'Sát thủ giấu mặt' trên các cung đường

Tai nạn giao thông do rượu bia đang ở mức báo động, đồ uống có cồn đang trở thành 'kẻ sát nhân giấu mặt'. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, nạn nhân tử vong hoặc bị thương tật suốt đời.

“Top 10” châu Á về tiêu thụ rượu, bia

Theo thống kê, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người uống rượu bia cao và gia tăng ở cả nam giới và nữ giới. Nước ta hiện đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu bia. Ước tính mỗi năm, chi phí tiêu thụ rượu bia của cả nước khoảng 3,4 tỷ USD. Những dịp lễ tết, tình trạng sử dụng rượu bia lại tăng vọt, kéo theo nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).

Trên thực tế, trong một vài năm gần đây, trong số các vụ tai nạn giao thông đường bộ, nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia luôn chiếm tỷ lệ cao, từ 40% trở lên. Đặc biệt là mỗi dịp lễ tết và các tháng đầu năm thì tỷ lệ này tăng vọt, lên đến 65-70%. Tại một số bệnh viện lớn như Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), Việt Đức (Hà Nội), khoảng 60% nạn nhân TNGT vào cấp cứu có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên liên quan đến các cuộc nhậu nhẹt, tất niên, cỗ bàn, hội họp. Từ thành phố đến nông thôn, cái chết có khi chỉ cách bữa tiệc vài kilomet. Có những người vừa rời bàn nhậu đã phải đi thẳng đến nhà xác vì tai nạn giao thông. Bởi đơn giản, khi đã uống rượu bia, người điều khiển phương tiện không làm chủ được bản thân như đi xe lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao, tránh vượt sai quy định, đi sai làn đường, khả năng phán đoán tình huống kém hơn so với lúc bình thường.

Theo phân tích của ngành y tế, khi uống rượu bia, người sử dụng sẽ bị ức chế não bộ, tổn hại sức khỏe và ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, phối hợp, sự tập trung, tầm nhìn… gây mất ATGT. Việc uống rượu bia trước khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện dễ bị hưng phấn, chạy xe với tốc độ cao. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10-30%, làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro. Thực tế đã chứng minh, ở các vụ TNGT mà người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia, chất kích thích mức độ nghiêm trọng của vụ việc sẽ cao hơn rất nhiều so với bình thường.

 Nguyên nhân vụ tai nạn ở Bến Lức là do tài xế sử dụng rượu bia và ma túy

Nguyên nhân vụ tai nạn ở Bến Lức là do tài xế sử dụng rượu bia và ma túy

Để hạn chế hành vi sử dụng rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện, chế tài xử phạt đã liên tục được gia tăng, với mức phạt tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Cụ thể, theo Nghị định 46, người điều khiển phương tiện sử dụng, rượu bia khi tham gia giao thông có thể bị phạt tiền lên đến 16-18 triệu đồng, tước GPLX 4-6 tháng (đối với ô tô); từ 3-4 triệu đồng, tước GPLX 3-5 tháng (đối với xe máy). Thế nhưng, sau những con số thống kê tai nạn giao thông, tỷ lệ người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn cao vượt ngưỡng vẫn chiếm tỷ lệ rất cao.

Điều đáng nói, tỷ lệ người sử dụng rượu bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông lại nằm trong nhóm những người có thu nhập cao, có đời sống vật chất khá và nhóm những người có học, doanh nhân. Theo chia sẻ của một số cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ thì nhóm lái xe tải, xe khách sử dụng rượu không nhiều vì mức phạt rất cao và nhóm này thường bị kiểm tra đột xuất.

Vi phạm về nồng độ cồn gia tăng

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong năm 2018, số vụ TNGT do sử dụng rượu bia lên đến 3,36%, tăng nhiều so với năm 2017 (2,07%). Trong số đó có nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, như vụ tai nạn xảy ra tại Km 1934, quốc lộ 1, đoạn qua xã Nhựt Chánh (Bến Lức, Long An). Vào khoảng 15 giờ 30 ngày 2/1/2019, Phạm Thanh Hiếu, ngụ tại ấp 1B, xã An Thạch (huyện Bến Lức, Long An) điều khiển xe container mang BKS 62C-043.48 kéo theo rơ-mooc 62R-001.08 lưu thông theo hướng từ Long An về TP. Hồ Chí Minh.

Khi tới đoạn quốc lộ 1, khu vực ngã tư Bình Nhựt, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An, do không làm chủ tốc độ, Hiếu đã lái xe lao thẳng vào những người đang dừng đèn đỏ. Hậu quả vụ tai nạn khiến bốn người chết, 16 người bị thương, hư hỏng 21 xe máy. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của Hiếu là 0,58 mg/lít khí thở, xét nghiệm nước tiểu là dương tính với hê rô in.

Trước đó, tại km 198+200, quốc lộ 20, thuộc xã Liên Nghĩa (huyện Ðức Trọng, Lâm Ðồng), xe taxi BKS 49A-174.72 do chị Ðỗ Thục Hân, trú tại huyện Ðức Trọng điều khiển chở năm người va chạm với xe máy đi cùng chiều. Hậu quả làm ba người chết, bốn người bị thương. Kết quả đo nồng độ cồn chị Hân là 1,108 mg/lít khí thở...

Đó chỉ là 2 trong số hàng nghìn vụ TNGT liên quan đến rượu, bia. Điều đáng lo ngại là con số này không hề giảm mà lại đang có chiều hướng gia tăng. Thực tế cũng đã chứng minh, ở các vụ TNGT mà người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia, chất kích thích mức độ nghiêm trọng của vụ việc sẽ cao hơn rất nhiều so với bình thường.

Tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về nồng độ cồn

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì việc giảm tai nạn do rượu, bia phải nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện. Nhưng trong bối cảnh mà tình trạng sử dụng rượu bia bị lạm dụng như hiện nay, việc kiểm soát là khó khăn. Giải pháp căn cơ chính là phải giảm tình trạng lạm dụng rượu bia nói chung. Bên cạnh đó, cần có sự thay đổi căn bản về chế tài xử phạt mà điều này liên quan đến việc thay đổi chính sách xử phạt vi phạm hành chính với các hình thức xử phạt mới, có thể không chỉ là phạt tiền.

Trong hoàn cảnh hiện tại, khi nhận thức chưa đủ mạnh để thay đổi hành vi thì việc sử dụng những biện pháp cưỡng chế đặc biệt nghiêm khắc là cần thiết. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hình thức phạt tù giam, tịch thu phương tiện với người lái xe sau khi uống rượu. Nếu lái xe là người nước ngoài vi phạm, thậm chí bị trục xuất. Chỉ khi có chế tài nghiêm khắc, người điều khiển phương tiện mới không dám vi phạm. Lực lượng thực thi công vụ, xử phạt cũng phải nghiêm túc, không được phép nể nang hay thông cảm. Một số thành phố lớn ở các quốc gia tiến bộ cũng chỉ cho phép bán rượu bia trong một số khung giờ nhất định, không bán cho người dưới 18 tuổi. Ðây cũng là một kinh nghiệm hay để các cơ quan quản lý tham khảo, vận dụng phù hợp.

“Đã uống rượu, bia, không lái xe”

Nhằm tìm kiếm giải pháp giảm thiểu TNGT do uống rượu, bia, Ủy ban ATGT Quốc gia đã liên tục thực hiện chuỗi hoạt động “Uống có trách nhiệm và An toàn giao thông”. Chương trình này được tổ chức gồm các hoạt động chính như: Đào tạo nâng cao hiệu quả công tác thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến nồng độ cồn và nâng cao nhận thức “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; truyền thông nâng cao nhận thức về uống có trách nhiệm tại cộng đồng; truyền thông, giáo dục cho học sinh trung học phổ thông phòng tránh lạm dụng đồ uống có cồn; nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng rượu bia đến hành vi điều khiển môtô, xe gắn máy.

Trong năm 2018, Ủy ban cũng phối hợp với Hiệp hội các doanh nghiệp rượu châu Á - Thái Bình Dương (APIWSA) đã tiến hành một nghiên cứu độc lập về ảnh hưởng của việc lạm dụng rượu bia đến hành vi điều khiển mô tô xe máy tại Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới nói chung và xe máy nói riêng vẫn đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới TNGT tại Việt Nam hiện nay. Có tới 70% người sau khi uống rượu bia tại các nhà hàng (trong phạm vi của nghiên cứu) vẫn tiếp tục tự lái xe về, với tỷ lệ vi phạm các quy tắc ATGT rất cao: 36% chuyển hướng không đúng quy định, 26% đi ngược chiều, 17% không bật đèn xe...).

Các nhà nghiên cứu đã khuyến cáo các giải pháp thắt chặt quy định nồng độ cồn đặc biệt với lái xe kinh doanh vận tải, đa dạng hóa và gia tăng hình phạt với các hành vi vi phạm, đổi mới công tác tuyên truyền về ảnh hưởng rượu bia khi lái xe, và tăng cường các lựa chọn đi lại cho người dân trước, trong và sau khi sử dụng rượu bia.

Ủy ban ATGT Quốc gia cũng chỉ ra nguyên nhân TNGT do vi phạm nồng độ cồn còn chiếm tỷ lệ cao là do thói quen sinh hoạt, tập quán văn hóa chúc tụng nhau uống rượu bia vào dịp lễ, Tết; hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục và tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm còn hạn chế; các cán bộ, đảng viên chưa phát huy tốt vai trò nêu gương trong việc thực hiện quy định “đã uống rượu bia, không lái xe”;…

Để khắc phục tình trạng này, lực lượng CSGT, lực lượng Thanh tra giao thông các địa phương cần phải tăng cường kiểm tra, xử phạt các lái xe vi phạm nồng độ cồn tại các bến xe. Bên cạnh đó, các ban ngành chức năng phải đề ra chế tài xử lý nghiêm đối với các chủ cơ sở kinh doanh vận tải nếu để lái xe sử dụng các chất có cồn khi tham gia giao thông. Siết chặt quy trình cấp mới, cấp lại giấy phép lái xe trong trường hợp người lái xe bị thu bằng do vi phạm nồng độ cồn…

Trên thực tế, mấy năm gần đây, Cục CSGT đã ban hành nhiều điện, kế hoạch chỉ đạo lực lượng CSGT của Cục và các địa phương mở các đợt cao điểm tăng cường bảo đảm trật tự ATGT trên phạm vi toàn quốc; phối hợp các cơ quan báo chí mở đợt tuyên truyền rộng rãi về những tác hại, hệ lụy của việc sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục CSGT cũng thường xuyên chỉ đạo lực lượng CSGT các địa phương như kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Tính trong vòng ba năm gần đây, đã có hơn 512.000 trường hợp người điều khiển phương tiện bị lực lượng CSGT ở các địa phương xử lý vi phạm về nồng độ cồn.

Hạn chế tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia là vấn đề của toàn xã hội. Mỗi cá nhân, gia đình, địa phương và các cơ quan chức năng cần phải phối hợp chặt chẽ giáo dục quản lý và xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm. Nhưng trên hết, ý thức người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia gây ra.

Hoàng Giang

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/giao-thong/sat-thu-giau-mat-tren-cac-cung-duong-294962.html