Sạt lở nghiêm trọng bờ sông Hậu ở TP Long Xuyên

TP Long Xuyên là trung tâm hành chính, tỉnh lỵ của An Giang, thế nhưng, do nằm ven dòng sông Hậu, thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông ngày một diễn ra nghiêm trọng, đòi hỏi chính quyền địa phương và Trung ương phải cấp thiết triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xử lý bền vững tình trạng sạt lở bờ sông Hậu trên địa bàn.

Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở khóm Bình Đức 3, phường Bình Đức, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang tháng 6-2012 áp sát tuyến quốc lộ huyết mạch 91 đi Campuchia.

Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở khóm Bình Đức 3, phường Bình Đức, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang tháng 6-2012 áp sát tuyến quốc lộ huyết mạch 91 đi Campuchia.

Sạt lở đe dọa hằng ngày

Không khó để thấy diễn biến sạt lở đã, đang gây ra tình trạng lo lắng thấp thỏm của chính quyền địa phương lẫn bà con sống ven bờ sông Hậu trên địa bàn TP Long Xuyên, tỉnh An Giang thời gian qua. Là nhánh chính với lưu lượng dòng chảy chiếm đến70-80% lượng nước thượng nguồn đổ về, nhánh phải sông Hậu là tuyến giao thông thủy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho việc lưu thông hàng hóa tàu thuyền từ Việt Nam sang nước bạn Campuchia. Song song đó, đây là nhánh chính cung cấp nước về khu vực hạ lưu nên lưu lượng dòng chảy rất lớn.

Ông Hồ Văn Quý, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) An Giang cho biết: “Thực tế tình trạng lưu lượng dòng chảy lớn đi vào nhánh phải bờ sông Hậu thuộc địa bàn các phường: Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Bình hơn chục năm trở lại đây cao bất thường đã khiến tình trạng sạt lở bờ sông khu vực trên diễn ra hết sức nghiêm trọng. Lưu lượng nước qua nhánh trên hiện chiếm 70-80% lượng nước sông Hậu, cùng với tình trạng bồi lắng thành các bãi lài phía bờ trái Mỹ Hòa Hưng đe dạo hằng ngày đối với người dân phía bờ bên phải khu vực đô thị TP Long Xuyên.

Thực tế từ hàng chục năm qua, sạt lở ở đây liên tục xảy ra, từ năm 2011 đến nay đã xảy ra hai vụ đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực phường Bình Đức và phường Bình Khánh, đe dọa trực tiếp tuyến quốc lộ 91 và hàng nghìn nhà dân có đất ven bờ cùng với hàng trăm hộ có nhà vùng sạt lở đã, đang bị nguy cơ rơi xuống sông, quả thực hết sức báo động”.

Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 15 vụ sạt lở đất ven sông nghiêm trọng, riêng tại TP Long Xuyên là hai vụ. Cụ thể, ngày 6-3-2012, tại khóm Bình Đức 3, phườngBình Đức, TP Long Xuyên đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng kéo 10 ngôi nhà rơi xuống sông hoàn toàn, 22 hộ buộc phải di dời khẩn cấp; áp sát tuyến quốc lộ 91 buộc phải khẩn cấp làm tuyến đường mới thay thế tuyến quốc lộ cũ đã bị đe dọa mái taluy. Đến ngày 26-5-2012, tiếp tục tạikhóm Bình Thới 1, phường Bình Khánh, TP Long Xuyên, hạ lưu cách khu vực vừa sạt lở khoảng 2 km lại xảy ra vụ sạt lở kéo năm ngôi nhà và bờ kè một doanh nghiệp sản xuất nước đá rơi hoàn toàn xuống sông, 27 hộ khác buộc di dời khẩn cấp. Cả hai vụ việc trên qua kết quả quan trắc đều là những hố xoáy dạng hàm ếch có chiều sâu khoảng 20 m, chiều rộng khoảng 150 đến 200 m.

