Sau 10 năm về Thủ đô Hà Nội: Mê Linh 'lột xác' trên mọi lĩnh vực

'Từ trồng hoa bán cành truyền thống, người dân chuyển sang trồng hồng thế, hồng chậu với hiệu quả kinh tế cao gấp 5-10 lần; Văn hóa Xứ Đoài từng bước hòa nhập với văn hóa Tràng An, thông qua bộ quy tắc ứng xử được triển khai từ thành phố xuống tận cấp xã; đặc biệt kinh tế Mê Linh tăng trưởng vượt bậc trung bình 10,2%...'

Đây là một vài thành tựu của huyện Mê Linh (Hà Nội) được phóng viên báo NTD ghi nhận tại chuyến đi thực tế, sau 10 năm Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết 15 của Quốc Hội về điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Tăng trưởng kinh tế 10,2%/năm

Theo báo cáo của ông Hoàng Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, về với thủ đô Hà Nội, hiện tại Mê Linh có 18 đơn vị hành chính, bao gồm 16 xã và 2 thị trấn, dân số hơn 22 vạn người, diện tích hơn 14.000ha.

Ông Hoàng Anh Tuấn- sau 10 năm về Hà Nội, văn hóa sứ Đoài đang từng bước hòa nhập với văn hóa Tràng An. Ảnh: Đức Nguyễn.

Trong đó, đặc biệt phải kể tới tốc độ phát triển kinh tế của huyện tương đối cao, với bình quân 10,2%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển nhanh dịch vụ. 10 năm qua, huyện đã thành lập mới hơn 1.300 DN, trên 6.400 hộ kinh doanh, 82 hợp tác xã; góp phần quan trọng trong việc tăng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng dịch chuyển luôn ở mức 85% trở lên. Tốc độ phát triển công nghiệp bình quân đạt 110,8%/năm. Quy mô ngành công nghiệp tăng gấp 2,88 lần; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng 33,8% so với năm 2008. Đáng chú ý, đóng góp của ngành thương mại, dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế các năm sau tỷ trọng đều tăng và đạt bình quân 3,9%/năm; 6 tháng đầu năm 2018 tỷ trọng ước đạt 4,6% và dự kiến tăng trưởng đạt 8,6%. Cùng với đó, việc chi ngân sách tiết kiệm, ưu tiên chi đầu tư phát triển, có trọng tâm, trọng điểm, đúng chương trình mục tiêu.

Sau khi sáp nhập vào Hà Nội, nhiều công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện đã được đầu tư có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội (KTXH) và thay đổi hoàn toàn diện mạo của huyện như: Trụ sở làm việc của huyện; đường trục trung tâm đô thị mới Mê Linh; tuyến đường 35; đường Quốc lộ 23B; đường hành lang đê tả sông Hồng; tuyến đường 24km khu trung tâm hành chính huyện Mê Linh và nhiều tuyến đường khác về các xã trên địa bàn. Hiện, huyện có 2 Khu công nghiệp (KCN) Quang Minh I và Quang Minh II. KCN Quang Minh 1 lớn nhất trong các KCN của TP với diện tích 407ha, tỷ lệ lấp đầy trên 95%. Có 168 DN đi vào sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc tăng thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 400 tỷ đồng/năm. Đồng thời, giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động trong và ngoài địa phương, giúp người lao động có thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện. KCN Quang Minh 2 với diện tích 300ha đã quy tụ một số DN đạt giá trị sản xuất lớn, từ 1.000 - 2.300 tỷ đồng.

