Sắp thông xe cầu vượt biển dài nhất thế giới của Trung Quốc

Cầu vượt biển dài nhất thế giới nối Hồng Kông, Châu Hải và Macau đang gần hoàn tất sau gần 1 thập kỷ xây dựng và dự kiến thông xe vào ngày 24/10 tới. Tuy nhiên, siêu cầu này vướng phải nhiều chỉ trích liên quan tới tiến độ đình trệ và chi phí vượt quá nhiều so với ước tính ban đầu.Nhiều người đặt nghi vấn về tính hữu dụng của siêu cầu này khi phải cạnh tranh với một cây cầu lớn khác và hệ thống đường sắt quốc gia Trung Quốc...

Video: South China Morning Post.

Theo tờ South China Morning Post, cây cầu này, trải dài 55km, là công trình nòng cốt trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm phát triển vùng vịnh Greater Bay Area - trung tâm kinh tế năng động đang phát triển mạnh gồm Hồng Kông, Macau và 9 thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông.

Cây cầu giúp rút ngắn thời gian qua lại từ cảng Container tới Châu Hải từ khoảng 3,5 tiếng còn khoảng 1 giờ 15 phút. Trong khi đó, đi từ sân bay quốc tế Hồng Kông đến Châu Hải chỉ mất 45 phút thay vì 4 tiếng như hiện tại. Nhìn chung, việc di chuyển qua lại giữa 3 thành phố Hồng Kông, Chu Hải và Macau chỉ còn khoảng 1 tiếng đồng hồ. Siêu cầu này ban đầu dự kiến thông xe vào năm 2016 nhưng phải hoãn lại 2 năm.

Theo Cơ quan quản lý cầu Hồng Kông - Châu Hải - Macau, tổng chi phí của đoạn cầu chính là 7,56 tỷ USD - tăng khoảng 1,5 tỷ USD so với ước tính ban đầu, trong đó 4,32 tỷ USD đến từ vay vốn ngân hàng. Trong số còn lại, Hồng Kông đóng góp 1,38 tỷ USD, Chu Hải 1,43 tỷ USD và 0,43 tỷ USD từ Macau - thành phố nhỏ nhất trong 3 nơi. Trong đó, chỉ riêng Hồng Kông đến nay đã đầu tư tổng cộng 1,49 tỷ USD cho dự án này, bao gồm việc xây đường nối với các đường bộ và sân bay trong thành phố.

Nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng chi phí tăng vượt quá dự kiến được chỉ ra như điều kiện xây dựng trên biển phức tạp, khó khăn trong công tác xây dựng...

Tuy nhiên, nhiều nguời đặt nghi vấn rằng dù với chi phí khổng lồ, cây cầu này liệu có thực sự hữu dụng khi chính phủ Bắc Kinh hồi đầu năm phải thừa nhận rằng lưu lượng giao thông qua đây sẽ thấp hơn ước tính khi phải cạnh tranh với một cây cầu khác và hệ thống đường sắt quốc gia ở Trung Quốc đại lục. Cây cầu khác đó là cầu nối Thâm Quyến và Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, dự kiến hoàn thành vào năm 2024, giúp giảm thời gian di chuyển giữa hai thành phố từ 2 tiếng xuống còn 20 phút.

Trong một nghiên cứu tư vấn vào năm 2008, ước tính sẽ có khoảng 33.100 phương tiện và 171.800 hành khách đi qua cây cầu Hồng Kông - Chu Hải - Maucau mỗi ngày vào năm 2030. Tuy nhiên, ước tính này sau đó được hạ xuống 29.100 phương tiện và 126.000 hành khách vào năm 2016, giảm lần lượt 12,08% và 26,66%.

Quan chức Trung Quốc đã cam kết sẽ giám sát tỷ lệ sử dụng siêu cầu này và cân nhắc các biện pháp thích hợp để tận dụng được hết lợi ích từ nó.

Đề án xây dựng cây cầu này được đưa ra vào năm 1980. Nhưng phải đến năm 2003 mới được phê duyệt. Chính quyền tỉnh Quảng Đông, Hồng Kông và Macau chịu trách nhiệm phần xây dựng trên địa bàn của mình nhưng phải chia sẻ chia phí xây dựng đoạn xây cầu chính.

Không chỉ tiêu tốn số tiền khổng lồ, cây cầu này còn được gọi là "dự án mồ hôi và máu" khi có 10 công nhân thiệt mạng và hơn 600 người bị thương trong quá trình thi công.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/sap-thong-xe-cau-vuot-bien-dai-nhat-the-gioi-cua-trung-quoc-20181019151416562.htm