Sarayuth: Thời HLV Park, Việt Nam rất nguy hiểm với Thái Lan

Sarayuth Chaikamdee, người có 31 bàn thắng cho tuyển Thái Lan, khẳng định HLV Park Hang-seo nâng tầm bóng đá Việt Nam trong những năm qua.

Trước trận chung kết lượt về AFF Cup 2022, Zing có cuộc trò chuyện với ông Sarayuth Chaikamdee, người đứng thứ 4 trong danh sách ghi bàn hàng đầu của tuyển Thái Lan (31 bàn).

Đối đầu Thái Lan trên sân Thammasat chính là trận đấu cuối cùng HLV Park Hang-seo dẫn dắt tuyển Việt Nam. Chiến lược gia người Hàn Quốc được xem là HLV thành công nhất lịch sử đội tuyển với hai lần vào chung kết AFF Cup và đã vô địch một lần.

Đối với Sarayuth, Park Hang-seo là một HLV đẳng cấp, người đã nâng tầm bóng đá Việt Nam. Ngoài ra, cựu tiền đạo "Voi chiến" còn chia sẻ về các chi tiết thú vị xoay quanh trận chung kết.

 Sarayuth thi đấu cho tuyển Thái Lan trong giai đoạn 2003-2011, ra sân 49 trận và ghi 31 bàn thắng. Ảnh: Football Tribe.

Sarayuth thi đấu cho tuyển Thái Lan trong giai đoạn 2003-2011, ra sân 49 trận và ghi 31 bàn thắng. Ảnh: Football Tribe.

Tầm ảnh hưởng của Theerathon

- Trước trận chung kết lượt về, anh nghĩ gì về sức mạnh của Thái Lan và Việt Nam?

- Rõ ràng Thái Lan trở về sân nhà và sẽ nhận sự cổ vũ của đông đảo CĐV. Đúng là chúng tôi có lợi thế lớn khi ghi 2 bàn thắng trên sân khách. Tuy nhiên, trong bóng đá, điều gì cũng xảy ra được. Tôi đoán Thái Lan sẽ chơi an toàn trên sân nhà để bảo toàn lợi thế và giành thắng lợi.

Nhưng trong bóng đá, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Từng là một cựu tuyển thủ Thái Lan, tôi nghĩ trái tim phải đặt hết niềm tin vào một chiến thắng lớn cho đội nhà và lên ngôi ở đây. Trái tim tôi mách bảo như vậy.

- Anh có lo lắng rằng Việt Nam, với một trận hòa trong tay, sẽ đánh bại Thái Lan trên sân khách?

- Tôi đã xem một trận đấu của Việt Nam cách đây 4 hay 5 năm. Giờ đây, các cầu thủ tiến bộ rất nhiều dưới thời HLV Park Hang-seo. Ở giải đấu này, Việt Nam chơi linh hoạt về chiến thuật trước khi gặp Thái Lan.

- Tôi khá bất ngờ khi HLV Polking chuyển từ sơ đồ 4-4-2 sang 3-5-2 ở trận lượt đi. Một tiền đạo cắm như anh sẽ chơi như thế nào trong cách vận hành của tuyển Thái?

- Khi có một cặp tiền đạo, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Hai tiền đạo sẽ hỗ trợ nhau trong thế trận phòng ngự phản công. Ở lượt đi, tôi nghĩ HLV Polking đề cao sự an toàn, không muốn nhận bàn thua và chơi phòng ngự phản công trong giai đoạn đầu. Đây là một phương án cũng tốt khi Việt Nam luôn nguy hiểm khi chơi trên sân nhà.

Theerathon là cầu thủ quan trọng nhất của tuyển Thái Lan lúc này. Ảnh: Y Kiện.

- Vai trò của Theerathon Bunmathan rất quan trọng với Thái Lan ở trận lượt đi, đúng chứ? Tầm ảnh hưởng của anh ta như thế nào khi góp dấu giày trong cả 2 bàn thắng?

