Sau 10 năm giải tỏa nghĩa trang Bình Hưng Hòa ngập trong rác thải

Chuẩn bị nhường chỗ cho khu phức hợp thương mại lớn của TP Hồ Chí Minh, nhưng sau 10 năm có quyết định giải tỏa đến nay nghĩa trang Bình Hưng Hòa vẫn đang ô nhiễm nặng nề vì rác thải.

Nằm ven hai con đường chính là Tân Kỳ Tân Quý và Bình Long (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), Bình Hưng Hòa là nghĩa trang tự phát từ trước 1975 và là nghĩa trang lớn nhất của TP, nơi chôn cất hơn 100.000 ngôi mộ.

Trước đây nghĩa trang này thuộc huyện Bình Chánh, nằm ở ngoại thành TP. Do quá trình đô thị hóa, nghĩa trang Bình Hưng Hòa đến nay đã nằm trong nội thành. Trong khuôn viên nghĩa trang có Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa và một văn phòng, nơi lưu giữ hồ sơ các ngôi mộ ở đây và cung cấp thông tin cho người thân mỗi khi đến đây thăm viếng.

 Trong tương lai, nghĩa trang Bình Hưng Hòa sẽ là khu đô thị.

Trong tương lai, nghĩa trang Bình Hưng Hòa sẽ là khu đô thị.

Do ô nhiễm môi trường, từ năm 2008 UBND TP đã ra quyết định giải tỏa nghĩa trang Bình Hưng Hòa, đến nay đã hơn mười năm. Dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa có kinh phí đầu tư lên đến gần 2.500 tỷ đồng. Theo quy hoạch, trong tổng số 44ha đất giải tỏa, có 24ha được làm công viên cây xanh, 12ha dùng làm trung tâm thương mại, 8ha còn lại làm khu phức hợp từ sau năm 2020.

Dự tính đến năm 2020, gần 10.000 ngôi mộ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa sẽ chính thức nhường chỗ cho khu phức hợp thương mại lớn của TP. Thế nhưng, khi quá trình giải tỏa đã diễn ra được 10 năm, nghĩa trang này vẫn đang ngổn ngang, dọc các con đường Bình Long, Tân Kỳ - Tân Quý… vô số những bãi rác tự phát bốc mùi hôi thối. Kèm theo đó là nguồn nước ô nhiễm nặng nề và tệ nạn xã hội luôn rình rập.

Xuất hiện nhiều bãi rác tự phát

Ghi nhận của PV Báo Kinh tế & Đô thị, ngày 3/10, dọc con đường Bình Long xuất hiện dày đặc những bãi rác được người dân thản nhiên vứt ngổn ngang, tràn lan, chất thành đống. Hàng loạt các loại rác thải như vải vụn, bao nilon, chai lọ... được chất thành đống, bốc mùi hôi thối.

Quá trình giải tỏa nghĩa trang đang dần hoàn tất, quang cảnh nơi đây vẫn khá ô nhiễm.

Rác thải sinh hoạt của người dân có ở khắp mọi nơi, trên cả các ngôi mộ chưa được di dời. Không khí trong nghĩa trang có nơi mù mịt vì hoạt động đốt rác của người dân, nhiều khúc thoang thoảng mùi hôi xác động vật chết.

Bao quanh những ngôi mọ chưa được di dời toàn là rác thải của người dân, bao gồm nilon, đồ nhựa hay cả xác chết động vật, bốc mùi hôi thối.

Anh Nguyễn Tấn Thành (Quận 6) bức xúc: “Vì công việc, ngày nào tôi cũng phải 2 lần đi qua đường Bình Long. Mỗi lần chạy xe qua con đường này tôi đều phải đeo khẩu trang kín mít và chạy xe thật nhanh vì mùi hôi nồng nặc rất khó chịu. Đó là tôi chỉ đi ngang qua thôi, không hiểu những hộ dân sống trên con đường ô nhiễm như vậy, thì hàng ngày họ xoay sở thế nào”.

Rác ''tràn ngập'' bên những ngôi mộ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Cỏ mọc cao hơn mộ, khiến quang cảnh nơi đây thêm u ám.

Đồng quan điểm với anh Thành, chị Nguyễn Thị Thu Trang (bán quán nước trên đường Bình Long) cho biết: “Lâu lắm rồi, không biết cụ thể là từ bao giờ, các con đường ven nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã hiển nhiên trở thành nơi vứt rác, rất nhiều biển cấm của chính quyền được dựng lên nhưng sao ngăn nổi những người dân vô ý thức”, chị Trang nói.

Những bao rác được chất thành từng đống ở hai bên đường.

Cũng theo chị Trang, ngoài rác thải sinh hoạt của người dân xung quanh, còn có rác sản xuất từ các quận Tân Phú, Bình Tân... tập kết về. Vì số lượng rác quá nhiều, nên xe xử lý rác thải đến từ tờ mờ sáng và chiều tối vẫn không thể thu gom và xử lý hết.

Những con đường bên trong nghĩa trang đầy ổ gà, người dân vứt đầy rác hai bên.

Những ngày mưa của Sài Gòn càng làm cho việc di chuyển trong nghĩa trang khó khăn hơn.

