Sardinia, hòn đảo giàu văn hóa bậc nhất nước Ý

Chuyến bay đưa chúng tôi đến với hòn đảo Sardinia hạ cánh xuống phi trường Cagliari Elmas lúc xế chiều. Tháng 5, thời tiết nước Ý đang vào lúc đẹp nhất. Trên con tàu từ sân bay vào trung tâm thành phố Cagliari, các hành khách nữ đã diện những bộ trang phục mùa hè mới mẻ và bắt mắt. Sardinia được bao bọc bởi đảo Corsica của Pháp, Tunisia và quần đảo Balearic của Tây Ban Nha. Theo hiến pháp Ý, hòn đảo được trao quyền tự trị.

Đảo Sardinia có diện tích tương đương với vùng Đông Nam bộ ở Việt Nam nhưng có đến ba sân bay để phục vụ được lượng du khách đông đảo từ khắp nơi đổ đến. Sân bay nằm sát thủ phủ Cagliari tất nhiên lớn nhất và hiện đại nhất.

Nhìn đâu cũng thấy di tích và cảnh đẹp

Cagliari với hơn nửa triệu dân là thành phố lưng dựa núi, mặt hướng biển. Đô thị hơn ngàn năm tuổi này bảo tồn rất tốt các công trình kiến trúc của từng thời kỳ. Chúng tôi dành cả ngày để khám phá các ngõ nhỏ cổ kính trong khu phố cổ, những con phố sang trọng rộng rãi ở khu phố mới. Do có nhiều công trình được xây bằng thạch anh nên khi du khách càng tới gần càng thấy những con phố và quảng trường lấp lánh hơn dưới nắng.

Là tiêu điểm của thành phố, thành cổ bằng đá uy nghi Il Castello tựa như mũi tên khổng lồ đang vút lên từ đường chân trời.

Cagliari về đêm.

Cagliari về đêm.

Tuy nhiên, làm nên sức hấp dẫn của Cagliari chủ yếu là những thắng cảnh độc đáo ở ngoại vi. Phía nam thành phố là những bãi biển nước trong veo, cát trắng mịn như tuyết. Bãi biển Alghero nổi tiếng với những trang sức bằng san hô đỏ đặc sắc và hang động Grotta di Nettuno (tiếng Việt nghĩa là “hang đá của thần biển”).

Grotta di Nettuno khác hẳn những hang động tôi từng đến ở chỗ có mặt nước màu xanh biếc phản chiếu những chùm thạch nhũ sắc cam nổi bật. Lối vào hang động chỉ cao 1m so với mực nước biển và du khách chỉ được phép khám phá Nettuno khi mặt biển tĩnh lặng.

Ở sâu dưới nước còn có nhiều hang động ngóc ngách tuyệt đẹp là thiên đường dành cho dân mê lặn biển – nổi tiếng nhất là hang Nereo được hàng nghìn thợ lặn đến thăm mỗi năm.

Hang động Grotta di Nettuno với mặt nước xanh biếc phản chiếu chùm thạch nhũ sắc cam.

Không hẳn chỉ khám phá vẻ đẹp kỳ ảo dưới đại dương, nhiều thợ lặn đến đây vì lời đồn hấp dẫn về những xác tàu đắm. Khối lượng châu báu, cổ vật mà những con tàu xấu số đã đem theo xuống đáy biển qua câu chuyện truyền miệng trong các quán bar dọc bờ biển khó kiểm chứng. Vậy mà không ít du khách thích phiêu lưu vẫn tham gia chương trình giải cứu xác tàu, có lẽ để tìm cảm giác mạo hiểm nhiều hơn là tìm châu báu.

Một bãi biển đẹp ở phía nam thành phố Cagliari Tham quan các vùng mỏ ở quanh.

Cagliari cũng khá thú vị. Cách đây gần một thế kỷ, toàn Sardinia có 59 mỏ kim loại lớn. Trong đó, mỏ Iglesias gần thủ phủ có tuổi đời lên đến 8.000 năm. Với bề dày như vậy, mỏ này là nhân chứng lịch sử của nhiều triều đại và cũng là địa điểm yêu thích của các nhà khảo cổ vì còn lưu giữ nhiều vết tích của cuộc sống con người vào thời kỳ mới biết sử dụng kim loại.

