Sắp xếp lại 95 cơ sở đào tạo luật: Cần lộ trình cụ thể

Bộ GD&ĐT cần đặt ra thời hạn cụ thể để hoàn thành việc sắp xếp cơ bản lại 95 cơ sở đào tạo luật trong cả nước theo hướng không bổ sung mới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, phát biểu tại phiên họp. Ảnh TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, phát biểu tại phiên họp. Ảnh TTXVN

Có khát vọng vươn lên

Sáng 29/4, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương họp Phiên thứ 12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo. Phiên họp nhằm thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật;" Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” và Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật".

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, việc triển khai các Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật", “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” đã có nhiều kết quả tích cực, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng, khát vọng vươn lên của các cơ sở đào tạo và xây dựng được thương hiệu, uy tín của các trường trong lĩnh vực đào tạo pháp lý, các chức danh tư pháp.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng cho rằng, việc thực hiện hai đề án trên còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Trong đó, một số lĩnh vực chưa đạt được mục tiêu đề ra ban đầu. Một số chức danh tư pháp chưa được đặt vấn đề đào tạo; vấn đề đạo đức, phẩm chất các chức danh tư pháp chưa thực sự được quan tâm đúng mức trong quá trình đào tạo…

Tán thành ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo về việc cần tiếp tục chú trọng thực hiện hai đề án này, Chủ tịch nước đặt ra yêu cầu về đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vươn lên đối với các cơ sở đào tạo. Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành liên quan đề xuất các mục tiêu cụ thể đối với từng đề án sao cho phù hợp với tình hình mới, bối cảnh mới.

Theo đó, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện, bổ sung đối với hai Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật;" “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp".

Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương họp Phiên thứ 12. Ảnh TTXVN

Lưu ý yêu cầu đào tạo phẩm chất chính trị

Riêng đối với Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật," Chủ tịch nước yêu cầu xây dựng lại theo định hướng mà các thành viên của Ban Chỉ đạo đã góp ý. Theo đó, Bộ GD&ĐT cần đặt ra thời hạn cụ thể để hoàn thành việc sắp xếp cơ bản lại 95 cơ sở đào tạo luật trong cả nước theo hướng không bổ sung mới; quy định rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn về đào tạo; ban hành các chuẩn đầu vào, chuẩn chương trình, giáo viên, giáo án, giáo trình… từ đó đối chiếu, rà soát. Những cơ sở không đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn đề ra thì phải dừng đào tạo lĩnh vực này.

Đặc biệt, Chủ tịch nước lưu ý yêu cầu về đào tạo phẩm chất chính trị, bản lĩnh nghiệp vụ trong quá trình giảng dạy và học tập tại Đại học luật Hà Nội; Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và Học viên Tư pháp sao cho đảm bảo hình thành nguồn nhân lực phát triển ngành tư pháp trong sạch, lành mạnh, có chất lượng cao. Đi liền với đó là đẩy mạnh hơn nữa mô hình đào tạo theo hướng: Nhà nước đưa ra các tiêu chí đào tạo đi đôi với kiểm định chất lượng chặt chẽ.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, sau hơn bảy năm thực hiện, Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật” đã có những chuyển biến tích cực về mọi mặt; từng bước mở rộng quy mô đào tạo; hoạt động nghiên cứu khoa học có chuyển biến tích cực; đội ngũ giảng viên ngày càng được tăng cường, chất lượng được nâng lên; cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập được quan tâm đầu tư trọng điểm.

Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô đào tạo chưa đạt mục tiêu đề ra; chất lượng đào tạo chưa có chuyển biến mang tính đột phá so với yêu cầu; hoạt động nghiên cứu khoa học chưa có tính ứng dụng cao…

Việc thực hiện Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” cũng có những bước phát triển mới cả về quy mô đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên thỉnh giảng và cơ hữu.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu đặt ra mới chỉ ở mức trên trung bình; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Học viện chưa cao.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sap-xep-lai-95-co-so-dao-tao-luat-can-lo-trinh-cu-the-post1332242.tpo