Sarmat: Chuyện gì xảy ra, nếu tên lửa 'thô' bay nhầm...sang Úc?

Liệu có thể đưa những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa còn chưa qua toàn bộ quy trình thử nghiệm cần thiết vào trực chiến?

Chúng tôi vừa mới giới thiệu bài viết của chuyên gia quân sự Nga Ilia Polonski với tiêu đề 'Washington hiểu 10 quả Sarmat đủ xóa sổ toàn nước Mỹ' nhân tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexey Krivoruchko về việc trong năm 2021 tới Nga sẽ đưa tên lửa “Sarmat” vào trực chiến.

Để có cái nhìn đa chiều, xin giới thiệu những nhận định từ góc độ chuyên môn kỹ thuật của chuyên gia quân sự Nga, nguyên kỹ sư trưởng TSNIIMASH (Viện khoa học- nghiên cứu chế tạo máy Trung ương-một trung tâm khoa học- nghiên cứu thiết kế chế tạo tên lửa-ND) với tiêu đề và phụ đề trên.

Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 5/1/2020. Chúng tôi có thêm ảnh Công trình sư Vladmir Chelomey và một số chú giải. Các phần in đậm là của tác giả.

Tổ hợp tên lửa phóng từ hầm phóng “Sarmat” RS-28 của Nga với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng nhiên liệu lỏng (Ảnh: chụp màn hình / Cơ quan báo chí của Bộ Quốc phòng LB Nga / TASS)

Tổ hợp tên lửa phóng từ hầm phóng “Sarmat” RS-28 của Nga với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng nhiên liệu lỏng (Ảnh: chụp màn hình / Cơ quan báo chí của Bộ Quốc phòng LB Nga / TASS)

Cuối tuần trước, Tổng giám đốc kiêm Tổng công trình sư Tập đoàn khoa học- sản xuất (NPO) thuộc Tập đoàn “Vũ khí Tên lửa Chiến thuật” Nga Aleksandr Leonov thổ lộ với báo chí:

Bộ Quốc phòng LB Nga mới giao cho Tập đoàn này nhiệm vụ tăng hạn (kéo dài tuổi thọ-ND) các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa 15A35 UR-100N UTTKh ("Stiletto" theo định danh của NATO).

Đây là một thông tin cực kỳ quan trọng và cùng với đó, cũng cực kỳ gây lo ngại. Vấn đề là ở chỗ các tên lửa trên chính là những tên lửa được lắp các khối tác chiến cơ động siêu thanh (M>5) “Avangard”.

Và bất kỳ một sự tăng hạn nào vượt quá ranh giới được thiết kế (quá tuổi thọ theo thiết kế-ND) đều có thể làm giảm độ tin cậy của một tổ hợp kỹ thuật quân sự rất phức tạp như vậy.

Đó (giảm độ tin cậy-ND) chính là những gì mà chúng ta đang được chứng kiến tại Mỹ- những lần phóng thử nghiệm kiểm tra các tên lửa đạn đạo phóng từ hầm phóng trên mặt đất “Minuteman-3” đã không đem lại các kết quả đảm bảo độ tin cậy một trăm phần trăm.

Những tên lửa này của Mỹ được đưa vào trực chiến trong các năm từ 1970 đến 1978. Chúng đã được hiện đại hóa nhiều lần, đã được tăng hạn sử dụng một số lần. Lần tăng hạn cuối cùng- cho phép trực chiến đến năm 2020.

Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn sẽ có thêm một lần tăng hạn nữa. Nhưng với người Mỹ, có thể nói rằng, chuyện này không có gì đáng sợ lắm, vì thành tố chính trong Bộ ba hạt nhân của họ là thành tố biển (chứ không phải là “Minuteman-3”-ND).

Nhưng với Nga, (thành tố quan trọng nhất của Bộ ba hạt nhân)- đó lại là thành tố mặt đất. Thêm nữa, một khối tác chiến siêu hiện đại mà lại được lắp cho một tên lửa, như người ta thường nói, vào lúc nó đã quá “già nua”.