- Tôi từng thi đấu với Bunmathan ở tuyển Thái Lan rồi. Cậu ấy là một cá nhân xuất sắc. Vì thế, cậu ấy được sang J1 League thi đấu và tiến bộ rất nhiều. Điều tôi có thể nói lúc này là Theerathon Bunmathan là cầu thủ hay nhất trong đội hình Thái Lan hiện tại.

Ở trận gặp Việt Nam, cậu ấy là tiền vệ tổ chức và chỉ có Theerathon có thể xoay chuyển cục diện. Tôi nghĩ rằng 80% đường chuyền của Theerathon là rất chất lượng. Cậu ấy chứng tỏ điều đó trong 2 đường kiến tạo. Một phần là hàng thủ Việt Nam cũng mắc lỗi nhưng Theerathon quá đẳng cấp.

- Giờ đây, Bunmathan là anh cả ở thế hệ này của tuyển Thái Lan. Anh ta gắn kết đội hình "Voi chiến" như thế nào?

- Cậu ấy có nhiều kinh nghiệm, đã chơi ở đội tuyển thời gian lâu. Giờ đây, Thái Lan thay máu khá nhiều khi nhiều cầu thủ trẻ được đôn lên đội một. Các cầu thủ học được nhiều từ đẳng cấp của Theerathon, cách cậu ấy chơi bóng, cách tập luyện, nhìn vào những gì đàn anh làm cả trong lẫn ngoài sân.

- Theerathon như một thần tượng của cả tuyển Thái Lan, tầm ảnh hưởng như những gì mà Kiatisuk Senamuang tạo ra trước đây. Điều đó có thể giúp tuyển Thái Lan mạnh hơn?

Đúng là như thế. Ngoài ra, bạn biết không, trước đây, Theerathon đá hậu vệ trái như HLV Polking đã đẩy cậu ấy lên chơi tiền vệ. Và Theerathon có thể đáp ứng mọi yêu cầu của Polking.

- Tôi nghĩ Theerathon là người có thể đáp ứng mọi yêu cầu của HLV về việc tạo khác biệt, gây bất ngờ cho đối thủ?

- Đúng vậy. Khi còn trẻ, cậu ấy đá hậu vệ trái nhưng luôn thể hiện được mình là một cá nhân xuất sắc. Cậu ấy giỏi hơn tất cả cầu thủ trẻ mà tôi biết trước đó. Tôi tin rằng cậu ấy có thể chơi ở bất cứ đâu, từ hậu vệ đến tiền vệ. Tôi biết chắc rằng ngày nào đó, cậu ấy sẽ là một cầu thủ đẳng cấp ở tuyển Thái Lan.

HLV Polking cũng thể hiện được tài cầm quân khi đưa Thái Lan vào chung kết với nhiều cầu thủ trẻ trong đội hình. Ảnh: Minh Chiến.

- Bên ngoài sân, Theerathon có một cá tính mạnh. Anh ta có thể cười rất dễ thương nhưng khi bị chọc giận, anh ta sẵn sàng “xù lông” với CĐV hoặc cả CĐV đối thủ?

- Tất nhiên rồi. Cũng giống như tôi vậy. Nếu CĐV lịch sự thì tôi cũng chào hỏi. Nhưng khi bị chỉ trích kiểu “anh kém quá, anh đang làm trò gì thế…”, bạn nghĩ gì? Đôi khi tôi sẽ tự nhắc bản thân mình nhưng đôi khi cũng không giữ được bình tĩnh, và yêu cầu CĐV đi chỗ khác. Theerathon cũng làm như vậy. Cậu ấy cũng là con người, cũng có trái tim.

- Còn Dangda thì sao? Anh ta đóng vai trò quan trọng ở vòng bảng và bán kết nhưng không thi đấu được ở chung kết. Điều này ảnh hưởng gì đến tính toán của Polking?

- Dangda là một cầu thủ giỏi, một tiền đạo đẳng cấp. Tôi cũng là tiền đạo và tôi hiểu tầm quan trọng của Dangda ở tuyển Thái Lan. Nếu cậu ấy không thể thi đấu, chất lượng tấn công sẽ bị ảnh hưởng. Một số tiền đạo khác có thể thay thế như số 21 (Poramet) hay số 9 (Adisak). Nhưng thành thật mà nói, Thái Lan sẽ không mạnh như lúc Dangda có mặt trên sân.