“Nghĩa trang này không phải là bãi rác, nhưng nhìn vào hiện tại nếu nói là bãi rác cũng không sai, vì khắp nơi đều là rác. Người dân chúng tôi rất mệt mỏi vì công ty xử lý rác thải chỉ xử lý rác thải sinh hoạt chứ không xử lý chất thải rắn công nghiệp. Nên tình trạng ô nhiễm cứ thế kéo dài và ngày càng nặng nề hơn”, chị Trang cho biết thêm.

Rác ngập tràn, nhìn đâu đâu cũng chỉ thấy toàn rác là rác.

Nguồn nước ô nhiễm nặng nề

Ngoài vấn đề rác thải gây ô nhiễm, nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân sống cạnh nghĩa trang Bình Hưng Hòa cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Nhiều hộ dân vẫn còn phải xài nước giếng không đủ tiêu chuẩn trong sinh hoạt, số khác phải đi mua nước máy để dùng kèm với nước giếng. Những hộ dân ở đây cho biết, mùa mưa thì nước ở giếng bốc mùi hôi thối, mùa nắng thì nước đóng váng và có mùi tanh.

TP đang đẩy nhanh việc di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Cô Bích (quận Bình Tân) than thở: “Không phải từ ngày có rác thải nguồn nước mới ô nhiễm. Nguồn nước ở đây vốn dĩ đã ô nhiễm từ lâu và đang ngày càng nặng nề hơn. Từ nhiều năm nay, gia đình tôi không dùng nước bơm cho việc ăn uống, nguồn nước này chúng tôi chỉ dùng cho việc giặt đồ, lau dọn nhà cửa…”.

Theo cô Bích, nếu tinh ý một chút sẽ nhận thấy nguồn nước ở đây có mùi hôi tanh hơn so với nước những khu vực khác trên địa bàn TP. Vì để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, không chỉ riêng gia đình cô Bích nhiều hộ khác trong khu vực này cũng cẩn thận mua máy lọc về lọc nước trước khi sử dụng.

Trong cuộc trò chuyện với PV Báo Kinh tế & Đô thị, hầu hết người dân sinh sống xung quanh khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa đều ủng hộ việc sớm di dời nghĩa trang.

“Nếu khu nghĩa trang này có thể trở thành chung cư hay trung tâm thương mại thì chúng tôi tin rằng quang cảnh nơi đây sẽ trở nên nhộn nhịp, sáng lạn hơn, đặc biệt sẽ không còn cảnh ô nhiễm rác thải như hiện tại”, anh Mạnh (một hộ dân sống trên đường Tân Kỳ - Tân Quý) hi vọng.

Trước đó, chiều ngày 27/9, UBND quận Bình Tân cho biết, sau 10 năm phê duyệt phương án di dời Bình Hưng Hòa, đến nay dự án di dời nghĩa trang sắp hoàn thành.

Dự án di dời Nghĩa trang Bình Hưng Hòa được triển khai thực hiện theo Công văn số 4894-CV/VPTU ngày 13/8/2010 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về chủ trương di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa, Công văn số 4119/UBND-ĐTMT ngày 23/8/2010 của UBND TP về chủ trương di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân.

Trong dự án có tổng số khoảng 50.387 mộ, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 68 hộ, quy mô diện tích 53,612ha (phần diện tích đất thu hồi là 40,6969ha, chiếm 75,19% toàn khu. Trong đó, phường Bình Hưng Hòa 10,5096ha, phường Bình Hưng Hòa A là 30,1873ha, phần diện tích còn lại 12,915 ha hiện hữu, chiếm 24,81% toàn khu đất gồm đất dân cư xen kẽ giữ lại để chỉnh trang, đình Bình Khánh 0,32ha, công trình tôn giáo chùa Di Lặc 0,7958ha và chùa Trấn Quốc Giác Hải 2,9772ha).

Dự án chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đang triển khai thực hiện) có diện tích thu hồi là 12,9504ha, 15.539 mộ bị ảnh hưởng, tổng dự toán là 784,5tỷ đồng, 35 hộ có nhà, đất bị ảnh hưởng. Đến nay, đã vận động được thân nhân đăng ký kê khai 13.649 ngôi mộ (đạt 87,84%), trong đó có 13.558 ngôi mộ đã thực hiện bốc mộ, di dời (đạt 87,25%).

Giai đoạn 2 (đang triển khai xây dựng phương án bồi thường và trình duyệt giá bồi thường) có diện tích đất thu hồi là 11,54ha, 23 hộ dân có nhà, đất bị ảnh hưởng, 16.848 mộ phải di dời, tổng dự toán là 749,63 tỷ đồng. Đến nay, đã vận động được thân nhân đăng ký kê khai 9.873 ngôi mộ (đạt 58,6%), trong đó có 8.719 mộ đã có thân nhân thực hiện bốc mộ, di dời (đạt 51,75%).

Giai đoạn 3 (đang xin chủ trương đầu tư) có diện tích đất thu hồi là 16,2065ha, 10 hộ dân có nhà, đất bị ảnh hưởng, số mộ phần bị ảnh hưởng khoảng 18.000 mộ phải di dời, tổng dự toán là 910,1 tỷ đồng.

THIỆN AN

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-sau-10-nam-giai-toa-nghia-trang-binh-hung-hoa-van-ngap-trong-rac-thai-353999.html