Nói cho đúng ra thì với tên lửa "Stiletto", tình hình không đến nỗi quá nghiêm trọng như với tên lửa “Minuteman-3” của Mỹ.

Tên lửa ("Stiletto") được thiết kế tại Phòng thiết kế - thử nghiệm số 53 (OKB-52) (tên gọi của NPO chế tạo máy khi đó) dưới sự lãnh đạo của Tổng công trình sư Vladimir Nikolayevich Chelomey (ảnh dưới-ND) trong thập niên 70. Tên lửa này ("Stiletto") là phiên bản hiện đại hóa từ tên lửa UR-100N (УР-100Н).

Nó được đưa vào trực chiến tháng 12 năm 1979. Được sản xuất hàng loạt đến năm 1985. Tổng cộng đã có 360 quả tên lửa UR-100N UTTKh được bàn giao cho Bộ đội Tên lửa chiến lược (RVSN).

Vladimir Nhikolaievich Chelomey (1914-1984)- Tổng công trình sư kỹ thuật tên lửa và công nghệ vũ trụ, nhà khoa học cơ khí và điều khiển học, Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (1962). Hai lần Anh hùng XHCN (1959, 1963). Giải thưởng Lenin và ba giải thưởng Nhà nước Liên Xô.

Cần phải nói rõ rằng UR-100N UTTKh đã được tăng hạn một số lần, vì hạn sử dụng theo thiết kế khi sản xuất hàng loạt chỉ là 10 năm. Sở dĩ như vậy (hạn sử dụng chỉ có 10 năm) là vì trong những năm 80 đó Liên Xô có đủ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ mặt đất.

Lại đang tiếp tục thiết kế các mẫu tên lửa mới. Tuy nhiên, sau đó là thập niên 90, khi ngành công nghiệp quốc phòng gẩn như ngắc ngoải. Vì thể phải tăng hạn lên đến 35 năm.

Nhưng thời hạn đó (35 năm-ND) cũng sắp kết thúc. Thành thử, sẽ phải tăng hạn thêm ít nhất 5 năm nữa. Tức sẽ phải “thay máu” nhiên liệu và chất oxy hóa, thực hiện các công đoạn (tăng hạn) cần thiết với các thiết bị trong hệ thống điều khiển...

Tuy nhiên, mới chỉ mới ba năm trước đây, đã không một ai tính đến một viễn cảnh như vậy. Khi đó, đã lập các kế hoạch thanh lý kiểu vũ khí đã từng rất đáng gờm này. Bởi vì nó sẽ được thay thế bằng một kiểu vũ khí thậm chí còn đáng sợ hơn nữa – tên lửa đạn đạo xuyên lục địa “Sarmat”.

Tuy vậy, như những gì chúng ta đang thấy mọi lúc mọi nơi trên khắp nước Nga, mốc thời gian đưa “Sarmat” vào trang bị đã bị lùi hết lần này đến lần khác. Và không thể hiểu một cách chắc chắn là sẽ chậm tiến độ đến bao nhiêu năm.

Hơn thế nữa, tên lửa “Sarmat” cũng còn sẽ phải dần thay thế một kiểu tên lửa còn đáng sợ hơn nhiều so với UR-100N UTTKh “Sletico”- đó là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa “Voevoda”, - kiểu tên lửa được Phương Tây “vinh danh” là “Quỷ Sa tăng”.

Đây (“Voevoda”) là kiểu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mạnh nhất thế giới với trọng lượng phóng 211 tấn, tải trọng hữu ích (nôm na- trọng lượng đầu tác chiến-ND) 8.800 kg. Được lắp 8 đầu đạn tự tách công suất 1 MT.

Được trang bị tổ hợp chọc thủng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương- gồm các mục tiêu giả như thật và các máy phát nhiễu chủ động. Sai số xác xuất vòng tròn (cự ly lệch mục tiêu tối đa- ND)- 220 m.

