Sát cánh trên chiến trường khói lửa

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam, các chuyên gia Liên Xô đã luôn kề vai sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và Quân chủng Phòng không-Không quân nói riêng trên khắp các trận địa phòng không.

Có thể nói rằng, phải đối phó với các loại vũ khí tối tân và nhiễu điện tử của địch là một thách thức không nhỏ đối với bộ đội tên lửa Việt Nam vốn chưa hề tiếp xúc với kỹ thuật hiện đại. Bài học thu được nhiều khi phải trả bằng máu.

Cùng chung chiến hào

Từ tháng 12-1971 đến tháng 9-1972, Đại tá, kỹ sư A.Sozranov tham gia đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp Việt Nam với cương vị trưởng ngành tên lửa. Ông đã được tặng thưởng 10 huân chương, huy chương các loại, trong đó có Huy chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam. Vị chuyên gia này từng chia sẻ trong hồi ký: “Tôi đã có 300 ngày cùng ăn, cùng ở, cùng chiến hào với các bạn Việt Nam. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau trong công việc. Các chuyên gia Liên Xô đã phối hợp chặt chẽ với Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không-Không quân, làm việc chủ yếu vào ban đêm, di chuyển vào sáng sớm hoặc chiều tà, nghỉ ngơi vào ban ngày. Các chiến sĩ tên lửa Việt Nam làm việc rất nghiêm túc, thông thạo chuyên môn và trưởng thành nhanh qua thực tế chiến đấu. Trong bom đạn, tôi đã thấy hàng trăm người dân, thậm chí cả trẻ em cũng tham gia sửa đường, xây dựng trận địa tên lửa, đào hầm, bẻ lá ngụy trang... Thật đáng cảm phục!”.

 Đại tá A.Sozranov, chuyên gia tên lửa Liên Xô ở Việt Nam trong giai đoạn 1971-1972. Ảnh tư liệu

Đại tá A.Sozranov, chuyên gia tên lửa Liên Xô ở Việt Nam trong giai đoạn 1971-1972. Ảnh tư liệu

Cuối năm 1971, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ diễn ra ngày càng ác liệt trên toàn miền Bắc. Bom đạn Mỹ cũng nhằm cả vào các chuyên gia Liên Xô. Đêm 25-12-1971, nhóm chuyên gia của Đại tá Sozranov và các kỹ thuật viên Việt Nam đã chuẩn bị xong khí tài cho một tiểu đoàn tên lửa đang bố trí ở phía nam TP Vinh (Nghệ An). Sáng hôm sau, khi phát hiện mục tiêu bay vào, tiểu đoàn phóng hai quả tên lửa. Một máy bay địch bốc cháy nhưng trận địa của ta bị lộ. Một quả tên lửa chống bức xạ Shrike của Mỹ bắn vào gần đài điều khiển. Thấy các bạn Việt Nam vừa chạy đến vừa gọi to: “Đồng chí Viktor! Đồng chí Viktor!”, Đại tá Sozranov nhìn sang đã thấy Thiếu tá Viktor Makarokhin nằm ngay gần bên, máu chảy lênh láng khắp lưng và ngực trái. Thiếu tá Makarokhin được băng bó và chuyển ngay đến bệnh xá. Sau đó, anh được các bác sĩ của Quân y viện Quân khu 4 (nay là Bệnh viện Quân y 4, Cục Hậu cần, Quân khu 4) cùng với các bác sĩ từ Hà Nội vào (trong đó có Đại tá N.Romanov) tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, vì không có máy chụp X-quang nên kíp mổ đã không lấy hết được mảnh đạn trong người Thiếu tá Makarokhin. Sau khi ra viện, Thiếu tá Makarokhin tiếp tục tình nguyện ở lại Việt Nam làm nhiệm vụ thêm nửa năm nữa. Do tần suất các cơn đau tăng lên bởi các mảnh đạn vẫn còn trong người, Makarokhin buộc phải trở về Liên Xô và trải qua thêm hai ca mổ nữa nhưng vẫn không thể lấy hết được các mảnh đạn nằm ở gần tim và thận. Với thành tích trong chiến đấu, anh được Chính phủ Liên Xô tặng thưởng Huân chương Sao đỏ và chuyển ngành với quân hàm trung tá.

Trong hồi ký “Chúng tôi đã chiến đấu ở Việt Nam”, các chuyên gia Liên Xô đã nhấn mạnh nhiều lần: “Các chiến sĩ tên lửa Việt Nam với trình độ điêu luyện và kinh nghiệm chiến đấu cao đã nhanh chóng nắm bắt được các tính năng kỹ-chiến thuật của khí tài tên lửa. Sau đó, họ vận dụng thành thạo và rất sáng tạo khi đối đầu với các tình huống hết sức phức tạp do không quân Mỹ gây ra, bao gồm: Nhiều loại máy bay hiện đại nhất cùng ồ ạt đánh phá ở mọi độ cao cả ngày lẫn đêm, với đủ loại nhiễu điện tử công suất lớn trên mọi dải tần và các loại vũ khí mới nhất như tên lửa tự dẫn đường, bom laser, tên lửa và bom có điều khiển... Khi gặp những hỏng hóc phức tạp, tuy lúc đầu có lúng túng nhưng chỉ cần một lần chỉ dẫn là họ đã ghi nhớ và rút kinh nghiệm được ngay. Đây là phẩm chất mà ngay cả các trắc thủ tên lửa của Liên Xô không phải lúc nào cũng có được. Trong khi đó, tên lửa phòng không SA-75 Dvina (SAM-2) rất cồng kềnh, nặng nề và việc triển khai, thu hồi càng phức tạp hơn vào mùa mưa hay ở trận địa dã chiến”. Các bạn Liên Xô cũng rất ngạc nhiên khi thấy những chiến sĩ Việt Nam mảnh khảnh nhưng có sức mạnh phi thường, thao tác thuần thục, giữ an toàn cho cả khí tài và con người. Ngoài ra, họ cũng thừa nhận đã rút ra thêm nhiều kinh nghiệm từ thực tế chiến đấu ở Việt Nam.

