'Sát vách' hai tâm dịch, Triều Tiên khai triển hàng loạt biện pháp cứng rắn

Báo đài quốc tế đánh giá Triều Tiên đã có những động thái quyết liệt để ngăn chặn dịch COVID-19, mặc dù 'sát vách' hai 'ổ dịch' Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ tại Đông Á đều đã xác nhận có trường hợp nhiễm virus, Triều Tiên vẫn chưa công bố bất kỳ ca nhiễm SARS-CoV-2 nào.

Chấp nhận thiệt hại kinh tế

Hai tháng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán (Hà Bắc), một số khu vực rất gần với biên giới Triều Tiên như Đan Đông hay Thẩm Dương đều đã xác nhận có bệnh nhân nhiễm vi rút. Theo Yonhap, Triều Tiên phụ thuộc rất nhiều vào thương mại với Trung Quốc, chiếm gần 90% tổng số giao dịch ngoại thương. Từ đó, Giáo sư Nam Sungwook tại Đại học Hàn Quốc cho rằng, vẫn có rất nhiều khả năng ai đó tại đất nước 25 triệu dân Triều Tiên đã bị nhiễm vi rút mà chưa bị phát hiện.

Tuy vậy, đến nay, Bình Nhưỡng vẫn công bố chưa có trường hợp nhiễm vi rút nào. Theo các bản tin từ Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) thì nước này đã và đang tỏ ra rất quyết liệt, nghiêm túc và minh bạch trong việc công khai những nỗ lực ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2. Cụ thể, khi dịch có dấu hiệu bùng phát, Triều Tiên đã ngay lập tức đóng cửa biên giới với toàn bộ khách du lịch nước ngoài, phần lớn là du khách Trung, từ ngày 22/1. Đây là một trong những quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới với Trung Quốc và hạn chế nước ngoài.

 Phun khử trùng xe buýt tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên ngày 23-2 (Ảnh: REUTERS)

Phun khử trùng xe buýt tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên ngày 23-2 (Ảnh: REUTERS)

Về mặt đánh đổi, việc đóng cửa biên giới tác động mạnh đến nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến mạng lưới thương nhân và thị trường buôn bán đang có dấu hiệu khởi sắc dưới thời Kim Jong Un, ít nhất trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, kế hoạch tăng doanh thu của Triều Tiên thông qua du lịch nước ngoài – ngành công nghiệp không chịu lệnh trừng phạt quốc tế, dường như cũng bị “trật bánh”.

Ngày 30/1, KCNA tiếp tục đưa tin các nhà chức trách Triều Tiên đã công bố dịch COVID-19 là “tình trạng khẩn cấp quốc gia”, đồng thời thiết lập các cơ sở chống dịch trên cả nước. Theo đó, giới y tế Triều Tiên thiết lập “hệ thống mẫu xét nghiệm toàn quốc” với tuyên bố “đủ khả năng chẩn đoán nhanh các trường hợp nghi nhiễm vi rút”. Đến ngày 3/2, tất cả những người nhập cảnh vào Triều Tiên sau ngày 13/1 đều phải được “giám sát y tế”.

Mỗi người dân đều phải biết về COVID-19

Dù vậy, nhiều chuyên gia nước ngoài đã đặt ra nghi vấn về khả năng kiểm tra vi rút SARS-CoV-2 của Triều Tiên, cũng như liệu nước này có thực sự ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch bệnh bởi những hạn chế về nguồn cung thuốc hay trang thiết bị tiên tiến, một bộ phận không nhỏ dân số đang bị suy dinh dưỡng với sức đề kháng kém…

Trước những nghi ngờ trên, giới chức trách Triều Tiên đã “thẳng thắn một cách bất ngờ” khi mô tả việc phòng chống vi rút lây lan là “vấn đề sống còn của quốc gia”, đồng thời thúc giục các biện pháp “mang tính cách mạng” để ứng phó dịch. Dù liên tục công bố chưa có trường hợp nhiễm trong nước, các quan chức và giới truyền thông vẫn cảnh báo người dân không được lơ là cảnh giác. Thông tin về dịch, vi rút và các đường hướng của nhà nước đều được đưa ra gần như hàng ngày với cường độ cao trên mọi đơn vị truyền thông để nâng cao nhận thức, kêu gọi người dân thực hành vệ sinh có trách nhiệm.

Đơn cử, hình ảnh về các nhân viên mặc đồ bảo hộ khử trùng không gian công cộng, các nhân viên y tế giáo dục công chúng về các triệu chứng của bệnh được phát đi thường xuyên. Ngay cả Thủ tướng Kim Jae Ryong cũng được chụp lại hình ảnh đeo mặt nạ trong khi hướng dẫn các biện pháp chống dịch. Đồng thời truyền thông nhà nước cũng liên tục đưa tin về các nhà máy sản xuất bộ dụng cụ thử nghiệm, mặt nạ và chất khử trùng để lưu hành nội địa.

