Sắp ra đời khu bảo tồn biển lớn nhất ở Nam Cực

Khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới với mục tiêu bảo vệ sự hoang dã và nguyên sơ của vùng Nam Cực, sẽ chính thức được ra đời. Đây là quyết định được đưa ra sau thỏa thuận cuối cùng đạt được hôm 28/10 nhờ “cái gật đầu” của Nga sau một thời gian dài phản đối.

Thỏa thuận được thông qua bởi Ủy ban Bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật biển Nam Cực (CCAMLR) tại một cuộc họp thường niên ở Hobart, Australia. Sau nhiều năm đàm phán, thế giới sẽ được chứng kiến một khu bảo tồn biển lớn do Mỹ và New Zealand đề xuất ở Biển Ross.

Chim cánh cụt Adelie là một trong những động vật hoang dã sống ở biển Ross (Nguồn: Reuters)

Khu bảo tồn sẽ rộng hơn 600.000 dặm vuông (khoảng 1.553.993 km2), trong đó 3/4 sẽ là một vùng cấm đánh bắt cá, ông Murray McCully, Bộ trưởng Ngoại giao của New Zealand cho biết.

“Đề nghị này yêu cầu một số thay đổi để đạt được sự ủng hộ nhất trí của tất cả 25 nước thành viên của CCAMLR; đồng thời thỏa thuận cuối cùng cũng cân bằng giữa việc bảo vệ biển, khai thác bền vững và mối quan tâm của khoa học”, ông nói.

Nga là quốc gia cuối cùng chống lại thỏa thuận này, do những lo ngại về quyền đánh bắt cá sau khi Trung Quốc đưa ra hồi năm ngoái.

Thế nhưng, cuộc họp đã không còn thời gian để đạt được thỏa thuận thứ hai về một khu bảo tồn khác do Australia và Pháp đề xuất ở Đông Nam Cực.

Cả hai đề xuất về các khu bảo tồn đã được đặt trên bàn nghị sự từ năm 2012 của CCAMLR. Đây là những hiệp ước trong đó giao nhiệm vụ cho tất cả các nước phải giám sát việc bảo tồn và khai thác bền vững vùng biển Nam Cực.

Sự đồng thuận yêu cầu sự nhất trí của tất cả 24 quốc gia thành viên CCAMLR và Liên minh châu Âu. CCAMLR được thành lập bằng một hiệp ước quốc tế vào năm 1982, với mục tiêu là bảo tồn sinh vật biển Nam Cực. Liên minh châu Âu và 24 quốc gia là thành viên CCAMLRdựa trên đồng thuận và hơn 11 quốc gia khác đã ký công ước này.

“Lần đầu tiên, các nước đã gạt những khác biệt sang một bên để cùng nhau bảo vệ một khu vực rộng lớn ở biển Nam Cực và cả vùng biển quốc tế”, ông Mike Walker, Giám đốc dự án của Liên minh bảo vệ biển Nam Cực cho biết.

Biển Ross là một trong những hệ sinh thái còn nguyên vẹn cuối cùng của tài nguyên biển trên Trái Đất, nơi có chim cánh cụt, hải cẩu, cá răng Nam Cực và cá voi. Vùng biển này chiếm khoảng 10% bề mặt Trái đất.

Khang Duy

(Theo Telegraph)

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/quoc-te/201610/sap-ra-doi-khu-bao-ton-bien-lon-nhat-o-nam-cuc-2749652/