Phát triển kinh tế gắn với đời sống văn hóa

Bên cạnh đó, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, sau 7 năm triển khai quyết liệt Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn của huyện đã có nhiều khởi sắc, nhờ được đầu tư tổng giá trị tới hơn 2.400 tỷ đồng. Toàn huyện đã có 12/16 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Để nâng cao thu nhập cho người nông dân, huyện Mê Linh đã định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa. Huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn như: Vùng lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh trồng rau, trồng hoa… Hiện, Mê Linh là huyện có diện tích trồng hoa lớn nhất TP với diện tích hơn 1.400ha; đồng thời mở rộng được hơn 12ha hoa hồng ở xã Văn Khê cho năng suất, giá trị kinh tế cao. Hiện, huyện cung cấp 20% lượng hoa và 25% lượng rau cho TP; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân Mê Linh. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 38 triệu đồng/người năm, tăng gấp 3,2 lần so với năm 2008.Không chỉ năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế, các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân Mê Linh còn không ngừng nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống. Mê Linh tự hào là vùng đất đế đô thời Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa. Nơi đây vẫn còn lưu giữ được 179 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Hai Bà Trưng; 25 di tích quốc gia, 48 di tích được xếp hạng cấp TP. Bên cạnh các di tích, huyện còn bảo tồn được nhiều di sản văn hóa phi vật thể, điển hình là lễ hội đền Hai Bà Trưng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu năm 2018. Với phương châm vừa đầu tư, vừa xã hội hóa công tác văn hóa, huyện Mê Linh đã tạo được phong trào quần chúng sôi nổi từ các làng, xã đến tất cả các cơ quan, đơn vị. Phong trào thể dục, thể thao ngày càng được khơi dậy, phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Công tác thông tin, truyền thông được đẩy mạnh, góp phần tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, động viên Nhân dân tham gia tích cực vào các chương trình phát triển KTXH của huyện.

Cùng với đó, 10 năm qua, huyện Mê Linh đã đạt nhiều thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Huyện đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 71 trường, xóa bỏ 224 phòng học xuống cấp; chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn có nhiều tiến bộ. Toàn huyện có 46/75 trường đạt chuẩn Quốc gia.

Sự nghiệp y tế luôn được ưu tiên đầu tư ứng dụng các trang thiết bị, kỹ thuật mới, kỹ thuật vượt tuyến, không để xảy ra dịch bệnh. Hoàn thành đưa vào sử dụng có hiệu quả dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Mê Linh 200 giường với tổng mức đầu tư trên 457 tỷ đồng. Có 100% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020.

Thắng lợi trên mặt trận KTXH là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Mê Linh thực hiện thành công chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Huyện luôn triển khai kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với gần 10.000 người có công trên địa bàn. Tu sửa, chỉnh trang 100% các công trình ghi công liệt sỹ; hỗ trợ xây mới, sửa chữa 740 nhà ở cho người có công, gia đình chính sách, tặng sổ tiết kiệm cho 397 đối tượng người có công với số tiền 397 triệu đồng. Công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai tích cực với nhiều biện pháp hỗ trợ vươn lên thoát nghèo bền vững như: Dạy nghề, hỗ trợ xây nhà, hỗ trợ vay vốn để sản xuất, chăn nuôi… Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm chỉ còn 2,35%; bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, đạt và vượt kế hoạch TP giao. Tất cả mang lại ý nghĩa hết sức to lớn đối với cộng đồng nói chung và những người được hưởng chính sách xã hội nói riêng.Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng cho rằng, có nhiều cách để đánh giá sự phát triển của Mê Linh. Một là, thể hiện qua các con số tăng trưởng trên. Quan trọng hơn cả là người dân Mê Linh cảm thấy tự hào và phấn khởi sau khi hợp nhất về Hà Nội. Họ đã nỗ lực, cố gắng và làm được những điều đáng trân quý từ khi sáp nhập vào Thủ đô.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng cho biết: “Trong những năm tới, phát huy lợi thế vị trí địa lý cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, tiếp nối truyền thống Hai Bà Trưng và những thành tựu đã đạt được, huyện Mê Linh sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, chủ động trong các tất cả các lĩnh vực về xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, tập trung phát triển KTXH, văn hóa, bảo đảm an ninh quốc phòng; thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; triển khai ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của huyện. Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính; giải quyết dứt điểm tồn tại, triển khai các giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

Vượt lên trên những tổng kết khuôn mẫu của chặng đường 10 năm là dấu ấn đậm nét một Đảng bộ huyện Mê Linh đoàn kết vững mạnh, chính quyền năng động, sáng tạo, Nhân dân cần cù, vươn lên từ xuất phát điểm thấp; là điểm sáng trong bức tranh phát triển KTXH của Thủ đô Hà Nội.