“Kỷ luật sắt” trong phòng dịch

Ngay khi thực hiện đóng cửa biên giới, Triều Tiên đã đình chỉ tất cả chuyến bay và dịch vụ đường sắt từ Trung Quốc và Nga. Triều Tiên cũng đã mở rộng kiểm dịch người nước ngoài từ 15 ngày lên 30 ngày, mặt khác, áp đặt các lệnh hạn chế đối với nhân viên cứu trợ và các cơ quan y tế quốc tế vào đất nước này. Triều Tiên đã từ chối yêu cầu của Anh về việc đưa các công dân Anh đang bị cách ly tại đây được về nước.

Theo Đài phát thanh Trung ương Triều tiên đưa tin, đến ngày 24/2, Bình Nhưỡng đã cách ly khoảng 380 người nước ngoài. Cơ quan này cũng nhấn mạnh chính phủ chỉ đạo tăng cường cách ly, theo dõi y tế và các biện pháp xét nghiệm đối với những người du lịch nước ngoài trở về, những người tương tác với họ và những người có triệu chứng bất thường. Ở tỉnh Bắc Pyongan – khu vực Tây Bắc giáp với Trung Quốc, có khoảng 3.000 người đang được theo dõi y tế vì có biểu hiện nghi nhiễm virus corona chủng mới.

Bên cạnh đó, theo diễn biến mới nhất từ hãng thông tấn Nga TASS, Triều Tiên có thể đang thu xếp một chuyến bay đưa công dân nước ngoài có nguyện vọng rời khỏi nước này bởi lo ngại dịch COVID-19 tới Nga. Báo chí Hàn Quốc cho rằng, “lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un áp đặt quân pháp nhằm tăng cường các biện pháp cách ly”.

Theo đó, tất cả các cơ quan chính quyền và người nước ngoài sống và làm việc tại Triều Tiên phải tuân thủ “vô điều kiện”. Người vi phạm phải hứng chịu hình phạt nghiêm khắc. Mặt khác, các nhà chức trách đã thắt chặt các biện pháp kiểm dịch liên quan đến hải quan. Tất cả hàng hóa đến cảng Triều Tiên hoặc đi qua cầu biên giới được giữ trong khu vực cách ly trong 10 ngày. Người chết bắt buộc phải hỏa táng, không được chôn cất. Chính phủ cũng hạn chế triệt để các cuộc tụ họp công cộng. Các trường học bị đóng cửa trong cả nước trong một tháng.

Các nhân viên y tế Triều Tiên trong đồ bảo hộ tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng ngày 1/2 (Ảnh: Kyodo News)

Dù được cho là chưa có dịch, ngày 27/2 vừa qua, giới chức trách Triều Tiên vẫn thông báo hoãn ngày tựu trường của các cấp học từ nhà trẻ đến đại học trong cả nước, cũng không nói thời gian hoãn sẽ kéo dài đến khi nào. Giải chạy marathon quốc tế lớn dự kiến diễn ra giữa tháng 4 tới cùng các sự kiện khác cũng bị hủy bỏ. Triều Tiên thậm chí còn không tổ chức duyệt binh trong 2 ngày lễ trọng đại của đất nước – đó là Kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Nhân dân triều Tiên (8/2) và ngày Kỉ niệm sinh nhật lần thứ 78 của cố Chủ tịch Kim Jong-il (16/2).

Trong quá khứ, phản ứng của Bắc Triều Tiên đối với dịch Ebola năm 2014 và SARS vào đầu những năm 2000 đã hạn chế hơn nhiều so với COVID-19. Thông báo của Triều Tiên về dịch Ebola năm 2014 đến khá muộn, khoảng 8 tháng sau khi căn bệnh này xảy ra ở Tây Phi. Còn trong dịch SARS, Triều Tiên đã không đóng cửa biên giới hoàn toàn, và chỉ cấm du khách từ một số nơi sự lây nhiễm đã lan rộng.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 29/2 cho biết, phát biểu tại một cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên vừa diễn ra, Nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un khẳng định cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 là một “vấn đề quan trọng để bảo vệ người dân” đòi hỏi phải phát huy kỷ luật tối đa.

“Trong trường hợp bệnh truyền nhiễm đang lan rộng ngoài tầm kiểm soát này tìm đường vào nước ta, nó sẽ kéo theo những hậu quả nghiêm trọng”, hãng tin KCNA dẫn lời ông Kim cảnh báo. Việc Triều Tiên vẫn chưa công bố có ca nhiễm vi rút đã phần nào chứng minh được những biện pháp chưa từng có của đất nước này. Theo CNN, việc này cho thấy Bình Nhưỡng có thể đã rất may mắn, hoặc đang được hưởng lợi ích từ việc là một quốc gia khép kín.

Đỗ Trang / Pháp luật bốn phương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-quan-sat/sat-vach-hai-tam-dich-trieu-tien-khai-trien-hang-loat-bien-phap-cung-ran-497840.html