Sắp xếp, tinh gọn bộ máy ở Đức Thọ mỗi năm tiết kiệm gần 50 tỷ đồng

Cùng với hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới, việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một trong những dấu ấn nổi bật của Đảng bộ huyện Đức Thọ nhiệm kỳ qua.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và lãnh đạo huyện Đức Thọ trao quyết định thành lập Đảng bộ thị trấn Đức Thọ (tháng 1/2020). Ảnh: Thu Hà.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), ngay từ đầu năm 2018, BTV Huyện ủy Đức Thọ đã tập trung quán triệt, ban hành kế hoạch; chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền thực hiện đồng bộ trong toàn huyện; rà soát, sắp xếp, kiện toàn, giảm đầu mối các phòng, ban, ngành và cơ cấu bên trong của từng tổ chức trực thuộc, các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; sáp nhập các xã, thị trấn chưa đảm bảo các yếu tố theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… Nhờ đó, việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy bước đầu đạt được những kết quả quan trọng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam tham quan mô hình công sở thông minh tại UBND xã Tùng Ảnh.

Đức Thọ là đơn vị thực hiện nhiều mô hình liên quan đến kiện toàn, sắp xếp bộ máy như: Bí thư Huyện ủy đồng thời Chủ tịch UBND huyện; 1 Phó Bí thư Huyện ủy đồng thời Chủ tịch HĐND huyện; 1 Phó Bí thư Huyện ủy đồng thời Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện; Trưởng cơ quan Tổ chức - Nội vụ; Trưởng cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra; Chánh Văn phòng Cấp ủy - Chính quyền; Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện; bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở 3 xã, thị trấn sau sáp nhập (trước đây là 6 xã, thị trấn)… nên số lượng cấp trưởng giảm đáng kể.

Lễ cắt băng khánh thành cầu Thọ Tường nối đôi bờ sông La - công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Bên cạnh đó, huyện Đức Thọ đã sáp nhập 28 xã, thị trấn còn 16 xã, thị trấn (giảm 12 xã); sáp nhập 243 thôn, tổ dân phố (TDP) còn 155 thôn, TDP (giảm 88 thôn, TDP); sáp nhập 16 đơn vị sự nghiệp trực thuộc còn 9 đơn vị sự nghiệp cấp huyện (giảm 7 đơn vị); sáp nhập 84 trường THCS, tiểu học, mầm non trên địa bàn còn 58 trường (giảm 26 trường học).

Hiện, toàn huyện đã giảm 37 cán bộ lãnh đạo, quản lý phòng, ban, ngành cấp huyện và các trường học; 62 cán bộ, 40 công chức và 172 cán bộ không chuyên trách cấp xã; 900 người hưởng phụ cấp và hỗ trợ ở thôn, TDP. Qua công tác sáp nhập, mỗi năm, Đức Thọ giảm chi ngân sách gần 50 tỷ đồng.

Gạo ruộng rươi La Giang đang được huyện Đức Thọ xây dựng thành sản phẩm OCOP.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trần Quang Tuấn cho biết: Có được kết quả trên, BTV Huyện ủy Đức Thọ đã xây dựng đề án sáp nhập, hợp nhất các ban, phòng, ngành cấp huyện và đơn vị hành chính cấp xã sát với thực tiễn; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của từng cấp, ngành, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, sự đồng thuận trong xã hội.

Điểm nổi bật là sự quyết tâm chính trị cao; không thực hiện nóng vội mà đưa ra lộ trình cụ thể, vừa thực hiện, vừa rút kinh nghiệm, bảo đảm bộ máy không bị xáo trộn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị đề ra.

Sản phẩm mộc Thái Yên (xã Thanh Bình Thịnh) đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể.

"Qua công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã giảm được đầu mối lãnh đạo, quản lý; khi thực hiện mô hình “hai trong một” sẽ kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng và quản lý điều hành của Nhà nước. Công tác sáp nhập xã, thị trấn đã giảm được đáng kể số lượng cán bộ, công chức và có điều kiện rà soát, lựa chọn cán bộ đáp ứng đủ năng lực, trình độ theo vị trí việc làm” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trần Quang Tuấn cho biết thêm.

Đức Phú

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/xay-dung-dang/sap-xep-tinh-gon-bo-may-o-duc-tho-moi-nam-tiet-kiem-gan-50-ty-dong/200005.htm