Sạt lở đe dọa miền Trung

Sau những đợt mưa lũ liên tiếp, hàng chục điểm sạt lở xuất hiện khắp các tỉnh, thành miền Trung, đe dọa tính mạng người dân

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày trong những đợt lũ vừa qua đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, gây hư hỏng đường sá, hàng ngàn m3 đất đá tràn vào nhà dân gây thiệt hại tài sản. Nhiều hộ dân quá lo sợ phải tháo chạy khỏi nhà để tránh bị vùi lấp.

Đất đá tràn vào nhà

Tại khu vực thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng có tới hơn 40 ngôi nhà của người dân nằm sát dự án đường Hồ Chí Minh bị đất đá tràn vào. Nhiều hộ dân đã dùng tôn và thanh gỗ chắn ngang để ngăn đất đá nhưng vẫn không hiệu quả. Ông Trần Bảy, ngụ tổ 1, thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc, bức xúc: "Đất đá tràn vào vườn, nhà quá nhanh khiến gia đình trở tay không kịp. Nhiều đồ đạc lẫn cây cối bị vùi lấp". Còn bà Nguyễn Thị Hoài, ngụ tổ 2, thôn Phò Nam, cho biết do lo sợ đất đá tràn vào nhà nên gia đình phải dọn đồ đạc đến nhà người thân gần đó để trú tạm. Ông Hồ Phú Sâm, trưởng thôn Phò Nam, nói: "Đã có hơn 5 ha mía và đất ruộng trong thôn bị đất bùn và đá tảng vùi lấp hoàn toàn, hàng chục lồng, bè cá điêu hồng của người dân thả nuôi dọc sông Cu Đê cũng bị cuốn trôi, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng".

Một nhà dân xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) bị sạt lở hoàn toàn sau lũ Ảnh: VĨNH QUYÊN

Theo người dân, nguyên nhân khiến tình trạng đất đá tràn xuống ào ạt như hiện nay là do đơn vị thi công đường Hồ Chí Minh chưa hoàn thiện hệ thống ta-luy và mặt đường dẫn đến hiện tượng sạt lở khiến đất đá tràn xuống. Ngoài ra, do dự án đường Hồ Chí Minh thi công cắt ngang nhiều con suối nhưng không hoàn thiện hệ thống thoát nước, khiến đường bị sạt lở gây thiệt hại nặng cho người dân địa phương.

Nhiều xã bị cô lập

Mưa lớn kéo dài đã khiến gần 10 km đường ĐT 601 nối xã Hòa Liên đi Hòa Bắc (Đà Nẵng) bị sạt lở và bong tróc hoàn toàn mặt đường. Hiện gần 1 km bờ kè bảo vệ bờ sông Cu Đê, xã Hòa Bắc do Công ty Lê Vũ đang triển khai thi công bị sạt lở và trôi toàn bộ xuống sông. Tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa đưa vào sử dụng từ tháng 8-2017 nhưng hiện bị sạt lở quanh khu vực mố cầu Kỳ Lam (xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Tại tỉnh Quảng Ngãi, hầu hết các tuyến đường nối về các huyện miền núi Tây Trà, Ba Tơ… xuất hiện hàng chục điểm sạt lở lớn khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn. Hiện nhiều xã vùng cao vẫn bị cô lập gần cả tháng qua do đường bị chia cắt. Thậm chí có trường hợp chuyển viện cấp cứu nhưng do đường sá hư hỏng nên không thể lưu thông dẫn đến tử vong. Như trường hợp sản phụ Hồ Thị T. xảy ra ngày 23-11 khi chị được chuyển cấp cứu từ Trung tâm Y tế huyện Tây Trà xuống Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi, phải mất gần 2 giờ mới vượt qua điểm sạt, thai nhi tử vong.

Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết UBND tỉnh đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các huyện khẩn trương kiểm tra công trình, đánh giá mức độ sạt lở trên các tuyến đường, đề xuất phương án xử lý trình UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ khẩn cấp, bảo đảm giao thông cho người dân.

Tại tỉnh Khánh Hòa, ngày 3-12, ông Tạ Thanh Tình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đường bộ III.3 (thuộc Cục Quản lý Đường bộ III, Tổng cục Đường bộ), cho biết do mưa lớn từ ngày 1 đến 3-12, tuyến đèo Khánh Lê trên Quốc lộ 27C nối Nha Trang - Đà Lạt bị sạt nhiều điểm, trong đó nặng nhất là đoạn giữa đèo với khối lượng khoảng 7.000 m3. Trong ngày, tại điểm Km64 + 210 bị sạt 3 lần.

Trước đó, trưa 2-12, tại điểm sạt lở này, khi lực lượng thi công tổ chức thu dọn đất đá thì một đợt sạt lở ập xuống vùi lấp 1 máy đào, may mắn tài xế kịp nhảy ra ngoài.

Ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa, cho biết trong 2 ngày qua, mưa lớn đã khiến Quốc lộ 1C và Tỉnh lộ 9 do đơn vị quản lý bị sạt lở. Cụ thể, trên tuyến Quốc lộ 1C sạt lở tại khu vực đèo Rù Rì (TP Nha Trang), đá trên triền núi đổ xuống, lấn một phần lòng đường, rãnh dọc bị lấp.

Thủy điện tiếp tục xả lũ

Sáng 3-12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn gửi đến các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, yêu cầu chủ động phòng tránh lũ. Tại tỉnh Phú Yên, các thủy điện vẫn duy trì ở mức xả lũ gần 3.000 m3/giây. Theo đại diện Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ, đến trưa 3-12, Thủy điện An Khê - Ka Nak đã nâng mức xả lũ lên 1.000 m3/giây. Đến khuya cùng ngày, lượng nước xả lũ từ hồ Thủy điện An Khê - Kanak sẽ về đến hồ Thủy điện Sông Ba Hạ. Hạ lưu sông Ba sẽ phải gánh thêm một lượng nước xả lũ từ các hồ thủy điện trong khi sông đã no nước. Các khu vực trũng thấp của các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa sẽ bị ngập.

Nhóm Phóng viên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/sat-lo-de-doa-mien-trung-20171203232649489.htm