Sát hơn, khả thi hơn

Trong các thành tựu về điều hành NSNN năm 2018 cũng như 3 năm của Kế hoạch Tài chính 5 năm 2016-2020, việc số thu nội địa luôn đạt và vượt dự toán là một điểm sáng.

Báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ đã dự kiến số thu năm nay có thể chiếm tới 82% tổng thu và tỷ lệ 84% vào năm 2020 theo nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội đã trong tầm tay.

Có thể nói, việc đảm bảo dự toán thu nội địa hết sức quan trọng, gắn với bền vững thu ngân sách và thực trạng nền kinh tế trong điều kiện chúng ta hội nhập. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đang bày tỏ lo lắng trước thực trạng số thu nội địa vượt dự toán nhưng số thu từ 3 khu vực kinh tế quan trọng là DNNN, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh lại không đạt. Năm 2018, khu vực DNNN chỉ đạt 97,1%; khu vực doanh nghiệp FDI đạt 84,9%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 97,8%.

Nhìn một cách khách quan dựa trên những con số mà Chính phủ nêu ra, tốc độ thu của cả 3 khu vực này đều tăng khá cao so với thực hiện năm 2017. Mức tăng lần lượt như sau: Khu vực DNNN thu tăng 9,7%; doanh nghiệp FDI tăng 10,4% và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 17,7%. Như vậy, tính chung tăng trưởng của 3 khu vực kinh tế này là 12,8%. Đây là mức tăng tích cực so với thực hiện năm 2017, so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và cả với tỷ lệ lạm phát.

Vậy vì sao các lĩnh vực trên số thu tăng hơn năm trước nhưng vẫn không đạt dự toán. Giải đáp câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng – ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho hay: Là do năm 2018 giao dự toán cao trên cơ sở đánh giá mức thực hiện cao nhưng thực tế kết quả hoạt động lại thấp hơn dự kiến. Bộ trưởng Bộ Tài chính liệt kê: Năm 2018 giao dự toán cho khu vực DNNN tăng so với năm 2017 là 13,1%; khu vực doanh nghiệp FDI là 30,1% và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giao tăng 20,4%.

Một nguyên nhân nữa là do việc giao dự toán năm 2018 cho 16 địa phương điều tiết về trung ương đều có mức tăng khá cao so với năm 2017. Cụ thể: Hà Nội dự toán giao thu nội địa năm 2018 tăng 24,5% so với năm 2017; Đà Nẵng tăng 24,8%; TP. HCM tăng 24,5%; Bình Dương tăng 27,7%; Đồng Nai tăng 19,7%, Bà Rịa- Vũng Tàu tăng 20,5%... Do đó, thực hiện dự toán năm 2018 ở cả 3 khu vực kinh tế đều không đạt dự toán.

Để khắc phục tình trạng này, trong giao dự toán năm 2019, Bộ Tài chính đã trình phải điều chỉnh lại ở các địa phương cho phù hợp, trong đó, vẫn đảm bảo mục tiêu chung của tăng thu nội địa, trong đó, thu nội địa còn lại (trừ các khoản thu từ đất, thu xổ số…) từ thuế, phí chỉ tăng 12,8%. Ví dụ Hà Nội, năm 2019 giao thu nội địa tăng 12,9% (năm 2018 tăng đến 24,5%); Hải Dương là 8,8%; Vĩnh Phúc 4,6%; Đà Nẵng 15,6%; TP. HCM còn 12,9% (năm 2018 là 24,5%)…

Việc điều chỉnh dự toán mức tăng thu năm 2019 được cho là sát với thực tế hơn, hỗ trợ các khu vực kinh tế hoàn thành nhiệm vụ đề ra nhưng vẫn không ảnh hưởng đến tiến độ tăng thu chung của cả nước.

Đông Mai

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/sat-hon-kha-thi-hon.aspx