Sargon xứ Akkad: Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử

Sargon xứ Akkad là người đã thành lập đế chế đầu tiên trên thế giới tại vùng Lưỡng Hà. Ông thiết lập một bộ máy cai trị được tổ chức chặt chẽ và thúc đẩy hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa trong khu vực.

Sargon đang nói chuyện với thuộc hạ của mình. Ảnh: Deviant Art.

Sargon đang nói chuyện với thuộc hạ của mình. Ảnh: Deviant Art.

Đế quốc đầu tiên trong lịch sử

Khoảng 12.000 năm trước, con người đã chuyển đổi từ xã hội săn bắn hái lượm sang xã hội dựa vào nông nghiệp. Họ bắt đầu sống trong các cộng đồng ngày càng lớn hơn và dần hình thành những nền văn minh đầu tiên. Nhiều ngôi làng thời kỳ đồ đá mới phát triển thịnh vượng ở vùng Lưỡng Hà sau năm 6000 trước Công nguyên. Nguyên nhân là do khu vực này có đất đai màu mỡ và nguồn nước dồi dào bắt nguồn từ hai con sông Tigris và Euphrates.

Nền văn minh đầu tiên được biết đến là nền văn minh của người Sumer ở phía Nam Lưỡng Hà. Những nền văn minh khác hình thành sau đó, bao gồm các thành bang [thành phố tồn tại như những quốc gia độc lập] của người Akkad, hình thành ở phía Bắc khu vực sinh sống của người Sumer.

Truyền thuyết kể lại rằng, một nữ tư tế Akkad có nhiệm vụ trông nom đền thờ đã mang thai đứa con ngoài giá thú. Do không thể giữ đứa trẻ, người phụ nữ này buộc phải để con trai mình trong chiếc giỏ thả trôi trên sông Euphrates. Một người đàn ông tên Akki đã vớt đứa trẻ lên, mang về nhà nuôi và đặt tên nó là Sargon.

Akki là thợ làm vườn cho Ur-Zababa, người đứng đầu thành bang Kish của người Sumer. Do đó khi lớn lên, Sargon có điều kiện trở thành người hầu rượu thân cận của Ur-Zababa. Lợi dụng mâu thuẫn và cuộc chiến diễn ra giữa các thành bang Ur và Uruk của người Sumer ở phía nam chống lại thành bang Kish, Sargon đã nổi dậy và chiếm đoạt quyền cai trị Kish của Ur-Zababa. Sau đó, Sargon bắt đầu phát triển thành phố và xây dựng một đội quân hùng mạnh. Ông bắt đầu đi chinh phục các vùng đất khác kể từ năm 2350 trước Công nguyên.

Vào thời kỳ này, khu vực Lưỡng Hà thường xảy ra những xung đột và chiến tranh giữa các thành bang do mẫu thuẫn trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Sargon đã sử dụng quân đội của mình để chấm dứt những xung đột bằng cách chinh phục lần lượt từng thành bang của người Sumer do Lrifzagesi cai trị, đồng thời phá hủy tất cả các bức tường phòng thủ của họ. Một số tài liệu lịch sử kể lại rằng, Sargon đã chiến thắng tổng cộng 34 trận chiến trên đường hành quân đến Vịnh Ba Tư, nơi ông rửa vũ khí trên biển.

Bản đồ Đế quốc Akkad. Ảnh: Wikimedia.

Sau khi trải qua các cuộc chiến, vùng đất Sargon nắm quyền kiểm soát bao gồm hầu hết khu vực Lưỡng Hà và các phần lãnh thổ ở Levant [một vùng đất rộng lớn thuộc phía Đông Địa Trung Hải]. Sargon thành lập Đế quốc Akkad vào năm 2334 trước Công nguyên, với trung tâm nằm ở thành phố Akkad [hoặc tên gọi khác là thành phố Agade]. Sau này, ông được gọi là Sargon xứ Akkad, hay Sargon Đại đế.

