'Sát thủ giấu mặt' trên đường phố:Bài 3: Cần điều chỉnh luật tăng tính răn đe

Biết bao nhiêu người đã bị tước đoạt mạng sống, nhiều người trở thành phế nhân do lái xe lạm dụng bia rượu. Những người thân, gia đình của nạn nhân đau khổ, cuộc sống của họ trở nên bi kịch hơn. Đơn cử như hai con của nữ công nhân môi trường Lê Thị Thu Hà không chỉ mất mẹ mà có thể mất cả tương lai. Vậy nên, nhiều ý kiến đề xuất tăng mức xử phạt vì hiện nay chưa đủ sức răn đe.

Nhiều nước xử lý nghiêm minh

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, tại nhiều quốc gia, Chính phủ áp đặt rất nhiều biện pháp để xử lý người dùng bia, rượu khi tham gia giao thông.

Cụ thể, Nhật Bản có khung hình phạt vào loại nặng nhất thế giới với các tội liên quan đến uống rượu bia khi tham gia giao thông. Với nồng độ cồn từ 0,15mg/lít khí thở (tương đương với một ly bia) người điều khiển xe bị quy vào lỗi lái xe trong điều kiện không tỉnh táo, bị phạt tù lên tới 3 năm và 500.000 yên (tương đương 104 triệu đồng). Khi cảnh sát giao thông phát hiện tài xế lái xe trong tình trạng say rượu, người vi phạm có thể phạt tới 5 năm tù và một triệu yên Nhật.

Tại Nhật Bản, hình phạt cho tội lái xe say rượu gây tai nạn là 20 năm tù đối với những vụ làm chết người và 15 năm đối với tai nạn không chết người. Để đảm bảo an toàn cho người đi bộ, người đi xe đạp cũng chịu những chế tài về rượu bia như người lái xe ô tô.

Đặc biệt, nếu phương tiện của người lái xe say rượu chở theo hành khách, thì hành khách cũng bị xử phạt tiền, thậm chí ngồi tù. Đối với những lái xe không tuân thủ yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có thể bị quy vào tội chống người thi hành công vụ với mức phạt tương đương hoặc hơn tội lái xe trong tình trạng say rượu.

Pháp luật Trung Quốc quy định mức cồn trong máu người lái xe cho phép là 0,02%. Từ 0,02% - 0,08%, lái xe sẽ bị phạt 1.000 - 2.000 nhân dân tệ (khoảng 3,36 - 6,7 triệu đồng) và đình chỉ giấy phép lái xe trong 6 tháng. Còn trên mức 0,08%, người vi phạm có thể bị phạt tù 3 năm và bị cấm lái xe trong 5 năm. Nếu tài xế gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong, giấy phép lái xe sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn.

Singapore cũng có hình phạt tù, phạt tiền và lao động công ích đối với hành vi lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn. Nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35 mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền lên đến 5.000 SGD (tương đương 85 triệu đồng) và đối diện với 6 tháng tù giam. Tuy nhiên, việc xử phạt sẽ dựa vào từng vụ việc. Các mức phạt được quy định dựa trên hai yếu tố, đó là sự nguy hiểm của hành vi và nồng độ cồn của lái xe. Những lỗi nặng nhất sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đối diện với các hình phạt tù và lao động công ích.

Đối với các hành vi tái phạm nhiều lần, hình phạt cũng sẽ tăng thêm. Singapore phạt tù từ 6 - 12 tháng và phạt tiền từ 3.000 - 10.000 SGD (khoảng 50 - 130 triệu đồng) đối với tài xế tái phạm lần thứ 2 và phạt 30.000 SGD (khoảng 510 triệu đồng) và 3 năm tù, tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế phạm lỗi lần thứ 3.

Ở Việt Nam, mức xử phạt còn nhẹ

So với các nước trên thế giới, ở Việt Nam, chế tài dành xử phạt tài xế say bia, rượu khi tham gia giao thông được coi là nhẹ và chưa đủ sức răn đe. Do vậy, nhiều người đề xuất cần phải phạt thật nặng, gấp nhiều lần hiện nay.

Anh Trần Trung Chiến (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, cần phải coi uống rượu bia khi lái xe là hành vi giết người. Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm nên cần phải phạt thật nặng, gấp nhiều lần hiện nay; cấm lái xe ít nhất một năm nếu có nồng độ cồn từ 0,4/1 lít khí thở; nghiêm khắc xử phạt bất kì ai vi phạm, kể cả xe biển xanh, biển đỏ…

Đồng tình quan điểm như anh Chiến, bác Nguyễn Duy Lương (ở Quốc Oai, Hà Nội) cho rằng: “Vì an toàn cho mọi người phải phạt nặng những hành vi uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông. Nghề lái xe nhiều khi không cho tài xế cơ hội rút kinh nghiệm, có những vi phạm phải trả giá bằng sự sống và sức khỏe của mình và của người khác, bằng những năm tháng tù tội, dằn vặt. Từ chối uống được hay không do bản lĩnh của mỗi người. Theo tôi, xuất phát từ bất cứ lý do gì thì việc uống rượu say khi tham gia giao thông là không thể chấp nhận. Vậy nên tôi đề xuất nâng cao hình phạt. Phạt nặng sẽ giảm tình trạng chủ quan say rượu lái xe. Vì an toàn cho mọi người, tôi tin cộng đồng sẽ ủng hộ cảnh sát giao thông mạnh tay làm nghiêm chuyện này".

Còn theo chị Nguyễn Trà My (công tác tại Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao) thì, phải xử lý người dùng chất kích thích khi lái xe gây tai nạn ở tội “Cố ý gây thương tích” hoặc tội “Giết người”. Bộ luật Hình sự 2015 đã không coi việc “say rượu, bia hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm.

Trường hợp cơ quan chức năng xác định được các tài xế do uống rượu bia, chất kích thích dẫn đến không làm chủ được tốc độ, gây tai nạn giao thông với hậu quả làm chết người thì hành vi này có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Theo đó, cơ quan chức năng cần xếp nhóm hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông nếu gây hậu quả nghiêm trọng thuộc nhóm hành vi lỗi cố ý gián tiếp quy định tại khoản 2, Điều 10, Bộ luật Hình sự 2015: “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.

Với phân tích nêu trên, có thể thấy rằng, việc buộc những người tham gia giao thông nhận thức được mức độ nghiêm trọng có thể xảy ra khi sử dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức gây tai nạn để lại hậu quả nghiêm trọng, chết người sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với lỗi cố ý. Cụ thể, hậu quả gây thương tích từ 11% trở lên thì xem xét ở tội “Cố ý gây thương tích” hoặc gây chết người thì xử theo tội “Giết người”.

“Chỉ khi nào hình phạt của pháp luật đủ sức răn đe thì mới hạn chế được tối đa những vụ tai nạn thảm khốc đang có chiều hướng tăng nhanh tại nước ta”, chị My khẳng định.

Hiện nay, ở Việt Nam mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt 0,4/1l khí thở chỉ bị phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng.

(Còn nữa)

Phương Uyên

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/sat-thu-giau-mat-tren-duong-pho--bai-3-can-dieu-chinh-luat-tang-tinh-ran-de-d2066476.html