- Đội hình Thái Lan thiếu vắng nhiều ngôi sao như Chanathip, Supachok, Suphanat và nhiều trụ cột khác nữa. Nhưng Theerathon vẫn có thể dẫn dắt đội đến trận chung kết. Điểm mạnh nhất của Thái Lan là đoàn kết, không phụ thuộc vào ngôi sao?

- Tôi nghĩ điểm mấu chốt nằm ở Polking, một HLV tài năng. Ông ấy trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ và thực sự muốn làm điều đó. Và các cầu thủ trẻ cũng muốn đáp lại niềm tin và giúp Polking quên đi Chanathip, Supachok, Suphanat.

Các cầu thủ đoàn kết, sẵn sàng thi đấu ở bất cứ vị trí nào, sẵn sàng thay thế những nhân tố giàu kinh nghiệm. Đôi khi, có những cầu thủ không thể thay thế nhưng giờ đây, mọi chuyện đều có thể xảy ra ở tuyển Thái lan. Đó là lý do Thái Lan vào được chung kết và HLV Polking thực sự giỏi.

- Polking giàu kinh nghiệm khi làm việc ở Thai league 9 năm. Chúng ta có thể nói rằng ông ấy may mắn ở AFF Cup vừa rồi với Chanathip trong đội hình. Nhưng giờ đây, ông ấy chỉ có Theerathon nhưng vẫn vào chung kết. Ông ấy chính là người phù hợp nhất với đội tuyển sau khi Akira Nishino mất chức?

- Đúng thế. Ông ấy dám trao cơ hội cho cầu thủ trẻ. Ông ấy rất giỏi.

Tuyển Việt Nam không còn "sợ" Thái Lan như trước kia. Ảnh: Minh Chiến.

Sự khác biệt dưới thời Park Hang-seo

- Từng thi đấu ở Việt Nam, vô địch SEA Games 2003, ông đánh giá gì về sự khác biệt của Việt Nam ngày ấy và bây giờ?

- Tôi đối đầu Việt Nam khi khoác áo các đội tuyển và chơi bóng ở Việt Nam trong khoảng 3 năm (khoác áo CLB Bình Định). Khi đó, cầu thủ Việt Nam có chất lượng không bằng Thái. Nhưng giờ, mọi thứ thay đổi. Trong 4, 5 năm gần đây, Việt Nam thực sự tiến bộ.

Việt Nam trở nên rất nguy hiểm đối với Thái Lan. Các cầu thủ rất mạnh mẽ, được đào tạo bởi một HLV giỏi. Họ cũng được các CLB hỗ trợ, giúp đỡ phát triển nhiều. Giờ đây, tôi nghĩ rằng Thái Lan đã bị Việt Nam bắt kịp rồi. Chúng ta có thể đối đầu sòng phẳng.

- Thật sự là trước đây Việt Nam “ngán” Thái Lan. Chúng tôi hầu như chỉ thất bại. Nhưng những lần đối đầu gần nhất, dưới thời Park Hang-seo, chúng tôi không thua nữa. Và kết quả đối đầu cũng tích cực hơn nếu xét ở lứa U23. Anh nghĩ gì về sự thành công của Việt Nam ở thời ông Park?

- Ông ấy đến và giúp Việt Nam tiến bộ, một HLV rất giỏi. Ông ấy mang tinh thần chiến đấu từ Hàn Quốc sang Việt Nam. Tuyển Việt Nam giờ rất “hiếu chiến” và họ là một tập thể mạnh.

- Ý anh là truyền tinh thần thi đấu của người Hàn cho cầu thủ Việt Nam? Tôi đồng ý với điều đó. Giờ đây, chúng tôi chơi sòng phẳng với Thái Lan. Nhưng đôi khi, các ngôi sao như Chanathip, Theerathon lại tạo ra sự khác biệt khi đối đầu Việt Nam. Ở trận lượt đi, Việt Nam cũng mất tập trung và để Thái Lan dẫn 2 bàn. Vậy anh có nghĩ sự thành công của ông ấy có yếu tố may mắn?