Nhưng dù (mạnh như)vậy, hạn sử dụng của những tên lửa này (“Voevoda”) cũng đã gần đến ngưỡng. Chúng được đưa vào trang bị năm 1988. Cũng đã được tăng hạn, lần lượt lên từng nấc một - 15, 18, 20 và 27 năm.

Nhưng tăng hạn “Satan” vào lúc này– đó là một nhiệm vụ tương đối khó thực hiện, bởi vì tên lửa này được thiết kế tại Phòng thiết kế- thử nghiệm “Yuzhnoye” (các tổng công trình sư thiết kế nó - 1969-1971: M.K Yangel và từ năm 1971: V.F. Utkin –ND) tại thành phố Dnepropetrovsk và cũng được sản xuất tại đó (Ucraine-ND)- tại nhà máy “Yuzhmash”.

Vì vậy, chắc chắn là không thể trông chờ gì vào sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía người Ucraine. Đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia cho rằng tên lửa (“Voevoda”) chỉ có thể “yên tâm” trực chiến đến năm 2022.

Lại nữa, chúng ta (Nga) cũng không thể đặc biệt kỳ vọng là tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko mới đây sẽ trở thành sự thật. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí “Công nghệ vô tuyến điện tử”, ông này có khẳng định rằng tên lửa “Sarmat” sẽ bắt đầu được bàn giao cho RVSN ngay trong năm 2021 tới.

Để đánh giá đúng xác xuất phát triển của các sự kiện như vậy (mức độ đáng tin cậy của tuyên bố của Thứ trưởng A.Krivoruchko-ND), cần phải so sánh lịch sử các lần thử nghiệm "Voevoda " và "Sarmat".

Nhưng trước hết cần lưu ý rằng tên lửa “Voevoda” R-36M2- đấy là không phải là tên lửa được thiết kế mới từ đầu, mà là phiên bản cải tiến của một kiểu tên lửa đã qua 62 lần thử nghiệm bay và được đưa vào trang bị trước đó- tên lửa R-36M UTTKh.

Còn chính bản thân tên lửa “Voevoda”- nó đã được thử nghiệm 43 lần, tổng thời gian thử nghiệm- mất hai năm rưỡi.

RS-28 "Sarmat" - một tên lửa hoàn toàn mới, không hề có một tý "dấu vết Ucraine" nào. Nó là sản phẩm của Phòng Thiết kế Miass mang tên (Viện sỹ) Makeev hợp tác với Tập đoàn Khoa học- Sản xuất (NPO) chế tạo máy tại thành phố Reutov. Và vì vậy, (do hoàn toàn mới-ND) nên nó cần phải được thử nghiệm cực kỳ cẩn thận.

Tuy nhiên, tình hình đến thời điểm hiện tai, nói một cách “mềm mại” nhất, là rất khó hiểu. Mọi công tác thiết kế tên lửa đã được hoàn thành từ năm 2016.

Vào cuối năm 2017 và trong quý đầu của năm 2018, đã tiến hành các lần thử nghiệm phóng tên lửa ra khỏi hầm phóng (còn gọi là thử nghiệm phóng ném- tức chỉ phóng đẩy tên lửa ra khỏi hầm phóng để kiểm tra hoạt động của các động cơ đẩy tên lửa ra khỏi hầm phóng và việc khởi động động cơ tầng một của tên lửa).

Sau đó, có thông tin về việc đã hoàn thành thành công các lần thử nghiệm phóng tên lửa khỏi hầm phóng và đã chuyển sang giai đoạn thử nghiệm bay. Tức là chuẩn bị để phóng tên lửa từ trường bắn phía Tây sang hướng Đông- tên lửa sẽ bay ngang qua nước Nga.