Người lãnh đạo tài năng

Không chỉ là một chiến binh giỏi, Sargon còn là một vị hoàng đế tài năng. Ông duy trì đế chế của mình bằng cách cử những người đàn ông Akkad giỏi nhất, trung thành nhất mang binh lính đến cai trị các thành phố khác nhau của người Sumer, theo Ancient Origins. Những thủ lĩnh này được gọi là “Công dân của Akkad” trong các tài liệu ghi chép của người Babylon. Bất cứ khi nào Sargon chinh phục một thành phố mới, ông nhanh chóng thiết lập nó trở thành một “thành trì” do người Akkad nắm quyền kiểm soát.

Ngoài ra, Sargon đã biến ngôn ngữ của người Akkad trở thành ngôn ngữ chính thức trên khắp khu vực Lưỡng Hà. Sau khi thống nhất vương quốc và loại bỏ rào cản về ngôn ngữ, Sargon thúc đẩy thương mại phát triển không chỉ trong khu vực Lưỡng Hà mà còn lan rộng sang các vùng đất xa hơn. Người Ấn Độ đã mang ngọc trai, ngà voi và nhiều báu vật khác đến Lưỡng Hà để đổi lấy các hàng hóa như len và dầu ô liu. Kim loại quý như bạc và đồng được dùng làm tiền tệ cho các thương nhân. Thời kỳ này chưa xuất hiện tiền đúc, thay vào đó kim loại được cân để xác định giá trị của nó.

Sargon đã kiểm soát toàn bộ tuyến đường thương mại đi qua vương quốc của mình. Ông sử dụng khoản thuế thu được từ các thương nhân để trả tiền cho binh lính, các nghệ sĩ và những người chuyên ghi chép của hoàng gia. Họ có nhiệm vụ tôn vinh việc làm của Sargon trong các tác phẩm điêu khắc và chữ khắc.

Sargon cũng xây dựng thêm nhiều con đường mới, tiến hành nhiều cải cách để phát triển thủy lợi, nghệ thuật và khoa học. Dưới sự cai trị của ông, Đế quốc Akkad trở nên giàu có và quyền lực nhất thế giới. Không có người dân phải đi ăn xin, những góa phụ và trẻ mồ côi đều được bảo vệ.

Theo các nhà sử học, nguyên nhân khiến Đế quốc Akkad sụp đổ vào khoảng năm 2150 trước Công nguyên là do sự xâm lược của người Guti – sống ở vùng núi Zagros – kết hợp với những cuộc nổi dậy của các thành bang từng bị Sargon chinh phục trước đó.

Câu chuyện Đế quốc Akkad bị tiêu diệt chủ yếu do những cuộc nổi loạn từ bên trong chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp khác của lịch sử. Khi một nhóm người bị xâm lược, buộc phải sống dưới một luật lệ khác, họ thường tìm mọi cách để đánh trả, lật đổ những vị vua đang cố gắng cai trị họ.

Sargon được coi là người đầu tiên trong lịch sử lập nên một đế chế tập quyền đa chủng tộc. Phương pháp cai trị của ông là bài học kinh nghiệm cho các vị vua của những đế chế khác trong tương lai. Ông cũng là người truyền cảm hứng cho những cuộc chinh phục lớn sau này, ví dụ người La Mã chinh phục Hy Lạp và người Mông Cổ chinh phục Trung Quốc.

Sau khi Đế quốc Akkad tan rã, khu vực Lưỡng Hà hình thành hai cường quốc riêng biệt nói tiếng Akkad là Assyria ở phía Bắc và Babylon ở phía Nam. Sargon trở thành chủ đề cho những câu chuyện huyền thoại trong văn học của người Assyrian và Babylon. Các tác phẩm đều tập trung vào nghị lực của Sargon, vươn lên từ thân phận người hầu thấp hèn cho đến khi trở thành vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử.

Theo khoahocphattrien.vn

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/sargon-xu-akkad-hoang-de-dau-tien-trong-lich-su/20190721033045653