Sáp nhập xã - huyện, phải có chính sách cho cán bộ dôi dư

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng khi sáp nhập xã - huyện cần có chính sách với cán bộ dôi dư chứ không phải vắt chanh bỏ vỏ, trả công quên ơn bằng các gói tiền.

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Sáng 9.8, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021.

Giải pháp nào cho cán bộ dôi dư?

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết cả nước hiện có đến 588/713 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 82,4%) và 9.434/11.162 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 84,5%) chưa đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên theo quy định.

Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 đã ban hành Nghị quyết số 18 về một số vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đề ra mục tiêu đến năm 2021 sắp xếp, thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã không đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố. Từ năm 2021 đến 2030 cơ bản hoàn thành sắp xếp, thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định.

Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết tỉnh này đã sáp nhập và giảm được 722 thôn, giảm hơn 24.000 cán bộ thôn; giảm 600 công chức xã. Hiện nay tỉnh còn có 250 thôn nhưng so với quy định 09 thì vẫn không phù hợp.

Ông Sơn cho rằng mục tiêu sáp nhập là để phát triển kinh tế-xã hội và phát huy hiệu lực hiệu quả điều hành. Vì vậy phải có quy hoạch điều chỉnh kinh tế-xã hội, kết cấu hạ tầng, sau khi sáp nhập phải đảm bảo kinh tế phát triển. Nếu không điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng, giao thông thủy lợi, y tế… thì sẽ rất khó khăn.

Về lộ trình thực hiện, ông Sơn cho rằng ở xã đến tháng 6.2020 là đại hội xã, nên phải để 2020 hoàn thành chứ không phải 2021. Theo đó, đề án này phải xong trong năm 2019 chứ không phải năm 2020.

“Trong quá trình tổ chức sáp nhập, điều hết sức thách thức là số lượng cán bộ dư sẽ rất nhiều. 3 xã nhập làm một thì 3 bí thư, 3 chủ tịch chỉ còn 1, thì xử lý thế nào? Sẽ vô cùng khó nếu không bàn kỹ vấn đề này”, ông Sơn nói.

Theo ông Trần Văn Thư, Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trung ương cần ban hành quy định về chế độ đối với những người nghỉ do sáp nhập. Đừng để địa phương mỗi nơi ban hành một chính sách riêng thì rất không ổn.

“Vừa rồi, tôi nghe ở Đà Nẵng đưa ra quy định hỗ trợ nghỉ 200 triệu. Những con người đó cũng góp phần cho sự phát triển mấy chục năm nay. Nên nếu bảo bỏ ra 200 triệu mua sự ra đi thì rất tổn thương. Do đó, phải có thống nhất về chính sách. Anh về sớm được bao nhiêu, làm mấy tháng được bao nhiêu... chứ đừng để mất công bằng”, ông Thư nói.

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng cần có chính sách với cán bộ dôi dư. Khi có nhu cầu cần phải sắp xếp lại, yêu cầu phát triển thì phải làm, làm phải có đề án và trân trọng đóng góp của các cán bộ này. “Có chế độ chính sách chứ không phải vắt chanh bỏ vỏ, trả công quên ơn bằng các gói tiền”.

Việc sáp nhập cần linh hoạt, không máy móc

Theo ông Trần Văn Thư, thời gian qua, chia cắt đơn vị hành chính không phù hợp làm cho không gian phát triển bị ảnh hưởng. Giá như hiện nay chỉ có khoảng 40 tỉnh thì không gian phát triển còn lớn hơn, không bị vướng.

“Việc sáp nhập cần phải bớt đi tác động bất lợi, tránh gây phiền hà cho dân và doanh nghiệp”, ông Thư nói.

Ngoài ra, ông Thư cũng cho rằng những nội dung định tính trong đề án thì nên bỏ ra, như tôn giáo, lịch sử, truyền thống văn hóa... nên bỏ ra, bởi hiện nay lương giáo sống chung. Ngay tỉnh Đồng Nai, 67% là đồng bào theo đạo. Do đó, vấn đề này không nên đề cập.

Ông Lê Hữu Khang, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên nêu quan điểm, việc chia tách, sáp nhập chúng ta làm rất nhiều lần, nhập vào nhiều, chia tách nhiều. Lần nào lý thuyết đề ra cũng đúng cả. Do đó, việc tách ra nhập vào phải có đánh giá dài hơi hơn, phân chia lãnh thổ là để quản lý tốt hơn nên không thể nóng vội.

“Xem xét đề án này tuổi thọ được 30 hay 50 năm? Nếu không thì áp lực lên hệ thống chính trị. Mỗi lần sắp xếp là một lần nền hành chính mệt mỏi, tính toán sắp xếp. Do đó, phải đánh giá được và mất của việc sáp nhập chia tách”, ông Khang nêu.

Cũng theo ông Khang, hiện nay tổ chức bộ máy hành chính lớn nhưng không phải là nhiều, cộng cả sự nghiệp vào thì mới nhiều. Ví dụ như Điện Biên, công chức có 3.000 nhưng sự nghiệp mấy chục nghìn.

Theo ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, chỉ cần thay đổi địa chỉ số nhà thì hộ tịch và nhiều vấn đề khác phải thay đổi theo. Việc chia tách, sáp nhập áp dụng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thủ tục trình tự rất chi tiết. Nếu năm 2019 Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) thì có sự khác nhau trong áp dụng pháp luật. Do đó cần có nghị quyết riêng của Quốc hội về quy trình, trình tự sáp nhập huyện xã.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khuyến khích nhập các đơn vị hành chính đảm bảo quy mô đơn vị hành chính lớn hơn ở các nơi có đủ điều kiện. Trường hợp đặc biệt đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia, các huyện đảo, xã đảo, cù lao... phải do yếu tố lịch sử đảm bảo chủ quyền thì giữ nguyên.

Theo đó, có những đặc thù riêng cho từng nơi chứ không nhất thiết phải giống nhau. Tỉnh nào đó đề nghị lên thành phố trực thuộc trung ương không nhất thiết theo nghị quyết này. Có đơn vị đặc thù như quận Hoàn Kiếm, diện tích tự nhiên còn không bằng quy định 1 phường, nhưng có truyền thống lịch sử thì không thể sáp nhập quận Hoàn Kiếm với quận nào đó để ra quận mới.

“Địa phương nào rà soát đủ điều kiện, nhân dân đồng tình thì làm. Còn địa phương nào chưa đủ điều kiện thì tiếp tục tuyên truyền, vận đông, làm ở giai đoạn sau này. Nhân dân đồng thuận thì mới làm chứ không thể áp đặt ý chí cơ quan nhà nước vào chỗ này. Việc lấy ý kiến nhân dân phải theo quy định của luật”, ông Lưu nói.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/chinh-tri-c-93/sap-nhap-xa-huyen-phai-co-chinh-sach-cho-can-bo-doi-du-94247.html