- Không may mắn đâu. Ông ta giỏi đấy. Và tôi cũng thích các HLV người Hàn Quốc. Tôi chưa làm việc với HLV người Hàn nhưng tôi biết rằng người Hàn luôn biết cách trở thành một HLV giỏi. Tôi nói thật đấy.

- Anh nghĩ gì về tuyển Thái Lan của Kiatisuk và tuyển Việt Nam thời Park Hang-seo. Nếu họ đối đầu nhau thì sao, ai sẽ thắng?

- Cả hai đều là HLV giỏi nhưng có tính cách khác nhau. Park Hang-seo thiên về sự nhiệt huyết còn Kiatisuk thích sự điềm tĩnh. Họ đều là HLV đẳng cấp.

- Với đà phát triển này, Thái Lan đặt mục tiêu dự World Cup 2026 hoặc 2030. Anh thấy điều này có khả thi? Và Việt Nam cũng đang đặt mục tiêu tương tự.

- Tôi không rõ kế hoạch của Thái Lan như thế nào nhưng tôi nghĩ rằng việc giành vé dự World Cup là rất khó. Ở châu Á, còn nhiều đội mạnh hơn. Tuy nhiên, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Với Việt Nam, tình hình cũng như vậy.

- Nhưng Park Hang-seo sẽ không đồng hành nữa. AFF Cup 2022 là giải đấu cuối cùng của ông ấy. Trận chung kết là trận cuối cùng. Ông ấy kết thúc hợp đồng với VFF vào tháng 1/2023. VFF sẽ tìm một HLV khác để hướng tới một suất dự World Cup 2026 hoặc 2023. Anh có nghĩ một đội Đông Nam Á, cụ thể là Thái Lan hay Việt Nam, có đủ sức dự World Cup trong 4 hay 8 năm nữa?

- Chia tay HLV trưởng, ok thôi. Điều quan trọng hơn là ĐTQG. Trong 4,5 năm qua, Việt Nam đã tiến bộ nhờ HLV Park Hang-seo. Giờ đây, ông ấy chia tay. Tôi không biết HLV mới là ai, có tìm hiểu cầu thủ hay không, có chỉ bảo được các cầu thủ hay không. Các cầu thủ cũng phải biết chấp nhận điều này.

4, 5 năm qua, tuyển Việt Nam đã vươn lên với sự có mặt của ông Park, cách ông ấy làm việc, điều ông ấy muốn thực hiện là gì. Tất cả sẽ rất khác sau khi các bạn thay đổi HLV mới. Còn bây giờ, Việt Nam đã mạnh hơn trước rất nhiều. Còn với HLV mới thì điều gì cũng có thể xảy ra hết, giống như Thái Lan đã từng thay tướng.

- Nói về Kiatisuk và HLV Park Hang-seo, cả hai đều đưa hai đội tuyển đến vòng loại thứ 3 World Cup. Có vẻ như cả hai đều đã đạt đến giới hạn của mình. Phải chăng cả hai đội đều cần một HLV đẳng cấp hơn. Ví dụ như sau AFF Cup kết thúc, Polking có thể rời đi để Thái Lan hướng đến mục tiêu xa hơn là World Cup?

- Tôi nghĩ chuyện gì cũng có thể xảy ra trong bóng đá. Đó là câu trả lời vì sao Việt Nam và Thái Lan phải cạnh tranh cùng nhau để tiến bộ. Đừng nghĩ về HLV mà hãy nghĩ về tương lai. Hai nền bóng đá hướng đến cùng một mục tiêu, đó không chỉ là việc của liên đoàn, từng đơn vị cùng phát triển thì mới hy vọng vào điều đó.

- Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện.

Văn Lâm được CĐV Thái Lan chào đón Nhờ khoảng thời gian thi đấu cho Muangthong United, Đặng Văn Lâm được các cổ động viên Thái Lan nhận ra và xin chụp ảnh cùng khi có mặt tại Bangkok chiều 14/1.

Nguyên Khang - Quang Thịnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sarayuth-thoi-hlv-park-viet-nam-rat-nguy-hiem-voi-thai-lan-post1394157.html