Và thậm chí còn đưa những con số rất cụ thể: trong năm 2019-2021, dự kiến sẽ tiến hành 2 lần thử nghiệm bay cho “Sarmat”. Tuy nhiên, trong năm ngoái, chúng ta đã không hề thấy gì.

Người ta thường viện vào sự tuyệt mật của tất cả những gì liên quan đến tên lửa mới. Và vì thế nên cho rằng tên lửa trên đã được bí mật phóng từ trường bắn Plesetsk (vùng Arkhangelsk- cực Tây Bắc Nga-ND) theo hướng Đông sang trường bắn Kura (Kamchatka- Viễn Đông Nga-ND).

Tuy nhiên, không thể giấu cái kim trong bọc. (Bởi vì) tất cả các lần phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đều được (bị) Hệ thống cảnh báo đòn tấn công tên lửa của Mỹ giám sát. Sau đó, thông tin (về lần phóng đó) sẽ được (Mỹ) công bố công khai trước bàn dân thiên hạ.

Và thêm nữa, không thể phóng tên lửa một cách bi mật được, vì một vụ phóng không báo trước có thể bị phía Mỹ xác định là một cuộc tấn công tên lửa hạt nhân nhằm vào Mỹ (cùng những hậu quả khủng khiếp kèm theo-ND).

Cùng thời gian đó, nhà máy chế tạo máy Krasnoyarsk gấp rút chuẩn bị triển khai sản xuất hàng loạt tên lửa “Sarmat”.

Để thực hiện nhiệm vụ này, trước đây một năm đã cho cải tạo các cơ sở sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất lao động. Đã bắt đầu tuyển và tiếp nhận nhân sự mới, chuyển từ chế độ làm việc hai ca/ngày sang chế độ làm việc ba ca/ngày.

Nhưng vào thời điểm hiện tại thì nhà máy Krasnmash (nhà máy chế tạo máy Krasnoyarsk) này lại đang phải tập trung toàn bộ năng lực sản xuất để hoàn thành đơn hàng chế tạo tên lửa đạn đạo cho tàu ngầm “Sinheva” và các mô-đun tăng tốc cho tên lửa đẩy “Proton”.

Không hề có một thông tin nào về việc Krasnmash nói trên đã sản xuất được bao nhiêu tên lửa “Sarmat” để phục vụ thử nghiệm- đó là bí mật quân sự.

Nhưng hoàn toàn có thể khẳng định rằng, chắc chắn đó không phải là 62 (quả để thử nghiệm), như với các lần thử nghiệm R-36M UTTKh. Và thậm chí cũng không phải là 43 (quả), như đối với "Voevoda".

Dự kiến trong năm đầu tiên triển khai tổ hợp RS-28, (Nga) sẽ đưa hai (2) quả tên lửa “Sarmat” vào hầm phóng (trực chiến). Tất nhiên, Nga thừa sức thực hiện nhiệm vụ này.

Nhưng làm sao lại có thế đưa chúng vào trực chiến thử nghiệm, nếu như chưa tiến hành tất cả các thử nghiệm bay cần thiết? Lỡ không may tên lửa bay “lạc” đến nước Úc đang chịu nhiều đau khổ (vì cháy rừng) thì sao?

Vâng, khi và chỉ khi đã hoàn thành thành công toàn bộ “quy trình” thử nghiệm, và điều này chắc chắn sẽ làm được (hoàn thành các thử nghiệm), đến lúc ấy (Nga) mới có thể tự tin tuyên bố rằng tên lửa “Sarmat”- đấy là một tên lửa độc nhất vô nhị, không có đối thủ xứng tầm trên thế giới.

Được trang bị khối tác chiến cơ động siêu thanh “Avangard”, nó (“Sarmat”) là bất khả xâm phạm trước tất cả các tổ hợp tên lửa đánh chặn (tên lửa) đang có trong hiện tại lẫn sẽ có trong tương lai trên thế giới.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/sarmat-chuyen-gi-xay-ra-neu-ten-lua-tho-bay-nhamsang-uc-3396381/