Đào thế giá trị tăng gấp 5-10 lần

Trước khi sát nhập về Hà Nội Mê Linh chủ yếu phát triển trồng hoa theo hướng bán cành, thu nhập không cao, tuy nhiên sau 10 năm về Hà Nội mô hình này, đã chuyển sang trồng hồng thế, hồng chậu với thu nhập cao gấp 5-10 lần so với xách trồng truyền thống.

Chia sẻ với PV báo NTD tại chuyến đi thực tế, ông Phạm Đức Tài, chủ nhà vườn Tài Lý (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội): Cách đây 5 năm, nhờ sự động viên, hỗ trợ của xã, của huyện về giống, vốn, gia đình anh đã quyết định chuyển đổi từ trồng hoa hồng cắt cành sang trồng hoa hồng thế, hoa hồng cảnh. Từ những gốc tầm xuân có tuổi cây từ 3-5 năm, ông Tài ghép thêm những mắt ghép là các giống hoa hồng ngoại được nhập từ Thái Lan, Nhật Bản… cho ra những cây hoa có nhiều màu sắc và độ bền lâu hơn, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện nay, những chậu hoa hồng thế của anh Phạm Đức Tài được xuất đi khắp cả nước, cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng mỗi năm.

Mô hình trồng hoa hồng thế của ông Phạm Đức Tài cho thu nhập cao gấp 100 lần so với trồng lúa. Ảnh: Đức Nguyễn.

"Trước trồng đào cành bán ra thị trường thu nhập không cao, tuy nhiên kể từ khi chuyển sang trồng hồng thế, hồng chậu đa sắc màu, vườn nhà tôi rộng 6000m2 đã cho thu nhập cao hơn gấp 5-10 lần"- ông Tài chia sẻ thêm.

Nói về sự chuyển mình của xã Mê Linh gắn liền với chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên tòa địa bàn huyện Mê Linh, Chủ tịch UBND xã Mê Linh Tạ Quang Thái cho biết, sau khi sáp nhập về Thủ đô, xã được quan tâm, đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là phát triển sản xuất nông nghiệp. Là địa bàn có truyền thống trồng hoa hồng, xã Mê Linh đã được UBND huyện hỗ trợ triển khai mô hình trồng hoa hồng thế thay cho hoa hồng cắt cành. Đến nay, xã đã chuyển đổi được 10,5 ha, đồng thời nhân rộng đến các xã khác như Liên Mạc, Thanh Lâm, Tiền Phong… Hiệu quả bước đầu của mô hình này rất rõ nét, khi cho thu nhập bình quân 160 triệu đồng/sào/năm, cao gấp hơn 10 lần so với trồng hoa cắt cành (12 triệu đồng/sào/năm) và cao gấp hàng trăm lần so với trồng lúa.

Còn theo anh Ngô Văn Thuận, chủ nhà vườn Thuận Thành (xã Kim Hoa, huyện Mê Linh), xuất phát từ đam mê và hỗ trợ của UBND xã, anh đã mạnh dạn thuê đất của các hộ dân với diện tích trên 2 ha để trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi cảnh. Sau hơn 5 năm, vườn cây ăn quả của gia đình anh cho thu nhập bình quân gần 500 triệu đồng/năm, ngoài ra, còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 5-10 lao động với mức lương từ 200-500 nghìn đồng/ngày.

Vườn trồng bưởi thế của ông Ngô Văn Thuận đã có sự học hỏi mô hình trồng cây cảnh từ Hưng Yên cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đức Nguyễn.

Chủ tịch UBND xã Kim Hoa, ông Lê Xuân Trường chia sẻ cảm nhận, khi về với Thủ đô, xã được Thành phố quan tâm, đầu tư toàn diện thông qua chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ nét. Từ chỗ có tới trên 20% hộ nghèo, thu nhập bình quân chỉ vỏn vẹn 11 triệu đồng/người/năm (thời điểm năm 2008), đến nay, xã chỉ còn 2,5% hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ, mỗi thôn đều có nhà văn hóa, khu tập luyện thể thao, nhân dân rất phấn khởi, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa nói.

Đức Nguyễn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/sau-10-nam-ve-thu-do-ha-noi-me-linh-lot-xac-tren-moi-linh-vuc-d68622.html