Với dân du lịch, Iglesias là nơi đi bộ – leo núi tuyệt vời do phong cảnh nơi đây rất đẹp và đa dạng. Cung đường bao quanh vùng mỏ có đoạn băng ngang đồng quê với làng cổ, trang trại xanh tươi, có đoạn chỉ toàn đồi đá gồ ghề, có đoạn đi qua các vịnh biển cắt xẻ ngoạn mục…

Khu mỏ bỏ hoang trên đảo.

Khám phá tòa thành Barumini gần 4.000 năm tuổi

Ngày thứ ba trên đảo, chúng tôi thuê xe đến Barumini – một di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1997. Đi từ xa, tòa thành Barumini đã đập vào mắt mọi người với những tháp lũy uy nghi, có phần đổ nát nên trông càng huyền bí.

Mua vé tham quan hết 11 euro/người, cả nhóm theo chân các nhà khảo cổ về miền quá khứ xa xưa. Di sản là một quần thể công trình kiến trúc cổ hình nón bắt đầu hình thành từ thế kỷ 17 trước Công nguyên (CN).

Barumini – di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Tất cả đều được xây dựng bằng đá bazan, đá sa thạch vàng óng. Điều đặc biệt là các tảng đá chỉ được ghép vào nhau không hề có vật liệu kết dính. Mặc dù vậy, pháo đài phòng thủ của quần thể này rất kiên cố. Nền văn minh Nuragic từng phát triển rực rỡ trên đảo giờ vẫn khiến hậu thế phải nghiêng mình kính phục.

Theo các nhà khảo cổ, vào thời phồn thịnh nhất của người Nuragic, toàn đảo Sardinia có đến 7.000 tòa thành như thế này, tất nhiên là với quy mô nhỏ hơn khá nhiều.

Phố biển buổi xế chiều.

Phần cổ xưa nhất của Barumini là một tòa tháp trung tâm xây bằng các khối đá lớn với ba tầng, cao 18,6m, được xây dựng trong khoảng giữa thế kỷ 17 và 13 trước CN. Trong thời đại đồ đồng muộn, bốn tòa tháp được nối với một bức tường có ban công phía trên (không còn tồn tại) được xây dựng xung quanh tòa tháp trung tâm, tất cả đều dẫn đến một sân trong – nơi có một cái giếng.

Các nhà khảo cổ khác tin rằng, phần lâu đời nhất của quần thể được dành cho mục đích tôn giáo, là nơi ẩn náu của người dân hoặc có thể là nơi hội họp của làng, trong khi các tòa tháp được thêm vào sau này có lẽ nhằm mục đích quân sự và làm kho chứa.

Bến cảng tấp nập của thủ phủ đảo Sardinia.

Một ngôi làng được xây dựng xung quanh tòa tháp có niên đại từ thời kỳ đồ đồng. Số lượng nhà trong làng có lẽ dao động từ 40-200 nên dân cư dự đoán tại đây khoảng 100-1.000 người. Mỗi ngôi nhà được xây trên địa hình bằng phẳng có cấu trúc hình tròn bằng đá khổ lớn, mái bằng gỗ và cành cây. Mặc dù từng được tạo thành một dãy nhà nhưng sau đó xu hướng phổ biến là xây các ngôi nhà đơn lẻ.

Vùng biển bao quanh đảo có màu xanh như cẩm thạch.

Một số nhà lều có cấu trúc lớn hơn dùng cho các cuộc họp dân và có những biểu tượng của các vị thần được người dân địa phương thờ phụng. Các căn nhà còn lại là nhà xưởng, nhà bếp và xưởng chế biến nông sản. Trong thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 8 trước CN, một hệ thống thoát nước được xây dựng cùng với đường và quảng trường lát đá.

Du khách có thể khám phá các vách đá ngoạn mục trên đảo bằng những bậc thang được xây cẩn thận.

Thế kỷ 6 trước CN, các tòa nhà bị phá hủy và sau đó được người Carthage cổ đại khôi phục trước khi Sardinia bị người La Mã chiếm đóng. Cuối cùng, quần thể hoàn toàn bị bỏ rơi và chìm vào quên lãng trong hàng ngàn năm.

Bích Hạnh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/sardinia-hon-dao-giau-van-hoa-bac-nhat-nuoc-y-18262.html