Sapa, nơi hội tụ đất trời, điểm du lịch lý tưởng khi đến với Tây Bắc

Là huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, thuộc khu vực phía Tây Bắc của Tổ Quốc, Sa Pa được mệnh danh là vùng đất ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu về cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa dân tộc. Nơi đây được đánh giá là địa điểm hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển kinh tế đặc biệt là phát triển du lịch.

Đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc

Nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, sự quan tâm sát sao của các cấp lãnh đạo, sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sa Pa, trong 6 tháng đầu năm 2019, huyện đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong việc đẩy mạnh kinh tế, phát triển du lịch.

Nhà Thờ đá Sa Pa một trong những địa điểm thu hút khách du lịch.

Nhà Thờ đá Sa Pa một trong những địa điểm thu hút khách du lịch.

Theo thống kê, tính đến hết 6 năm 2019, lượng khách du lịch đến với Sa Pa ước tính khoảng 1.647.500 lượt, đạt 55,5% kế hoạch đề ra, tăng 16% so với năm 2018. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt 194.830 lượt, khách nội địa là 1.452.670 lượt.

Để đạt được thành tựu đó, UBND huyện Sa Pa đã triển khai thành công kế hoạch số 101/KH ngày 27/3/2018 về phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn, khai thác hiệu quả bản sắc văn hóa dân tộc và các thế mạnh của huyện để để đưa du lịch Sa Pa đến gần với du khách quốc tế. Huyện đã tập trung xây dựng các điểm du lịch cộng đồng gắn liền với bảo tồn khai thác hiệu quả bản sắc văn hóa và các thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên sẵn có.

Ngoài ra, lãnh đạo huyện Sa Pa cũng đã chỉ đạo xây dựng các đội văn nghệ từ thôn đến xã, các đoàn biểu diễn hoạt động lễ hội đường phố, duy trì thường xuyên các hoạt động văn nghệ tại sân quần Sa Pa vào tối thứ 7 hàng tuần để tạo cơ hội giao lưu, gắn kết giữa du khách với người dân địa phương.

Bên cạnh đó, để thuận tiện trong quá trình đi lại, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, ăn uống nghỉ ngơi của du khách, huyện Sa Pa đã chú trọng nâng cao hạ tầng, cơ sở vật chất và phát triển các dịch vụ du lịch. Nhằm thu hút khách du lịch và đẩy mạnh quảng bá văn hóa của đồng bào các dân tộc Sa Pa đến gần hơn với khách du lịch trong và ngoài nước, huyện Sa Pa đã tổ chức thành công Lễ hội Mùa xuân và Lễ hội Mùa Hè.

Công tác an toàn giao thông, hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra trong lễ hội đều được kiểm soát chặt chẽ. Tiếp nối những thành công đã đạt được, Bí thư Huyện ủy Sa Pa Nguyễn Trọng Hài cho biết: “Phát triển du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Hiện nay huyện Sa Pa có 4 tuyến du lịch cộng đồng và 13 điểm du lịch được UBND tỉnh Lào Cai công nhận, một điểm du lịch địa phương và thắng cảnh ruộng bậc thang đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Sa Pa là điểm du lịch quốc gia.

Nên trong thời gian tới, huyện Sa Pa sẽ tiếp tục tăng cường, củng cố các hoạt động du lịch cộng đồng, xây dựng các điểm vui chơi, hoàn thiện các công trình kiến trúc, kết cấu hạ tầng để phục vụ khách du lịch trong các hoạt động Lễ hội truyền thống mùa Thu và Lễ hội mùa Đông năm 2019... để bảo tồn và thu hút khách du lịch”.

Sa Pa trong sương (Ảnh: ST).

Sa Pa – lợi thế lớn phát triển du lịch

Nằm ở độ cao trung bình 1.500m – 1.800m, khí hậu ít nhiều lại mang sắc thái của xứ ôn đới, với nhiệt độ trung bình 15- 18°C, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, Sapa có nhiều lợi thế hiếm có để trở thành một điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam cũng như trong khu vực.