Trưởng phòng TN và MT TP Long Xuyên Huỳnh Lê Phong cho biết, tình trạng sạt lở trên gây nhiều khó khăn cho địa bàn thành phố. Chiều dài khu vực nguy cơ, đặt biển cảnh báo sạt lở trên địa bàn thực tế là từ giáp ranh huyện Châu Thành chạy dọc tuyến ven thành phố. Trong đó, khu vực ba phường Bình Đức, Bình Khánh và Mỹ Bình là những phường trung tâm, dân cư rất đông đúc nên việc xử lý ngăn chặn sạt lở bờ sông Hậu trên địa bàn là vô cùng cấp thiết. Trong khi đó, đồng chí Nguyễn Bảo Sinh, Phó Chủ tịch UBND TP Long Xuyên nói: “Việc phòng tránh sạt lở là cấp bách, thời gian qua nhiều tuyến bờ kè bảo vệ thành phố đã được triển khai. Tuy nhiên, với tuyến sạt lở nhánh phải sông Hậu kể trên cũng chỉ đang thi công mới được đoạn ngắn thuộc khu vực phường Bình Đức, từ cầu Cần Xây đến nhà kho Lương thực An Giang 5. Còn khu vực Bình Khánh và nhiều khu vực khác cũng vô cùng cấp bách thì vẫn chưa thể triển khai, nhất là ách về nguồn vốn. Song song đó, ngay cả các hộ bị ảnh hưởng, mất nhà do sạt lở ở Bình Khánh, Bình Đức từ năm 2012 đến nay nhưng địa phương và đơn vị phụ trách dự án tái định cư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa thể hoàn thành khu tái định cư đưa dân vào ở”.

Theo ông Cao Hoàng Huy, Bí thư phường Bình Đức, TP Long Xuyên cho biết, dự án tái định cư cho bà con bị sạt lở trên địa bàn phường đến thời điểm hiện tại cũng đang gấp rút thi công, nhưng chỉ mới ở bơm cát hình thành khu nên dẫu đã phân lô cho các hộ mất nhà nhưng vẫn đang đợi hoàn chỉnh mặt bằng mới tính chuyện giúp dân vùng sạt lở an cư. Theo đó, dự án tái định cư cho bà con vùng sạt lở phường Bình Đức có quy mô 109.640 m2, đáp ứng 366 hộ đang được triển khai, dẫu tình trạng sạt lở đã diễn ra sáu năm qua và cũng ngần ấy thời gian bà con có nhà rớt sông vẫn phải đi ở thuê, ở nhờ!

Đồng bộ nhiều giải pháp

Bờ kè sông Hậu nhìn từ bờ Mỹ Hòa Hưng được triển khai nhằm bảo vệ trung tâm hành chính tỉnh An Giang.

“Phòng, chống sạt lở ven sông là một trong những ưu tiên trong phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu mà nước ta đang phải ứng phó từng ngày, từng giờ. Trong đó, chúng ta cần phải tính toán hài hòa nhiều biện pháp vừa cứng, vừa mềm để giải quyết tình trạng trên. Biện pháp cứng mà cơ bản nhất là xây dựng hệ thống đê, kè phải tốn rất nhiều tiền từ đền bù, giải tỏa đến thiết kế, thi công. Đây là biện pháp cuối cùng nếu các biện pháp khác không thể triển khai. Cái cốt là chúng ta phải phòng ngừa, mà giải pháp chỉnh trị dòng chảy cần phải được tính đến hàng đầu”, Bộ trưởng TN và MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh trong chuyến thị sát và làm việc với tỉnh An Giang qua vụ sạt lở đặt biệt nghiêm trọng tại khu vực Vàm Nao, nhánh sông Hậu thuộc xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Việc xây hệ thống kè bảo vệ bờ trái sông Hậu thuộc khu vực nội đô TP Long Xuyên đã được Trung ương, tỉnh An Giang quan tâm triển khai đồng bộ nhiều năm qua. Theo ông Tô Hoài Phong, Trưởng phòng Đầu tư – Xây dựng công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, chủ đầu tư các hệ thống đê kè bảo vệ bờ sông địa bàn TP Long Xuyên cho biết: Có rất nhiều tiểu dự án liên quan đến hệ thống kè bảo vệ bờ sông tuyến liên quan đến TP Long Xuyên thuộc hệ thống công trình bảo vệ bờ chống xói lở kết hợp chỉnh trang đô thị, như: Kè bảo vệ đầu cồn cù lao Mỹ Hòa Hưng, kè bảo vệ chợ Chưng Đùng, kè bảo vệ bờ phải sông Hậu từ Cần Xây đến kho Lương thực An Giang 5, kè bảo vệ bờ phải sông Hậu nhà kho Lương thực An Giang 5 đến rạch Cầu Máy, sửa chữa nâng cấp đoạn kè từ trụ sở Tỉnh ủy đến cuối cồn Nguyễn Du phù hợp với hệ thống bảo vệ bờ an toàn dự án, kè bảo vệ đuôi cồn Nguyễn Du đến cầu Duy Tân, kè bảo vệ chợ Long Xuyên đến cầu Duy Tân, kè bảo vệ cầu Nguyễn Thái Học đến cầu Nguyễn Trung Trực bờ Mỹ Bình, kè bảo vệ cầu Nguyễn Thái Học đến cầu Tôn Đức Thắng phường Mỹ Hòa với tổng chiều dài kè lên hơn 12 km. Tất cả các dự án trên rất tốn kém trong khi nguồn ngân sách vô cùng hạn hẹp nên việc thi công từng dự án theo kiểu liệu cơm gắp mắm. Cái cốt lõi là kết hợp song song các biện pháp chỉnh trị dòng chảy chứ không xây kè mà nước cứ xoáy vào sâu thì cũng khó mà bảo vệ kè an toàn trong thời gian dài.

