Sát thủ diệt hạm Kh-35U lộ điểm yếu sau khi phóng thử từ Su-34

Hôm 24/9, máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 của Không quân Hải quân Nga thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đã thực hiện phóng thử nghiệm tên lửa hành trình chống hạm Kh-35U.

Bộ Quốc phòng Nga thông báo, máy bay ném bom Su-34 đã thực hiện phóng tên lửa trong điều kiện không gian chiến trường phức tạp, thời tiết xấu và đối phương tác chiến điện tử chế áp, mục tiêu giả định là cụm tàu chiến của kẻ địch.

Hoạt động diễn tập được thực hiện với từng tên lửa riêng biệt và phóng loạt theo các quỹ đạo bay khác nhau. Tổng cộng các chiến đấu cơ Su-34 của Hạm đội Thái Bình Dương đã phóng liên tiếp 8 tên lửa Kh-35U, chúng đều đánh trúng mục tiêu dự kiến.

Việc Không quân Hải quân Nga tiến hành thử nghiệm tên lửa hành trình chống tàu cận âm Kh-35U trong tình cảnh hiện nay không nhằm mục đích nào khác ngoài gửi thông điệp đanh thép đến Mỹ và đồng minh.

Người Nga muốn nhấn mạnh rằng trong tay mình có nhiều vũ khí tối tân, đủ sức đánh bại mọi đợt tấn công đường biển nhằm vào bản thân mình hay đồng minh được họ bảo vệ.

Tên lửa hành trình chống tàu cận âm Kh-35U Super Uran là phiên bản nâng cấp từ loại Kh-35 Uran nổi tiếng, so với người tiền nhiệm thì phiên bản này đã mở rộng tầm bắn gấp đôi từ 130 km lên tới 260 km.

Điều đáng nói ở chỗ để vươn tới cự ly trên quả tên lửa không đòi hỏi phải gia tăng kích thước, bề ngoài của nó chẳng khác biệt gì đáng kể so với Kh-35 Uran, các thông số vận tốc Mach 0,8 và đầu đạn nặng 145 kg cũng được giữ nguyên.

Nhờ áp dụng cơ chế dẫn đường quán tính có tham chiếu định vị vệ tinh GLONASS giai đoạn đầu và chuyển sang sử dụng đầu dò radar chủ động khi bước vào công kích mà độ chính xác của tên lửa Kh-35U là rất cao.

Tính năng của tên lửa chống tàu Kh-35U đã phần nào được thể hiện qua cuộc diễn tập bắn đạn thật vừa qua của Không quân Hải quân thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.

Tuy nhiên không phải vì vậy mà vụ thử được coi là thành công mỹ mãn, khi tên lửa Kh-35U Super Uran đã bộc lộ một điểm yếu so với phiên bản đời cũ là Kh-35 Uran.

Mục tiêu để tên lửa Kh-35U tập bắn là một con tàu kéo đã loại biên có tên Mashuk với lượng giãn nước ước chừng vài ngàn tấn, để hạn chế thương vong ngoài ý muốn thì quả đạn đã không lắp đầu nổ.

Tên lửa hành trình chống hạm cận âm hiện đại đều được lắp đầu nổ giữ chậm, với mục đích để nó xuyên sâu vào trong thân tàu rồi mới phát hỏa nhằm gây hư hại nặng cho khoang máy hay khoang nhiên liệu.

Quan sát con tàu mục tiêu, có thể thấy rằng động năng của quả tên lửa Kh-35U rất tốt khi nó đã xuyên thủng cả phần thượng tầng, chưa cần lắp đầu đạn mà chỉ có lượng nhiên liệu chưa cháy hết cũng đã gây ra sức công phá rất khủng khiếp.

Nhưng đáng tiếc rằng thông số rất quan trọng khác là độ cao khi tiếp cận mục tiêu của tên lửa Kh-35U lại chưa được như kỳ vọng, khi nó không đánh trúng vào thân tàu như thiết kế mà lại bay lệch lên trên.

So với Kh-35 Uran, trong nhiều vụ thử, ở giai đoạn công kích đạn chỉ bay cách mặt biển có 2,5 - 3 m, đảm bảo xuyên sâu vào trong thân tàu, hơn nữa ở độ cao này thì mọi hệ thống tên lửa phòng không đều phải bó tay.

Độ cao công kích của tên lửa Kh-35U chưa đạt như yêu cầu sẽ không gây ra thiệt hại đủ lớn, bên cạnh đó nó còn có thể bị tên lửa phòng không đánh chặn, do vậy có lẽ sau vụ thử vừa qua thì Nga sẽ còn phải hiệu chỉnh thêm một chút để Super Uran đạt tới thông số thiết kế.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-sat-thu-diet-ham-kh35u-lo-diem-yeu-sau-khi-phong-thu-tu-su34/784723.antd