Sát nhân sau tay lái và người mẹ vĩnh viễn không về

Sau tai nạn thảm khốc trên đường Láng vào đêm 22.4, kẻ cầm vô lăng khai nhận đã uống 5-7 cốc bia, còn người mẹ thì mãi mãi không trở về.

Con trai của nữ công nhân suy sụp khi mẹ mất. Ảnh: Người lao động.

Con trai của nữ công nhân suy sụp khi mẹ mất. Ảnh: Người lao động.

Những hình ảnh đau xót của cậu bé con trai của nữ công nhân môi trường đô thị bị tử nạn vì lái xe Đỗ Xuân Tuyên (SN 1970, trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) say rượu đâm liên hoàn vẫn lan tràn trên mạng vài ngày nay. Nhìn những hình ảnh cậu con trai khóc gục bên xác mẹ nằm phủ mảnh khăn trắng khiến nhiều người không cầm được nước mắt.

Gia cảnh nhà chị công nhân quá nghèo nàn. Không ai có thể ngờ giữa thủ đô hoa lệ, vẫn còn 1 căn nhà cấp 4 nhỏ, tường nứt toác, rêu mọc xanh vì dột nát. Đồ đạc trong nhà không có thứ gì đáng giá, tất cả đều nghèo nàn, tuềnh toàng. Nhưng đó là tổ ấm của gia đình chị. Người mẹ già của chị Hà, chị và con trai lớn sống ở đây. Cậu con trai nhỏ sống với người bố đã ly hôn. Nhưng sau tai nạn đau lòng đêm hôm ấy, người mẹ mãi mãi không trở về, để lại 2 đứa con côi cút, bơ vơ.

Tai nạn do những kẻ uống bia rượu, dùng chất kích thích như ma túy rồi lái xe gây ra trên đường phố mỗi ngày một nhiều. Những tai nạn ấy một khi đã xảy ra thì hậu quả vô cùng thảm khốc, bởi số nạn nhân thiệt mạng không phải chỉ là 1-2 người.

Những kẻ uống rượu bia, dùng ma túy rồi trèo lên xe phóng bạt mạng trên đường, gây tai họa chết người cho người khác, phải gọi chính xác đó là những kẻ sát nhân chứ không chỉ đơn thuần là “vi phạm quy định về nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông gây hậu quả nghiêm trọng”. Chính bởi vì chưa nhìn nhận rõ tính chất tội phạm này, nên chúng luôn được đối mặt với mức án nhẹ, thêm phần bồi thường thiệt hại nữa là có thể giảm đi rất nhiều hình phạt.

Điều đó có công bằng không?

Gia cảnh nghèo khó của nữ công nhân vệ sinh môi trường, nạn nhân của vụ tai nạn đêm 22/4 trên đường Láng, Hà Nội. Ảnh: Người lao động.

Những nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông này, họ có tội tình gì? Họ là những người dân vô tội đang đi trên đường, đang làm những công việc thường ngày của mình như chị lao công quét rác của Công ty Môi trường đô thị. Chỉ một phút chốc, họ bị cướp đi mạng sống, để lại gánh nặng gia đình và nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai cho người thân.

Vậy phải xử những kẻ gây ra tai nạn đó, như là lỗi vô ý giết người với hình phạt thật nặng. Có như vậy thì mới mong chúng tỉnh ngộ, để không bao giờ có những thảm cảnh như vậy khi tham gia giao thông.

Thương cho 2 đứa bé côi cút con của chị công nhân. Chỉ một đêm chúng mất mẹ, người mẹ là lao động chính trong nhà, ngày chạy Grab bike, tối làm công nhân quét rác để nuôi con ăn học. Chị có tội tình gì mà phải chết thương tâm như vậy? 2 đứa bé có tội tình gì mà phải chịu cảnh côi cút, mất mẹ, mất đi chỗ dựa lớn nhất của đời chúng?

Nếu các cơ quan chức năng không tăng nặng hình phạt, sửa luật để gọi chính xác tội trạng của những kẻ sát nhân sau tay lái, cuộc sống của những người dân vô tội sẽ khó mà bình an mỗi khi rời nhà, tham gia giao thông trên đường phố.

Chỉ là 5-7 cốc bia của những kẻ mất lý trí rồi nhảy lên cầm lái, mà bi kịch đến với một gia đình và những phận người khốn khó, nỗi đau của những đứa bé mất mẹ sẽ không bao giờ nguôi ngoai.

Mong rằng các tấm lòng hảo tâm trong xã hội sẽ cùng chung tay để giúp đỡ, bảo bọc cho 2 đứa con của chị công nhân tử nạn, giúp các cháu có được cái ăn cái mặc, được học hành cho đến tuổi trưởng thành.

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/sat-nhan-sau-tay-lai-va-nguoi-me-vinh-vien-khong-ve-3378840/