Sắp xếp lại Thư viện Côn Đảo: Đừng hiểu nhầm chính sách!

Thư viện huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thể sẽ phải đối mặt với việc sáp nhập với Trung tâm Văn hóa và Đài Phát thanh Truyền hình huyện. Nếu việc sáp nhập xảy ra thì rất có thể sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hoạt động hiệu quả của chính Thư viện này.

Công việc thầm lặng mà hiệu quả

Thư viện huyện Côn Đảo là đơn vị sự nghiệp văn hóa thông tin, trực thuộc UBND huyện Côn Đảo được thành lập từ năm 2006. Thư viện này có chức năng xây dựng, tổ chức việc sử dụng vốn tài liệu, phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương; tổ chức luân chuyển sách, báo, hướng dẫn nghiệp vụ cho các tủ sách cơ sở, trong cơ quan hay các tổ chức, cá nhân được thành lập, và xây dựng phong trào đọc sách, báo trong nhân dân trên địa bàn huyện.

Hiện Thư viện Côn Đảo có gần 29 nghìn bản sách, trong đó có nhiều sách, tư liệu giá trị về Côn Đảo; về mặt tổ chức, hiện Thư viện Côn Đảo có 24 tủ sách cơ sở gồm: 10 tủ sách khu dân cư, 3 tủ sách trường học và 10 tủ sách lực lượng vũ trang. Riêng tủ sách Vườn quốc gia Côn Đảo được đặt ở 12 địa điểm cách xa Trung tâm như: Hòn Bảy Cạnh, hòn Cau, hòn Bà, hòn Tài, hòn Tre Lớn, hòn Tre Nhỏ, hòn Bông Lan, vịnh Ông Đụng, vịnh Đầm Tre, trạm Cỏ Ống, trạm Bến Đầm và tổ kiểm lâm cơ động - đây là những địa điểm rất khó khăn cho việc luân chuyển sách trong những lúc biển động.

Hàng năm, Thư viện Côn Đảo đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và tích cực triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền sách, báo, tổ chức khai thác và cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu của bạn đọc, tổ chức nhiều đợt trưng bày, triển lãm sách, báo nhân các ngày lễ, tết; tổ chức phát triển văn hóa đọc hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng trên địa bàn như: Phát triển văn hóa đọc trong trường học; Hội thi Kể chuyện sách thiếu nhi; Hội thi kể chuyện sách măng non; mô hình giới thiệu “Mỗi tuần một quyển sách” trên sóng phát thanh vào sáng thứ bảy hàng tuần… Đặc biệt, từ đầu năm 2017 đến nay, Thư viện đang thí điểm luân chuyển sách cho 6 khách sạn trên địa bàn để phục vụ du khách trong và ngoài nước đến với Côn Đảo…

Thư viện Côn Đảo hoạt động rất hiệu quả với nhiều sáng tạo thúc đẩy văn hóa đọc. Ảnh: P.L.

Hãy giữ lấy thư viện cho người dân

Theo kế hoạch, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã triển khai sáp nhập 4 thư viện cấp huyện của tỉnh là Côn Đảo, Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ vào Trung tâm Văn hóa và Đài phát thanh Truyền hình của huyện; trong đó Thư viện Côn đảo thì “trả về” Trung tâm Văn hóa huyện, có thể giữ lại 1 hoặc 2 người làm công tác phục vụ bạn đọc.

Thông tin sáp nhập Thư viện làm nhiều độc giả gắn bó với thư viện nhiều băn khoăn, lo lắng. Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Anh Thơ, khu 6, Côn Đảo cho rằng: “Việc sáp nhập sẽ không đáp ứng được nhu cầu đọc sách đang diễn ra tốt đẹp như hiện nay. Mà văn hóa đọc đang là mục tiêu phấn đấu, phát triển ngày càng nhiều và đang dạng hơn. Mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét trong công tác thư viện huyện để không làm ảnh hưởng đến hoạt động tốt đẹp mà Thư viện Côn đảo đang triển khai”.

Khi nghe thông tin Thư viện sẽ sáp nhập với Trung tâm Văn hóa và Đài Phát thanh Truyền hình huyện theo chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi thấy rằng việc đó sẽ làm khó khăn cho phát triển văn hóa đọc trên địa bàn vì các thiết chế đó khác hoàn toàn và sẽ phá vỡ không gian đọc, hệ thống thư viện" – ông Nguyễn Hồng Hải, một bạn đọc khác cũng chia sẻ những băn khoăn của mình

Một số cán bộ gắn bó với thư viện Côn Đảo thì cho biết, về mặt tinh thần cũng có sự xáo trộn, hoang mang, không an tâm công tác.

Đừng hiểu nhầm chính sách

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là “Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập”. Khi triển khai thực hiện Nghị quyết 19, nhiều địa phương đã nghiêm túc triển khai, tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết.

Trước thực trạng “một số địa phương chủ trương, kế hoạch sáp nhập "cơ học" thư viện cấp tỉnh, cấp huyện với các thiết chế văn hóa khác có thể dẫn tới tình trạng hệ thống thư viện bị phá vỡ”, Văn phòng Chính phủ đã ban hành 2 văn bản (Công văn số 4343/VPCP-KGVX và số 8099/VPCP-KGVX) thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện công cộng trong cả nước thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với việc củng cố môi trường văn hóa đọc nói chung, hệ thống thư viện nói riêng. Tuy nhiên, đến nay vẫn nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết: Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định “Kiện toàn, củng cố thư viện công cộng cấp huyện với các mô hình, thiết chế đã có, việc thành lập mới chỉ được thực hiện tại các địa phương có nhu cầu và điều kiện cho phép”.

Như vậy, Nghị quyết đã xác định củng cố thư viện cấp huyện nơi phục vụ luân chuyển sách báo tới cơ sở và trực tiếp tới người dân.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn số 4168/BVHTTDL-TV ngày 14/9/2018 hướng dẫn địa phương kiện toàn, củng cố thư viện công cộng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ; cân nhắc không sáp nhập "cơ học" thư viện với các thiết chế văn hóa khác.

Thư viện huyện Côn Đảo là một trong những thư viện cấp huyện hoạt động có hiệu quả, các mô hình, phương thức phục vụ lưu động, luân chuyển sách báo đảm bảo môi trường và điều kiện cho người dân trên địa bàn, mô hình phục vụ sách ở khách sạn là cách làm sáng tạo góp phần giới thiệu và quảng bá với du khách về vùng đất Côn Đảo. Các thư viện đang làm hiệu quả trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp rất đáng quý, cần phải được kiện toàn và củng cố.

Chúng ta kêu gọi xã hội chung tay chấn hưng văn hóa đọc; việc sáp nhập này sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thư viện công cộng, làm hạn chế vai trò của thư viện trong việc cải thiện môi trường đọc, phục vụ học tập suốt đời cho người dân tại địa phương.

Để xây dựng nên một thiết chế văn hóa thư viện phải mất một quá trình tích lũy và phát triển, bài học ở Thư viện Uông Bí vẫn còn đó khi hàng ngàn bản sách phải thanh lý, tiêu hủy do bị mục nát trong quá trình di chuyển, sáp nhập.

Nếu Chính phủ, chính quyền địa phương không quan tâm, kiên quyết bảo vệ và phát triển thiết chế, chúng ta mất đi thư tịch giá trị vô giá hiện tượng này sẽ còn lan rộng đến các tỉnh, thành khác dẫn tới xóa sổ thư viện công cộng.

Phương Linh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/van-hoa/nghe-thuat-sang-tac/sap-xep-lai-thu-vien-con-dao-dung-hieu-nham-chinh-sach-49278