năm và có 2 người con khỏe mạnh, phát triển bình thường. Nhưng anh chị luôn có một mong ước được một lần mặc váy cưới và comple đứng trước đám đông để cùng được mọi người chúc mừng. Ngay khi biết thông tin của chương trình, hai vợ chồng nhanh chóng đăng kí tham gia và mong chờ đến ngày đám cưới tập thể này.

Vợ chồng chị An Thị Kim Tiền và anh Trần Văn Tưởng - Ảnh: An Khê

Vợ chồng chị An Thị Kim Tiền và anh Trần Văn Tưởng - Ảnh: An Khê

Được biết, đám cưới tập thể “Giấc mơ có thật” là hoạt động thiết thực, nhân văn, nhằm tạo điều kiện để những người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có được cảm xúc sống trong ngày cưới hạnh phúc, ghi dấu kỷ niệm; đồng thời có động lực vun đắp hạnh phúc của mình. Chương trình được tổ chức vào ngày 26/3 tại Trung tâm sự kiện & tiệc cưới Trống Đồng (Hà Nội).

Đại diện cặp đôi khuyết tật tham gia đám cưới tập thể năm 2018, vợ chồng vận động viên Phạm Hồng Thức (38 tuổi) và Hoàng Hồng Kiên (33 tuổi) cho hay: "Giờ này, năm ngoái, sau 14 năm chung sống với nhau, chúng tôi đã có một đám cưới vô cùng ý nghĩa với sự xuất hiện của con trai mình và những người thân trong gia đình".

Khi chia sẻ về cảm xúc được mặc chiếc áo cưới, chị Kiên không khỏi xúc động: “Đến ngày hôm nay tôi nghĩ rằng lúc đó 40 cô dâu đã làm hỏng hết 40 chiếc váy cưới, bởi vì váy cưới vướng vào xe lăn, nhưng thực sự chương trình đã đem đến niềm hạnh phúc và ước mơ của những người khuyết tật như chúng tôi”.

Vợ chồng vận động viên Phạm Hồng Thức (38 tuổi) và Hoàng Hồng Kiên (33 tuổi) xúc động chia sẻ cảm xúc đám cưới của mình được tổ chức trong “Giấc mơ có thật” lần 1

Lễ cưới tập thể là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhân văn nhằm quan tâm chăm lo, tạo điều kiện để những người khuyết tật, người nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có được cảm xúc sống trong ngày cưới nhiều kỷ niệm và tự tin, có động lực vun đắp hạnh phúc của mình. Sự kiện sẽ thắp sáng yêu thương và lan tỏa tình cảm yêu thương, chung thủy trong mỗi gia đình và cộng đồng, góp phần xây dựng cộng đồng tốt đẹp hơn. Đây cũng là một trong các hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/sau-12-nam-ket-hon-em-se-duoc-mac-ao-cuoi-post58939.html