Sắp qua thời gian lận, hối lộ để có hộ khẩu

Chính phủ vừa trình Quốc hội dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Trong đó, bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong quản lý dân cư là một trong những chính sách cơ bản được đề xuất trong dự luật.

Mã số định danh sẽ xóa bỏ hoàn toàn những thủ tục liên quan đến hộ khẩu. Ảnh minh họa

Mã số định danh sẽ xóa bỏ hoàn toàn những thủ tục liên quan đến hộ khẩu. Ảnh minh họa

Việc quản lý dân cư sẽ chuyển đổi sang phương thức hiện đại bằng mã số định danh cá nhân.

Hiện đại và phù hợp hơn

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ vừa trình bày với Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Theo tờ trình, dự luật này được trình để đáp ứng nhu cầu tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cư trú. Mặt khác, tình hình mới đã đặt ra những yêu cầu về bảo đảm an ninh, trật tự, quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội… cho pháp luật về cư trú. Một trong những chính sách cơ bản của dự án luật là thay đổi phương thức quản lý cư trú từ quản lý bằng sử dụng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc quản lý dân cư theo phương thức mới này có thể truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chạy trên mạng Internet. Thông tin về nơi thường trú, tạm trú của công dân đều là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

Từ đó, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) cũng bỏ các quy định về sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho gia đình, cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu… Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho hay, việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.

Trước thông tin Chính phủ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, ông Nguyễn Việt Hồng ở Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, thế hệ chúng tôi cuốn sổ hộ khẩu không chỉ là công cụ để Nhà nước quản lý dân cư, mà còn gắn với bao “đặc thù, đặc lợi” thời bao cấp. Mấy chục năm qua, sổ hộ khẩu mang theo quyền năng không nhỏ, luôn đi kèm với sổ gạo, việc làm, mua sắm tài sản… thì ngày nay vẫn gắn với không ít thủ tục, giấy tờ, trong đó có cả việc học hành của con cái. Rất nhiều vấn đề nảy sinh từ cuốn sổ hộ khẩu để từ đó nảy sinh không ít tiêu cực. Người ta tìm đủ mọi cách như “đi cửa sau”, gian lận thậm chí hối lộ để có hộ khẩu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chia sẻ rằng, bà rất mừng khi đọc dự thảo luật. Người dân của nước ta trước nay đã khổ sở với sổ hộ khẩu rất nhiều. Người nghèo tha hương lên thành phố nhưng con em không đi học được vì không có hộ khẩu. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc quản lý theo mã số định danh sẽ giúp biết người dân đi đến đâu nhanh chóng, dễ theo dõi cho các cơ quan chức năng. Việc bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu để thay thế bằng quản lý theo mã số định danh cá nhân, sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đồng thời nâng cao hiệu lực, năng lực quản lý Nhà nước về dân cư.

Bảo đảm liên thông, đồng bộ

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, một trong những chính sách cơ bản của dự án luật là thay đổi phương thức quản lý cư trú từ quản lý bằng sử dụng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú. Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân.

Phương thức quản lý này sẽ giúp không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính, bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, mà còn góp phần bảo đảm quản lý dân cư chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn, khắc phục nhiều bất cập trong công tác quản lý dân cư ở nước ta hiện nay. Đây cũng là phương thức quản lý cư trú hiện đại dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với xu thế phát triển, được một số quốc gia trên thế giới áp dụng.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của phương thức quản lý cư trú mới, không gây xáo trộn lớn đối với cuộc sống, sinh hoạt của người dân và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, Chính phủ phải bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra. Nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú nên đến thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, các cơ sở dữ liệu này phải được xây dựng xong đồng bộ, đưa vào vận hành và kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú từ Trung ương đến cơ sở...

Khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tới các chính sách, quy định về hộ gia đình, cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân (như về hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng…). Vì vậy, cũng cần có giải pháp phù hợp thay thế...

ĐBQH Đỗ Văn Sinh cho rằng, định danh cá nhân cần được bảo đảm tính liên thông về cơ sở dữ liệu nhưng phải có cách thức quản lý phù hợp. Đặc biệt, việc bảo mật thông tin cần thực hiện theo cách phân nhánh, phân quyền từng cấp độ khác nhau. Vì vậy, việc đầu tư hạ tầng thông tin, Chính phủ và các bộ, ngành ở từng lĩnh vực phải cùng làm để tạo được tính liên thông, đồng bộ trong hệ thống cơ sở dữ liệu.

Việc bỏ sổ hộ khẩu và quản lý đăng ký dân cư bằng mã số định danh cá nhân nếu được Quốc hội thông qua sẽ triển khai thực hiện từ tháng 7/2021.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/sap-qua-thoi-gian-lan-hoi-lo-de-co-ho-khau-20200526091523847.html