Sạt lở bờ sông Thạch Hãn, ruộng đồng bị bồi lấp

Thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng (Triệu Phong, Quảng Trị) trải dài khoảng 4 cây số bờ Bắc sông Thạch Hãn, bắt đầu giáp ranh phường An Đôn, thị xã Quảng Trị đến hết địa phận, giáp xã Ba Lòng, huyện Đakrông.

Dọc bờ sông này, đất đai sản xuất nông nghiệp chỗ thì bị sạt lở, lũ lụt cuốn trôi nhiều hécta; chỗ thì bị cát, sỏi lòng sông bồi lấp dày hàng mét, khiến sản xuất của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn.

Anh Bùi Quang Tuân (SN 1980, ở thôn Thượng Phước), dẫn chúng tôi ra bờ sông Thạch Hãn ngay trước mặt nhà mình, chỉ tay ra phía cây tràm đứng lẻ loi giữa sông, bảo: “Bờ sông trước lụt còn nằm chỗ cây tràm kia, nhưng bây giờ nó sạt lở khiến bờ dựng đứng, ăn sâu vào đất sản xuất nông nghiệp hơn 30m. Cứ vài trận lụt lớn, bờ sông lại ăn sâu vào như thế này thì chẳng bao lâu sẽ không còn đất đai sản xuất, nhà cửa cũng có nguy cơ bị sạt lở, cuốn trôi theo lũ lụt”.

Sạt lở bờ sông Thạch Hãn khiến hàng chục hécta đất đai sản xuất nông nghiệp đổ ụp xuống sông.

Sạt lở bờ sông Thạch Hãn khiến hàng chục hécta đất đai sản xuất nông nghiệp đổ ụp xuống sông.

Theo lời anh Tuân, từ đầu tháng 10 đến gần cuối tháng 11/2020, Thượng Phước đã phải gánh chịu 7 trận lũ lụt lớn, khiến toàn bộ cây sắn, hoa màu trên các vùng đất dọc bờ sông với diện tích hàng chục hécta, chỗ bị sạt lở, nước lụt cuốn trôi, cát, sỏi lòng sông bồi lấp. Đơn cử như gia đình anh trồng 3 sào sắn thì bị sạt mất 1 sào. Còn gia đình như ông Lê Châu (SN 1964), ông Hoàng Văn Vĩnh (SN 1954) có đất sản xuất ở cuối làng, gần khu vực đập tràn công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, chỉ sau mùa mưa lụt, mỗi gia đình đã bị mất tới 3-4 sào...

Chúng tôi đến gần cuối làng Thượng Phước, ông Lê Châu cho biết, đường từ đây lên khu vực đập tràn không thể đi lại được, do đã bị lũ lụt bồi lấp hàng mét bùn non rất lầy lội. Đi sâu vào trong thôn phía bờ sông, chúng tôi bắt gặp căn nhà xây cấp 4 của gia đình chị Văn Thị Ngọc Bích đã bị sạt lở bờ sông phá tan toàn bộ phần sân nhà và xói lở sâu vào phần móng nhà.

Hỏi chị Bích, con trai chị chừng 15 tuổi đang bị ốm, nằm trên tấm nệm trải giữa sàn nhà ẩm thấp, gượng dậy trả lời: “Mẹ cháu ra chợ mua đồ ăn”. “Thế bố cháu?”. “Dạ, bố cháu mất rồi!”. Chúng tôi đi quanh, quan sát, ngôi nhà nhỏ của chị Bích như đang đứng trên miệng hố tử thần, sẵn sàng đổ sụp xuống lòng sông lúc nào không biết.

Nói về nguyên nhân sạt lở bờ sông; cát, sỏi lòng sông bồi lấp ruộng đồng, anh Tuân và anh Hoàng Ngọc Duy ở thôn Thượng Phước đều nói rằng, nguyên nhân chính là do nạn khai thác cát, sỏi lòng sông bừa bãi và lũ lụt lớn hằng năm. Về khai thác cát, sỏi trái phép, trước đây rất rầm rộ, các tàu hút cát, sỏi khai thác cả ngày lẫn đêm, người dân trong thôn chỉ biết đứng trên bờ xua đuổi, thỉnh thoảng ném đá dọa các đối tượng, nhưng bọn họ không hề sợ sệt, thậm chí nhiều lúc nhảy lên bờ ném đá và đánh đuổi bà con trở lại...

Theo ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng, những trận lụt lớn vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại địa phương; có 19 nhà bị xói lở móng và hư hỏng; gia súc, gia cầm bị trôi, chết hàng loạt; gần 50ha sắn trồng, hoa màu và cây ăn quả bị hư hỏng, mất trắng hoàn toàn; gần 46ha cây trồng công nghiệp bị gãy đổ không thể phục hồi được. Đặc biệt, có tới 82ha đất nông nghiệp bị cát, sỏi lòng sông phủ lấp, không thể cải tạo để sản xuất trong thời gian vài tháng, thậm chí cả năm.

Không chỉ Triệu Thượng, phường An Đôn ở cạnh bên cũng có nhiều hécta bờ sông và đất đai sản xuất nông nghiệp bị sạt lở, lũ lụt cuốn trôi hoàn toàn. Đa số người dân các địa phương nằm dọc sông Thạch Hãn đều mong muốn việc khai thác, kinh doanh cát, sỏi ở lòng sông, từ khu vực thượng nguồn thuộc xã Ba Lòng cho tới hạ nguồn thuộc các xã Triệu Độ (Triệu Phong), Gio Mai (Gio Linh)… được các cấp, ngành, lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ và khoa học, đúng pháp luật liên quan, nhằm giảm thiểu tối đa hậu quả xấu do các hoạt động trên gây ra...

Thanh Bình

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/sat-lo-bo-song-thach-han-ruong-dong-bi-boi-lap-623576/