Sát hại Fakhrizadeh: Cựu Giám đốc CIA nói thẳng?

Cựu Giám đốc CIA khẳng định đây là hành vi khủng bố được nhà nước tài trợ, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, kích động các hành vi tương tự.

Toán tính của Mỹ và Israel?

Ngày 27/11, Bộ Quốc phòng Iran cho biết ông Mohsen Fakhrizadeh, 59 tuổi, lãnh đạo Phòng Nghiên cứu và Đổi mới của bộ này và "đóng vai trò quan trọng trong các tiến bộ quốc phòng Iran”, đã không qua khỏi sau khi được nhập viện cấp cứu.

Chiếc xe chở nhà khoa học Fakhrizadeh bị phục kích trên một đại lộ ở ngoại ô Tehran, sau khi dừng lại vì “một vụ tai nạn”. Đúng lúc xe của ông dừng lại, một chiếc xe chứa chất nổ bên kia đường đã nổ tung, sau đó nhiều tay súng xuất hiện và bắn xối xả vào xe.

Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei tuyên bố nước này sẽ đáp trả, khẳng định công trình nghiên cứu của ông Fakhrizadeh sẽ tiếp tục được thực hiện.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ra thông cáo lên án “bàn tay tàn nhẫn” của Mỹ và Israel “đã vấy máu một người con của dân tộc”. Giới chính trị gia và quân sự Iran đồng loạt lên án vụ tấn công và thề báo thù.

Nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran Mohsen Fakhrizadeh (đầu tiên bên phải)

Nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran Mohsen Fakhrizadeh (đầu tiên bên phải)

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng như chủ tịch Quốc hội Mohammad Bagher Ghalibaf đều cáo buộc Israel nhúng tay vào vụ sát hại Mohsen Fakrizadeh bằng một cuộc tấn công được chuẩn bị rất tinh vi ở phía bắc thủ đô Tehran.

Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri ngày 27/11 đã cảnh báo về “sự trả thù tàn khốc” nhắm vào những kẻ ra tay tấn công và những người chịu trách nhiệm về vụ sát hại này.

Điều đáng chú ý, cách đây 2 năm, Thủ tướng Israel từng nhắc đến ông Mohsen Fakrizadeh, ngầm cho rằng nhà khoa học Iran là mục tiêu tương lai của Israel. Vụ sát hại Mohsen Fakrizadeh xảy ra 5 tháng sau vụ nổ ở khu hạt nhân Natanz, sự việc mà Tehran cũng đã cáo buộc Israel và Mỹ can dự.

Tờ New York Times dẫn lời giới chức tình báo Mỹ nhận định Israel đứng sau vụ việc này, một vụ việc ẩn chứa tất cả những dấu hiệu của một chiến dịch đã được Cơ quan tình báo Mossad của Israel "lên kế hoạch chính xác". Tờ báo Mỹ cho rằng Israel có thể ấp ủ mưu đồ khác liên quan thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trước khả năng ông Joe Biden sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ, Thủ tướng Israel Netanyahu đã tuyên bố: "Không thể quay lại thỏa thuận hạt nhân trước kia".

Ông Netanyahu tin rằng chương trình phát triển hạt nhân bí mật của Iran vẫn đang tiếp tục dưới sự điều hành của nhà khoa học Fakrizadeh cho đến trước khi ông này bị sát hại và chương trình này sẽ không bị hạn chế sau năm 2030, thời điểm mà những hạn chế của thỏa thuận hạt nhân Iran áp đặt đối với khả năng của nước này chế tạo nhiều nhiên liệu hạt nhân như mong muốn hết hiệu lực.

Thủ tướng Israel B. Netanyahu từng chỉ đích danh nhà khoa học Fakhrizadeh trong một lần cáo buộc Iran vẫn bí mật phát triển vũ khí hạt nhân

New York Times dẫn lời cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân Mark Fitzpatrick nói: "Lý do ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh không chỉ nhằm cản trở khả năng chiến tranh của Iran mà còn nhằm cản trở tiến trình ngoại giao". Tờ báo Mỹ cho rằng cả 2 lý do có thể đều đúng.