Những chuyên gia - người thầy Liên Xô

Trong suốt hai cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ở miền Bắc Việt Nam, mỗi khi phía Mỹ đưa ra một loại vũ khí hoặc thiết bị điện tử mới thì các chuyên gia Liên Xô lại ngay lập tức cùng với các cán bộ kỹ thuật tên lửa Việt Nam bàn bạc, nghiên cứu biện pháp đối phó. Đã có 5 đoàn với hàng trăm chuyên gia Liên Xô sang giúp Việt Nam cải tiến khí tài tên lửa và đặc biệt là đều do kỹ sư I.Savkun dẫn đầu. Năm 1972, khi Mỹ leo thang đánh phá bằng nhiều loại vũ khí mới thì Chính phủ Liên Xô lại giúp ta cải tiến khí tài tên lửa giai đoạn 3 và chỉ trong thời gian ngắn đến tháng 4-1972, các chuyên gia bạn và cán bộ kỹ thuật Việt Nam đã cùng nhau hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn: Cải tiến xong 53 bộ khí tài tên lửa, hơn 300 bệ phóng và hàng trăm quả tên lửa, góp công lớn vào Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972.

Các chuyên gia tên lửa Liên Xô tại Việt Nam. Ảnh tư liệu

Kỹ sư Savkun là một người rất tận tụy và đôn hậu, luôn hăng hái thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cùng các đồng nghiệp Việt Nam. Trong thời tiết vô cùng nóng bức, nhiệt độ trên các xe khí tài thường xuyên lên tới hơn 40 độ C, ngay bản thân chings tôi phần lớn mới ngoài 20 tuổi mà cũng thấy mệt mỏi, huống hồ là những người từ xứ lạnh tới đây. Vậy mà tất cả các chuyên gia Liên Xô đều người nào việc nấy, miệt mài làm việc cùng đồng nghiệp Việt Nam. Bóng dáng cao lớn của kỹ sư Savkun thoắt ở chỗ này, lát sau đã thấy ở nơi khác, mặc dù lúc đó ông đã ngoài 50 tuổi. Khi tôi hỏi ông có mệt không, sức khỏe ra sao thì ông thân ái ôm vai tôi trả lời: “Nhân dân Việt Nam đang đổ bao xương máu chống quân xâm lược, chúng tôi có phải đổ bao mồ hôi cũng sẵn sàng vì Việt Nam để các bạn sớm giành thắng lợi cuối cùng”.

Vào những ngày lễ kỷ niệm của Liên Xô, chúng tôi và các chuyên gia lại cùng nhau hát vang những bài ca Xô viết bất hủ mà thời đó mọi người Việt Nam đều yêu mến như: Thời thanh niên sôi nổi, Kachiusa, Chiều hải cảng... bằng cả tiếng Việt và tiếng Nga. Rồi chúng tôi “chiêu đãi” bạn bằng những món ăn dân tộc, bao gồm xôi sắn, nem, cốm và nhiều loại hoa quả nhiệt đới như chuối, vải thiều, na, bưởi... mà các bạn rất thích. Trong quá trình làm việc, với mỗi thắc mắc về kỹ thuật, kỹ sư Savkun đều chú ý lắng nghe rồi trả lời rất cặn kẽ và luôn hỏi lại: “Các bạn trẻ đã hiểu kỹ chưa?”. Sau khi hoàn thành cải tiến một bộ khí tài, tổ chức rút kinh nghiệm chung giữa chuyên gia Liên Xô và cán bộ kỹ thuật Việt Nam thì ông luôn đưa ra những nhận xét chuẩn xác và bổ ích.

Chúng tôi đều rất khâm phục trình độ chuyên môn và tinh thần làm việc của các bạn Liên Xô nói chung và ông Savkun nói riêng. Kỹ sư Savkun chính là chuyên gia Liên Xô duy nhất được tặng thưởng đủ bộ 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba của nước ta. Rời Việt Nam lần cuối cùng năm 1974 từ sân bay Gia Lâm và phải nằm trên cáng vì bị ốm nặng, ông nói: “Có lẽ tôi không còn đủ sức trở lại đây nữa rồi, hãy đỡ tôi dậy để tôi được nhìn đất nước Việt Nam lần cuối, mảnh đất thân yêu gắn bó với tôi trong những năm khói lửa”. Khi nghe ông nói thế và chứng kiến cảnh ông cố gượng ngồi dậy, hướng ánh mắt nhìn về phía những rặng tre cùng cánh đồng lúa xanh mướt quanh sân bay, chúng tôi ai nấy đều vô cùng xúc động.

Cùng với kỹ sư Savkun, đã có hơn 10.000 chuyên gia Liên Xô về tên lửa, radar, tác chiến điện tử và nhiều quân, binh chủng khác cùng chung chiến hào với quân và dân Việt Nam trên chiến trường chống lại những cuộc đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Vượt lên mọi khó khăn, nguy hiểm, các chuyên gia Liên Xô vẫn tận tụy quên mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả. Trong đó, 16 chuyên gia đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ và hơn 3.000 lượt người được Đảng, Nhà nước Việt Nam tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý.

NGUYỄN THỤY ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-nuoc-nga-trong-trai-tim-toi-nam-2020/sat-canh-tren-chien-truong-khoi-lua-642176