Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế: Không khoan nhượng với mọi lực cản!

Ngày 30.10, Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Q.H

Tại buổi thảo luận, đa số đại biểu cho rằng, Chính phủ cần quyết liệt để sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, như vậy mới giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời tăng lương cho cán bộ công chức, tăng hiệu quả công việc.

“Ngân sách dù có là “nồi cơm Thạch Sanh” cũng khó bao bọc nổi

Đề cập thẳng vào vấn đề chất lượng công chức, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đánh giá, với hơn 2 triệu cán bộ công chức, viên chức trong số 8 triệu người ăn lương, hằng năm ngân sách phải chi lượng tiền lớn để trả lương nhưng hiệu quả làm việc lại chưa cao. Thế nhưng, việc tinh giản biên chế cũng không đạt mục tiêu, bằng chứng là năm 2016 tổng biên chế tăng gần 4,8% so với năm 2011.

Với bộ máy cồng kềnh đó, ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) lo ngại “ngân sách dù có là “nồi cơm Thạch Sanh” cũng khó bao bọc nổi. Tuy nhiên, theo ông, không đơn thuần tăng đầu mối là tăng biên chế, hay nhập tổ chức sẽ giúp giảm người ăn lương, mà việc tách hay nhập phải phụ thuộc vào tình hình thực tế. Vấn đề là tính toán tổng thể để tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy với tinh thần không khoan nhượng.

Đồng quan điểm với việc thu gọn bộ máy với tinh thần không khoan nhượng, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) ví von, biên chế như “hình phễu”, đầu vào to và đầu ra nhỏ; ở T.Ư giảm thì dưới tăng, nghĩa là “bóp trên phình dưới”. Ông cho rằng, chưa có câu trả lời thỏa đáng rằng có bao nhiêu % cán bộ chưa hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ khó tinh giản đúng đối tượng.

Hiện trạng cán bộ, công chức. Infografic: VĂN THẮNG

Cấp trên ôm đồm, cấp dưới đùn đẩy, công việc ách tắc

Chính việc cồng kềnh của bộ máy đã dẫn đến hiệu quả công việc không cao, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, Đoàn giám sát nhiều lần đề cập đến tình trạng “bộ máy bên trong các bộ ngành nhiều tầng nấc trung gian; tình trạng “bộ trong bộ”; đồng thời đề xuất “giảm cấp trung gian”. Tuy nhiên, cấp trung gian là cấp nào thì báo cáo của Đoàn giám sát chưa làm rõ.

Theo ông, đã đến lúc Quốc hội cần chỉ rõ cấp trung gian ở đây chính là Tổng cục, cục, vụ, chi cục, rồi trong bộ máy các đơn vị này lại có văn phòng cấp cục, vụ... “Tôi cố gắng tìm hiểu xem tổng cục có phải cấp trung gian không? Thấy rằng, hiện 17/22 bộ ngành có hơn 40 tổng cục. Các bộ ngành không có tổng cục là Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Dân tộc, và các cơ quan này vẫn hoạt động bình thường” - ông Cầu nói.

Thảo luận tại hội trường, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thẳng thắn nói: Vẫn còn tình trạng cấp trên “ôm đồm”, cấp dưới “đẩy việc” lên cấp trên, việc gì cũng xin phép, dẫn đến quá tải ở T.Ư, còn cấp dưới bị động, ỷ lại, cơ chế xin-cho bị lạm dụng, cơ chế trách nhiệm không rõ ràng, và cuối cùng công việc của dân, của nước bị ách tắc...

Nữ ĐB cũng cho rằng, đạo đức công vụ của một bộ phận công chức còn hạn chế, chưa ý thức rằng mình là công bộc của dân. Và nguyên nhân công chức vô cảm, quan liêu, hách dịch được chỉ ra là do họ ít phụ thuộc vào dân, từ tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng lương đều không phụ thuộc vào dân mà chỉ phụ thuộc vào cấp trên. Từ thực tế đó, bà đề xuất quan chức chính trị cần được dân trực tiếp bầu hoặc phải được giới thiệu từ cơ sở. Cùng với đó, Nhà nước cần xây dựng phương pháp đánh giá công chức trên cơ sở sự hài lòng của người dân. Nghĩa là dân bầu cán bộ và “chấm điểm” công chức.

Còn ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) lại lấy ví dụ từ “điểm sáng” Quảng Ninh trong đổi mới cải cách bộ máy hành chính nhà nước, ĐB đề nghị cần có giải pháp mạnh mẽ và coi việc để biên chế phình to là một loại tham nhũng để quyết tâm ngăn chặn, điều chỉnh.

Nhắc lại phần chất vấn Bộ trưởng Nội vụ cách đây 5 năm về tinh giản biên chế, sau đó bộ máy không gọn lại mà phình ra, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đánh giá việc này vẫn còn kẽ hở, dẫn đến tình trạng hình thành một số chức danh không có trong quy định như “hàm Vụ trưởng”, “hàm Vụ phó”, hoặc là quy định các bộ không có quá 4 Thứ trưởng nhưng thực tế đều nhiều hơn, có bộ đến 9 Thứ trưởng...

“T.Ư làm được, tỉnh làm được, và tỉnh này làm được thì tỉnh kia cũng làm được; tỉnh làm được thì xã, phường, huyện làm được… ” - ông Phương nêu.

Xử nghiêm sai phạm, không để “nhẹ trên nặng dưới”

Chỉ ra nguyên nhân của việc tinh giản biên chế chưa đạt kết quả cao, ĐB Phạm Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng nguyên nhân vẫn do người đứng đầu buông lỏng lãnh đạo, chưa quyết liệt thực hiện, kỷ luật công vụ chưa nghiêm... Vì thế, ông đề xuất giải pháp khẩn trương rà soát quy định về tổ chức các bộ ngành, giảm cấp trung gian, giảm đầu mối, biên chế; kiên quyết sắp xếp lại, giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả, hợp nhất các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng; tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; kiểm điểm, xử lý nghiêm các sai phạm, công khai kết quả xử lý để nhân dân giám sát...

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật về nội dung chuyên môn “lấn sân” sang các văn bản quy định về tổ chức bộ máy. Đề cập đến thực trạng tổ chức bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, đại biểu cho rằng nguyên nhân là do thiếu sự cương quyết, còn nể nang khi ban hành các Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động của các bộ.

Cũng đề cập khía cạnh này, ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) nhấn mạnh: “Cử tri và nhiều cán bộ lão thành rất bức xúc khi Ủy ban Kiểm tra của Đảng và các cấp phát hiện và nêu ra các sai phạm của cán bộ, đảng viên đều nói là “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, xử lý kỷ luật về Đảng rồi nhưng về Nhà nước thì chưa xem xét các mức độ sai phạm đó, truy cứu trách nhiệm với pháp luật như thế nào” - ông Vân nói và cho rằng, áp dụng hình thức “cho thôi giữ chức vụ” không phải là một hình thức kỷ luật.

XUÂN HẢI - ĐỨC THÀNH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/sap-xep-bo-may-tinh-gian-bien-che-khong-khoan-nhuong-voi-moi-luc-can-573121.ldo