Tính toán của Mỹ ở đây có thể là sự phản ứng của Tehran. Nếu Iran không đáp trả thì vụ ám sát nhà khoa học Iran coi như là một thành công, cho dù vụ việc này có thể đẩy chương trình hạt nhân của Iran phát triển bí mật hơn nữa. Nếu Tehran đáp trả, Mỹ sẽ có cớ để tiến hành một cuộc tấn công trả đũa trước khi ông Trump rời nhiệm sở vào tháng 1/2021.

Chuyên gia Robert Malley, người đứng đầu Nhóm Khủng hoảng Quốc tế và là một trong những nhà đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, nhận định: “Mục tiêu của chính quyền ông Trump có vẻ rõ ràng, đó là tận dụng thời gian còn lại trước khi rời nhiệm sở để củng cố di sản của mình, đồng thời khiến người kế nhiệm khó nối lại chính sách ngoại giao với Iran và khó quay trở lại thỏa thuận hạt nhân".

Khủng bố cấp nhà nước?

Cho đến nay, Mỹ và Israel vẫn chưa chính thức lên tiếng về vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân Iran. Thay vào đó, chỉ có các cựu quan chức của hai nước mà truyền thông Mỹ nêu quan điểm.

Ngày 28/11, ông Tzachi Hanegbi, một bộ trưởng trong Nội các Israel và là đồng minh thân cận của Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh ông "không có manh mối" về kẻ đứng sau vụ ám sát nhà khoa học hàng đầu của Iran tại Tehran.

Phát biểu trong chương trình "Gặp mặt báo chí" của kênh N12, ông Hanegbi nói: "Tôi không có manh mối về kẻ đã gây ra điều đó... Không phải vì tôi phải chịu trách nhiệm nên tôi bị khóa miệng. Tôi thực sự không có manh mối".

Người dân Iran biểu tình phản đối vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh

Một ngày trước đó, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan cho rằng vụ ám sát ông Mohsen Fakhrizadeh có nguy cơ kích động xung đột trong khu vực.

Trên trang Twitter, ông Brennan nêu rõ: “Đây là một hành vi phạm tội và cực kỳ liều lĩnh. Hành vi này có nguy cơ dẫn đến sự đáp trả chết người và một chu kỳ xung đột khu vực mới”.

Cựu Giám đốc CIA khẳng định: “Một hành vi khủng bố được nhà nước tài trợ như vậy sẽ là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và kích động thêm nhiều chính phủ thực hiện những cuộc tấn công thảm khốc nhằm vào các quan chức nước ngoài”.

Bên cạnh đó, ông Brennan cũng kêu gọi Iran “kiềm chế trước làn sóng thúc giục” trả đũa và “chờ đợi sự trở lại của vai trò lãnh đạo có trách nhiệm của nước Mỹ trên vũ đài toàn cầu”, ám chỉ đến thắng lợi của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Người phát ngôn của Liên hợp quốc ngày 28/11 cho biết: "Chúng tôi hối thúc kiềm chế và cần phải tránh bất cứ hành động nào có thể dẫn tới căng thẳng gia tăng trong khu vực. Chúng tôi cũng lên án bất cứ vụ ám sát hay sát hại mà không qua xét xử".

Hồi đầu năm 2020, Mỹ đã không kích ám sát tướng Iran Qassem Soleimani tại Iraq

Tại khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ lên án vụ "ám sát tàn ác", kêu gọi đưa những kẻ liên quan đến vụ tấn công ra trước công lý. Thông báo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng hối thúc "tất cả các bên hành động với sự kiềm chế và kinh nghiệm".

Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad thì cáo buộc Israel và "những người ủng hộ nước này" đứng sau vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, một hành động mà ông cho rằng sẽ chỉ làm gia tăng thêm căng thẳng trong khu vực.

Ông Mekdad được truyền thông nhà nước Syria dẫn lời nói với đặc phái viên Iran tại Damascus rằng Syria tin rằng Tehran sẽ đương đầu với cái mà ông gọi là "hành động khủng bố".

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Qatar ra thông cáo cho hay, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã lên án vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân Fakhrizadeh trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran, Mohammad Jawad Zarif.

Ông Al-Thani gửi lời chia buồn của Qatar tới chính phủ và người dân Iran đồng thời kêu gọi tự kiềm chế sau vụ việc.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/sat-hai-fakhrizadeh-cuu-giam-doc-cia-noi-thang-3423431/