'Sát thủ' Harpoon chỉ làm xước sơn tàu cũ trong RIMPAC-18

Trong khuôn khổ Tập trận RIMPAC-18, máy bay P-8A Poseidon của Australia đã có màn phô diễn sức mạnh không thực sự ấn tượng bằng tên lửa ATM-84J Harpoon.

Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) ra tuyên bố cho biết, tên lửa ATM-84J Harpoon được phóng từ máy bay P-8A ngoài khơi bờ biển Hawaii trên Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne tuyên bố: "Quả tên lửa đã bay đúng quỹ đạo và đánh trúng mục tiêu với độ chính xác cực cao".

Nhân viên lắp tên lửa ATM-84J Harpoon lên máy bay P-8A Australia.

Căn cứ vào hình ảnh được công bố trong video cho thấy, quả tên lửa chống hạm ATM-84J Harpoon đã đánh trúng phần mạn trái của tàu. Tuy nhiên sức mạnh từ pha tấn công đã khiến nhiều người bất ngờ khi quả tên lửa chỉ làm chiếc tàu cũ (dùng làm mục tiêu trong tập trận) rung nhẹ. Cùng với đó là đám khói nhỏ bốc lên và chiếc tàu mục tiêu không hề hấn gì.

Pha tấn công này khiến người ta nhớ lại vụ tấn công còn tồi tệ hơn từ loạt tên lửa và ngư lôi Mỹ trong Tập trận RIMPAC 2016, trong đó Harpoon tham gia khá tích cực.

Mục tiêu bị bắn hạ trong cuộc tập trận này là chiếc tàu lớp Oliver Hazard Perry mang tên USS Thach (FFG 43) đã nghỉ hưu của Hải quân Mỹ diễn ra trong khuôn khổ cuộc tập trận đa quốc gia RIMPAC 2016 ở ngoài khơi Hawaii hôm 14/7.

Con tàu này được kéo ra ngoài khơi cách Hawaii khoảng 100 km về phía Bắc, vùng biển này có độ sâu khoảng 4,5 km, bảo đảm không có người. Ngay sau đó, con tàu đã bị dội mưa tên lửa, bom và ngư lôi.

Đầu tiên, chiếc USS Thach đã bị trúng 1 quả tên lửa Harpoon từ tàu ngầm của Hàn Quốc, sau đó là 1 tên lửa Harpoon nữa từ khu trục hạm HMAS Ballarat cùng 1 quả Hellfire từ trực thăng SH-60S của Hải quân Australia.

Trong đợt tấn công tiếp theo, một tàu tuần tra của Mỹ "đóng góp" 1 tên lửa Harpoon và 1 tên lửa Maverick; tàu tuần dương USS Princeton còn tiếp tục phóng 1 tên lửa Harpoon, trong khi một trực thăng SH-60S khác bồi thêm một số tên lửa Hellfire nữa.

Chưa hết, một chiếc F/A-18 của Mỹ còn thả 1 quả bom Mk 84, máy bay ném bom B-52 ném 1 quả bom GBU-12 Paveway trọng lượng 225 kg.

Cuối cùng một tàu ngầm hạt nhân Mỹ phóng ra một quả ngư lôi Mk-48 với gần 2.500 kg chất nổ cực mạnh, bắn trúng mũi tàu tạo nên một cột nước khổng lồ. Sức mạnh của quả ngư lôi này làm phần thân gần mũi tàu bị thụt sâu vào bên trong với 1 lỗ thủng lớn.

Chiếc tàu mục tiêu không hề hấn gì sau pha tấn công.

Theo thống kê của tờ Star Advertiser (ở Hawaii), người ta đã dùng đến hơn 10 loại vũ khí cực mạnh để đánh chìm tàu USS Thach, gồm 4 tên lửa diệt hạm Harpoon (phóng từ tàu ngầm, tàu chiến, máy bay), nhiều tên lửa Hellfire phóng từ trực thăng, 1 tên lửa Maverick từ máy bay P-3 Orion, 2 quả bom (từ F/A-18 và B-52), và 1 ngư lôi từ tàu ngầm hạt nhân.

Điều đáng nói ở đây là sau khi hứng chịu số lượng bom đạn khổng lồ như vậy, con tàu vẫn trụ vững tới 12 giờ đồng hồ rồi mới chịu thúc thủ. Đặc biệt, trong hầu hết những vũ khí dùng trong tập trận đều được Mỹ quảng bá rằng chỉ cần 1 quả cũng đủ sức đánh chìm chiến hạm lớn hơn cả chiếc USS Thach.

Tuy nhiên, tuyên bố của nhà sản xuất đã trái ngược hoàn toàn so với thực tế trong tập trận.

Clip máy bay P-8A Australia phóng tên lửa ATM-84J Harpoon

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/sat-thu-harpoon-chi-lam-xuoc-son-tau-cu-trong-rimpac-18-3362390/