Đến với Sa Pa, ngoài việc được khám phá và tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, du khách còn được chiêm ngưỡng, tận hưởng rất nhiều địa điểm đẹp đẽ, độc đáo như: Nhà thờ đá, núi Hàm Rồng, Đỉnh Fansipan, đèo Ô Quy Hồ, bản Cát Cát, Tà Phìn, Cầu Mây, Hang Tiên, Thung lũng Mường Hoa ….

Là biểu tượng nổi bật mà ai cũng biết đến khi nhắc về Sapa, nhà thờ đá Sa Pa mang vẻ đẹp cổ kính và độc đáo của kiến trúc Gothic. Đây là một trong những địa điểm du lịch bạn không nên bỏ lỡ khi tới Sa Pa. Nằm cách trung tâm Thị trấn Sapa 3km, núi Hàm Rồng là địa điểm tuyệt vời để chiêm ngưỡng cánh tiên nơi trần thế. Tại đây, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn Sapa, thung lũng Mường Hoa, bãi đá cổ,…

Nhờ sở hữu khí hậu mát lành, cảnh sắc trên núi Hàm Rồng luôn rực rỡ hoa lá, sương mây lãng bảng lãng mạn và tuyệt đẹp. Một trong những điểm đến rất đỗi quen thuộc với những du khách mỗi khi đến với Sapa đó chính là đỉnh Fansipan. Đây là đỉnh núi cao nhất nước ta còn được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương với độ cao 3.143 m.

Tại đây có khí hậu khắc nghiệt nhưng lại là nơi có băng tuyết nhiều nhất, hoa lá khoe sắc quanh năm và hệ động thực vật phong phú. Địa điểm du lịch Sapa này có sức hấp dẫn mãnh liệt với bất kỳ du khách nào, núi non hùng vĩ, thiên nhiên hoang sơ.

Từ thị trấn Sa Pa, đi về phía Tây khoảng 12km trên đường đi Lai Châu, du khách sẽ gặp Thác Bạc với những dòng nước đổ ào ào từ độ cao trên 200m tạo thành âm thanh núi rừng đầy ấn tượng. Nằm ngay dưới trân đèo Ô Quy Hồ, thác Bạc giống như một một dải lụa trắng khổng lồ uốn lượn trên nền xanh thăm thẳm vừa hùng vĩ vừa nên thơ, lãng mạn như một bức tranh thủy mặc.

Bản Cát Cát là một bản làng có từ lâu đời với làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Đây là nơi lý tưởng để du khách có thể khám phá bản sắc văn hóa và cuộc sống của người Tây Bắc. Ở bản Cát Cát, khách du lịch có thể bắt gặp những đứa trẻ má hồng trên vùng rẻo cao, với núi đồi bát ngát một màu xanh, với những thửa ruộng bậc thang nhiều sắc màu,…

Cách trung tâm Thị trấn Sapa khoảng 17km về hướng Đông, Tà Phìn là một bản làng nhỏ của đồng bào dân tộc Dao Đỏ với nghề thổ cẩm nổi tiếng. Đến bản Tả Phìn, bạn có thể ghé thăm hang động Tả Phìn ngay gần đó, chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và khám phá cuộc sống đậm bản sắc văn hóa của người dân nơi đây.

Hy vọng rằng cùng với sự nỗ lực, chung tay góp sức của các ngành, huyện Sa Pa, sự ủng hộ của người dân, sự đồng hành của doanh nghiệp, trong tương lai không xa, Sa Pa sẽ gỡ dần những “nút thắt” để phát triển du lịch bền vững, chuyên nghiệp, phát huy cao nhất những tiềm năng sẵn có của địa phương, khẳng định thương hiệu Sa Pa trong lòng du khách.

Đình Quyết

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/sapa-noi-hoi-tu-dat-troi-diem-du-kich-ly-tuong-khi-den-voi-tay-bac-d105772.html