Sạt lở ở ĐBSCL có những dấu hiệu phức tạp ngay đầu mùa nước nổi

Là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long nên hàng năm Đồng Tháp phải đối mặt với nhiều nguy cơ sạt lở bờ sông.

Trong đó, đáng lo nhất là sạt lở diễn ra vào mùa nước nổi. Mặc dù chỉ mới bắt đầu mùa nước tại Đồng Tháp nhưng trên địa bàn đã diễn ra một số vụ sạt lở và nguy cơ sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp.

Mới đầu mùa nước nổi, sạt lở đã có những dấu hiệu phức tạp.

Mấy ngày qua, mực nước trên sông Tiền đang lên từng ngày. Ngay phía vịnh nước sau hè, bà Lê Thị Chói, Phường An Lạc – thị xã Hồng Ngự cũng bồn chồn lo sợ. Bởi mé sông và mép nhà bà giờ chỉ còn tính bằng gang tay do sạt lở ăn dần từng ngày. Trong khi nước thượng nguồn đang đổ về, mỗi lúc mạnh thêm.

Bà Lê Thị Chói chia sẻ: “Ban đêm tôi cũng có ngủ được đâu, nước tới vào gần trong nhà. Tôi không có điều kiện thành ra phải chịu ở đây”.

Thành phố Cao Lãnh là địa phương "mới nổi" trên bản đồ sạt lở của tỉnh Đồng Tháp. Tính từ đầu năm, trên địa bàn đã xảy ra 3 vụ sạt lở trên địa bàn 2 xã là Hòa An và Tịnh Thới, thiệt hại trên 300m2 đất và nhà ở của 1 hộ dân. Trong khi đó, nguy cơ sạt lở còn diễn biến phức tạp và số hộ dân nằm trong vành đai nguy hiểm ngày càng nhiều thêm.

Ông Lương Văn Oanh, Xã Tịnh Thới, Thành phố Cao Lãnh cho rằng: “Khu vực này là cái vịnh, nước đập rất dữ, hễ năm nào nước lớn là sạt lở. Chúng tôi mong muốn có chỗ mới để làm nhà”.

Theo thống kê của Chi cục thủy lợi tỉnh Đồng Tháp từ đầu năm đến nay đã xảy ra 8 vụ sạt lở bờ sông Tiền ở huyện Thanh Bình, TP. Cao Lãnh và Thị xã Hồng Ngự với tổng chiều dài sạt lở là 153 m, diện tích sạt lở là gần 800 m2. Trong đó nhiều nhất là tại khu vực ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình với 4 vụ và có trên 400m2 đất bị thiệt hại. Một số vị trí sạt lở đã đe dọa Quốc lộ 30. Hiện tại khu vực này, các đơn vị thi công cũng đang khẩn trương xử lí khẩn cấp các hố xói để hạn chế tình trạng sạt lở diễn ra.

Là một trong những hộ dân sinh sống ở khu vực xảy ra sạt lở phức tạp, chị Võ Thị Thúy, Xã Bình Thành, huyện Thanh Bình lo lắng: “Hồi trước đất dân ở đây rất nhiều nhưng giờ sạt lở dần mất hết. Hiện tại còn mỗi nhà tôi bám trụ được ở đây, còn trên kia người ta rời đi hết rồi”.

Theo từng thời điểm, việc đi lại của người dân gặp khó do sạt lở bờ sông.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, từ năm ngoái đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 66 điểm sạt lở mới, chiều dài 36km, ăn sâu vào đất liền 30m. Trong đó có trên 4.000 hộ dân nằm trong vành đai nguy hiểm.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là kinh phí để triển khai các giải pháp khắc phục ảnh hưởng của sạt lở. Trong đó giải pháp công trình là xây dựng kè tại các vị trí xung yếu và giải pháp phi công trình là xây dựng cụm tuyến dân cư để đi dời dân đến nơi an toàn.

Tuy nhiên do nguồn vốn quá lớn nên Đồng Tháp đang đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ gần 1000 tỷ đồng để khắc phục sạt lở và bố trí chỗ ở cho hơn 4 ngàn hộ dân cư.

Trong khi chờ sự xem xét của Chính phủ, tỉnh cũng đang huy động mọi nguồn lực để đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản của những hộ dân nằm trong vành đai nguy hiểm./.

Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/sat-lo-o-dbscl-co-nhung-dau-hieu-phuc-tap-ngay-dau-mua-nuoc-noi-796002.vov