Theo đánh giá của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam về dự án “Chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở bờ sông Hậu, bảo vệ đô thị TP Long Xuyên, thích ứng biến đổi khí hậu” chỉ rõ: “Bảo vệ, chống sạt lở đoạn bờ sông Long Xuyên, bờ phải sông Hậu thuộc phạm vi TP Long Xuyên bằng biện pháp xây dựng công trình kè mới, nâng cấp kè cũ, xử lý hố xói tại chỗ, kết hợp giao thông, chỉnh trang đô thị và phù hợp với quy hoạch phát triển hạ tầng ven sông. Tuy nhiên, việc điều chỉnh dòng chảy giữa các lạch trên sông Hậu đoạn qua TP Long Xuyên bằng các biện pháp công trình chỉnh trị, kết hợp nạo vét các đoạn sông bị bồi lấp tạo tỷ lệ phân lưu hợp lý giữa các nhánh sông, hạn chế tác động của dòng chảy gây ra sạt lở bờ sông phía TP Long Xuyên là nhiệm vụ trọng tâm song song của dự án. Bên cạnh đó, giải quyết sắp xếp, bố trí địa bàn dân cư cho khoảng 1.000 hộ dân đang nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở tái định cư ổn định cuộc sống”.

Ông Hồ Văn Quý, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN và MT An Giang đánh giá: “Theo kết quả dự báo của mô hình, nếu không có công trình chỉnh trị dòng chảy sẽ gây sạt lở, uy hiếp công trình, cơ sở hạ tầng đang có. Về giá trị thiệt hại nếu không có công trình chỉnh trị dòng chảy, nếu xét trên giá trị đền bù của tỉnh khi xây dựng công trình trên khu vực có nguy cơ sạt lở lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu dự án được đầu tư thì những thiệt hại tương tự không xảy ra, hiệu quả kinh tế lẫn tinh thần cho bà con không thể tính toán được. Do đó, việc chỉnh trị dòng chảy nhánh trái sông Hậu nhằm chia sẻ lưu lượng nước cho nhánh phải đang áp sát bờ sông khu vực nội thị TP Long Xuyên là yêu cầu cấp bách cần phải triển khai”.

Người dân xã Mỹ Hòa Hưng nạo vét bãi bồi do dòng chảy nhánh sông Hậu bồi lắng.

Trao đổi với PV Báo Nhân Dân điện tử, Phó Chủ tịch UBND TP Long Xuyên Nguyễn Bảo Sinh cho biết: “TP Long Xuyên rất cần sự vào cuộc hỗ trợ địa phương ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở. Diễn biến sạt lở trên địa bàn đang ở mức đáng báo động nên việc triển khai chỉnh trị dòng chảy vừa tiết kiệm, vừa mang tính khoa học lâu dài phòng chống sạt lở là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai như thế nào, tạo sự đồng thuận trong dân, giúp người dân vùng dự án chỉnh trị dòng chảy hiểu rõ việc nạo vét, điều chỉnh lưu lượng nước, tính lợi ích cũng như không có thiệt hại về tài sản, tính mạng của họ cũng cần thiết không kém”.

Triển khai thi công hệ thống đê kè là chuyện phải làm nhưng song hành đó là việc cấp thiết triển khai biện pháp chỉnh trị dòng chảy. Tuy nhiên, trong bối cảnh người dân đang có tâm lý hoang mang với các dự án khai thác cát ven sông gây sạt lở, mất đất canh tác, thì việc triển khai dự án chỉnh trị dòng chảy đôi khi bị người dân đánh đồng với việc nhà nước cho doanh nghiệp khai thác cát. Đây là hiện tượng đã, đang xảy ra với một số dự án chỉnh trị dòng chảy không chỉ An Giang mà nhiều địa phương khác trong cả nước. Do đó, ngành chức năng, chính quyền địa phương và tất cả các đoàn thể cũng cần phải vào cuộc để những dự án lớn mang tính an sinh xã hội, ứng phó lâu dài với biến đổi khí hậu, hài hòa lợi ích và tiết kiệm nguồn ngân sách phải được triển khai trên tinh thần Nhà nước, nhân dân cùng biết, cùng bàn, cùng làm, cùng kiểm tra.

Bài, ảnh: BẢO TRỊ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/36101602-sat-lo-nghiem-trong-bo-song-hau-o-tp-long-xuyen.html