Sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính cần có lộ trình thích hợp

Đại biểu Quốc hội Vương Văn Sáng (Lào Cai) đề nghị như vậy tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, sáng 26/10.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW tại Hội nghị 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động, hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đạt được những kết quả bước đầu. Điều đó được chứng minh bằng những con số hết sức ấn tượng như: Đã sắp xếp giảm 15 vụ thuộc bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục, giảm 86.300 biên chế, trong đó có 12.400 công chức. Nhiều địa phương đã rà soát, sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chức năng tương đồng, tránh lấn sân, chồng chéo, bớt các tổ chức trung gian, sáp nhập các sở, ngành và thí điểm sáp nhập 3 văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân….

Đại biểu Vương Văn Sáng (Lào Cai). Ảnh: quochoi.vn.

Tuy nhiên, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho hay, đến nay, việc đổi mới, sắp xếp lại bộ máy diễn ra còn chậm, bộ máy nhà nước vẫn còn cồng kềnh. Việc tinh giản biên chế chưa chú trọng tới cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, chưa tinh giản được những đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém. Ngân sách nhà nước hàng năm dành cho chi trả lương vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Nhấn mạnh tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai bởi đây là lĩnh vực vừa phức tạp, vừa nhạy cảm, ĐB Hạ cho rằng, đã đến lúc cần phải nhận thức rõ ràng: ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân không thể chịu nổi khi mà hàng năm, chi thường xuyên vẫn chiếm hơn 60% tổng chi ngân sách nhà nước; số còn lại dành một phần không nhỏ cho quốc phòng, an ninh. “Vậy còn đâu để đầu tư cho phát triển?”, ĐB đặt vấn đề.

Cho rằng vấn đề kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18 – NQ/TW là rất cần thiết, song ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa ) cũng lưu ý, việc sắp xếp các tổ chức xã hội quần chúng có tính đặc thù cần cân nhắc đến tính phù hợp với quy định của Đảng, Chính phủ, luật hoạt động và tính quốc tế mà tổ chức đó là thành viên. Việc các tỉnh, thành có phương án sắp xếp khác nhau sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cả hệ thống.

“Tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu và hướng dẫn mô hình sắp xếp tổ chức mới để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất trong cả nước”, ĐB Thu kiến nghị.

ĐB Vương Văn Sáng (Lào Cai) cho rằng, cần tránh việc sắp xếp tổ chức bộ máy, hợp nhất các cơ quan, đơn vị hành chính theo phong trào. Theo đó, đề nghị có lộ trình thích hợp theo hướng vấn đề rõ, có căn cứ khoa học phù hợp với thực tiễn đủ điều kiện làm trước; vấn đề khó, chưa đủ điều kiện cần thận trọng thí điểm.

Về tinh giản biên chế cần tập trung giải quyết quyết liệt khu vực hành chính, khu vực sự nghiệp đẩy mạnh tự chủ…/.

Vy Thảo

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/dua-nghi-quyet-trung-uong-6-trung-uong-7-vao-cuoc-song/tin-tuc/sap-xep-to-chuc-bo-may-hanh-chinh-can-co-lo-trinh-thich-hop-502821.html