Sạt lở bờ sông đe dọa nhiều tích hoa màu của người dân

Thời gian qua, đoạn sông Bình Phước, chảy qua thôn Lạc Thành Đông, xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam thường xuyên xảy ra sạt lở bờ sông đe dọa đến nhiều diện tích hoa màu của bà con.

Bà Nguyễn Thị Nga (trú thôn Lạc Thành Đông, xã Điện Hồng) cho hay, tình trạng sạt lở bờ sông Bình Phước đã diễn ra nhiều năm qua, mỗi khi vào mùa mưa bão thì bờ sông sạt lở nghiêm trọng hơn, trung bình mỗi năm sạt lở vào khoảng hơn 2 mét. Hiện nay cái chòi dựng để giết mổ gia cầm của gia đình bà có nguy cơ đổ sập xuống sông bất cứ lúc nào, bởi vì, bờ sông sạt lở ăn sâu vào bên trong.

“2 sào đất đang trồng đậu phộng của gia đình tôi cũng bị sạt lở hơn 2 mét đã tạo thành hàm ếch. Những năm qua, tôi thấy các đoàn về khảo sát, hứa bố trí kinh phi xây dựng kè nhưng đến vẫn chưa thấy gì”, bà Nga nói thêm.

Theo nhiều người dân thôn Lạc Thành Đông, đoạn sông Bình Phước xảy ra sạt lở có chiều dài gần 1km, trong khi đó dọc hai bờ sông Bình Phước có hàng trăm ha đất sản xuất hoa màu bà con. Do đó, người dân địa phương mong muốn các ngành chức năng sớm quan tâm, xây dựng kè cứng để hạn chế tình trạng sạt lở.

Một đoạn bờ sông Bình Phước sạt lở ăn sâu vào trong bờ.

Một đoạn bờ sông Bình Phước sạt lở ăn sâu vào trong bờ.

Tượng tự, bà Phạm Thị Vân (trú thôn Lạc Thành Đông, xã Điện Hồng) nói: “Gia đình tôi cũng có 2 sào đất hoa màu ở khu vực bờ sông này, nhưng vào mùa mưa năm ngoái, bờ sông sạt lở ăn sâu vào diện tích đất của tôi gần 2-3 mét. Chỉ vài cơn mưa bão nữa sẽ khiến toàn bộ khu đất này sạt lở xuống sông. Trước tình trạng này tôi và nhiều người dân khác đã báo cáo lên chính quyền địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa thấy các ngành chức năng có biện pháp chống sạt lở này”.

Ghi nhận tại đoạn sông Bình Phước, chúng tôi thấy một đoạn sông dài hơn 200 mét bị sạt lở ăn sâu vào đất sản xuất hoa màu của nhân dân, đoạn chảy qua xã Điện Hồng. Bên cạnh đó, các đoạn sạt lở bờ của bờ sông đã tạo thành hàm ếch hoặc bờ vực cao thẳng đứng hơn 2 mét.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Hồng cho biết, việc xảy ra sạt lở ven sông Bình Phước đã diễn ra nhiều năm qua và đã sạt lở ăn sâu vào trong bờ khoảng 700m. Tính từ năm 1999 đến nay đã có khoảng 25ha diện tích hoa màu của nhân dân bị sạt lở đất đổ sập xuống sông rồi bồi lấp sang bờ đối diện, khiến dòng sông bị thay đổi dòng chạy, trung bình mỗi năm sạt lở vào trong bờ từ 5 đến 10 mét. Ngoài ra, thôn Lạc Thành Tây của xã cũng bị sạt lở, có tổng chiều dài các điểm sạt lở hàng trăm mét”.

Bà Nguyễn Thị Nga chỉ bờ sông sạt lờ gần tới cái chòi mình.

Cũng theo ông Hồng, chính quyền địa phương đã kiến nghị sự việc này lên lãnh đạo thị xã Điện Bàn cũng như lãnh đạo tỉnh và đã có về khảo sát, nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Hiện giờ lo nhất là khoảng gần 3.000 ngôi mộ khu vực đó và trụ điện đường dây 500KV (cách bờ sông Bình Phước 50 mét) có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa bão sắp tới. Và tại khu vực đất sản xuất hoa màu của bà con địa phương ở khu vực dọc bờ sông có khoảng 70 ha”.

Ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho hay, nếu để kè 1km mà kè kiên cố chống sạt lở thì phải mất hơn 35 tỷ đồng/km, với nguồn kinh phí này đối với thị xã Điện Bàn là hết sức khó khăn. Do đó, những năm qua, tại các điểm sạt lở nhẹ thì thị xã Điện Bàn cũng khắc phục tạm và lãnh đạo thị xã cũng làm văn bản gửi cho UBND tỉnh Quảng Nam rồi tỉnh gửi ra Trung ương nhưng đến nay vẫn rất khó. Ước tính nếu kè cứng kiến cố toàn bộ điểm sạt lở trên địa bàn thị xã phải cần khoảng 1.000 tỷ đồng”.

Hải Đường

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/sat-lo-bo-song-de-doa-nhieu-tich-hoa-mau-cua-nguoi-dan_109480.html