Sáp nhập xã, cách làm ở Hà Tĩnh

Hà Tĩnh là địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp, sáp nhập lớn thứ 2 cả nước.

Xác định đây là chủ trương lớn, tỉnh đã chủ động triển khai từ rất sớm, vào cuộc với quyết tâm cao và cách làm bài bản nên tạo được sự đồng thuận của đảng viên, nhân dân.

Nhờ tuyên truyền bài bản, cụ thể nên việc sáp nhập xã tại huyện Can Lộc nói riêng và toàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung được người dân đồng tình cao.

Nhờ tuyên truyền bài bản, cụ thể nên việc sáp nhập xã tại huyện Can Lộc nói riêng và toàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung được người dân đồng tình cao.

Bài 1: Lắng nghe tiếng nói từ cơ sở

Trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như tiếp thu ý kiến từ nhân dân, Hà Tĩnh đã xây dựng phương án triển khai, lấy hiệu lực, hiệu quả làm cốt lõi. Từ đó đặt quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện đề án sáp nhập xã.

Chủ động triển khai

Từ những kinh nghiệm và bài học quý sau đợt sáp nhập thôn, tổ dân phố vào năm 2012 và xuất phát từ tình hình thực tế, mỗi địa phương của tỉnh Hà Tĩnh có cách triển khai sáng tạo riêng. Các huyện, xã đều lấy ý kiến của cấp ủy, đại biểu Hội đồng nhân dân, cán bộ, công chức và nhân dân nhiều lần trước khi tiến hành việc sáp nhập. Từ ý kiến thu thập được, cấp ủy hoàn thiện kế hoạch tinh gọn bộ máy và tập trung chỉ đạo đối với từng nội dung.

Trong diện buộc phải sáp nhập năm 2019, trên địa bàn Hà Tĩnh có xã chỉ hơn 1.200 dân (Đức Vĩnh - Đức Thọ), 1.400 dân (Đức La - Đức Thọ), 1.500 người (Sơn Tân - Hương Sơn), 1.650 dân (Đức Châu - Đức Thọ), 1.900 dân (Nam Hương - Thạch Hà) và nhiều xã có 2.000 – 2.500 dân.

Rõ ràng, chỉ nhìn quy mô dân số, việc để tách riêng một đơn vị hành chính như lâu nay quả là bất cập vì nhiều thôn trên địa bàn đã đạt trên 1.600 dân (như thôn Bắc Lạc, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà). Điều đáng nói, ở những “xã nhỏ” này vẫn nghiễm nhiên có 1 bộ máy hành chính 21-23 cán bộ, công chức.

“Sáp nhập xã là quá đúng, vì xã quá nhỏ, tách riêng không phù hợp vì phải mất một bộ máy, chấp nhận quên đi tên gọi xã mình để quen với tên gọi xã mới là chuyện không dễ chịu. Tuy nhiên, nhờ các cấp tuyên truyền giúp người dân hiểu, bà con đã biết bỏ qua để nghĩ đến quy mô xã mới lớn hơn, vì mục tiêu lâu dài nên hầu hết đều đồng tình”, ông Nguyễn Văn Hậu (xã Thạch Thanh, huyện Thạch Hà) cho hay.

Bày tỏ quan điểm của mình, ông Nguyễn Viết Nhự (xã Nam Hương, huyện Thạch Hà) đã làm bài thơ Nhập xã với câu thơ mở đầu: “Rất vui nhập với Thạch Điền” và các câu sau: “Ở đời chị trước em sau/Chủ trương nhập xã cùng nhau kết đoàn”. Đặc biệt, ông Nhự kêu gọi: “Giờ này ta phải thi đua/Tinh thần xã mới không thua xã nào/Mọi người đồng chí, đồng bào/Quyết tâm xây dựng phong trào tiến lên”.

Bà Phan Thị Tố Hoa, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh, đánh giá: “Đến thời điểm này, mục tiêu của năm 2019 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã hoàn thành các bước cơ bản về mặt pháp lý. Đây là nhiệm vụ nặng nề, liên quan đến tổng thể các lĩnh vực kinh tế - xã hội, yếu tố lịch sử, tương lai phát triển và cả nhân tố con người. Tuy nhiên, nhờ triển khai bài bản các bước, tập trung tuyên truyền có chiều sâu về chủ trương đúng đắn của Đảng nên cán bộ, đảng viên, người dân đã đồng tình cao, đáng ghi nhận nhất là tại các xã có sự thay đổi phương án so với tính toán ban đầu của địa phương. Trên 90% cử tri khi lấy ý kiến bày bỏ đồng tình việc sáp nhập xã đã cho thấy sự đồng thuận rất cao với chủ trương; đồng thời, tạo niềm tin về những bước đi thuận lợi trong thời gian tới”.

Đặt quyết tâm chính trị cao nhất

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định, mục tiêu lớn nhất của việc sáp nhập xã là giảm đơn vị hành chính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương tốt hơn, phục vụ nhân dân nhiều hơn; đồng thời góp phần thực hiện nghiêm Nghị quyết 18, Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị.

Vì vậy, ngay từ đầu, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh đã lưu ý các địa phương cần nghiên cứu kỹ nội dung; chú trọng cân nhắc kỹ các yếu tố về lịch sử, địa lý, điều kiện đặc thù; đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các yêu cầu về đảm bảo quốc phòng an ninh, an toàn xã hội. Đặc biệt, làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu và đồng thuận trong triển khai đề án.

Theo đề án, 80 đơn vị cấp xã (1 phường, 5 thị trấn,74 xã) ở Hà Tĩnh sẽ sắp xếp thành 34 xã mới, giảm 46 xã. Huyện có số xã sáp nhập nhiều nhất là Đức Thọ với 21 xã (giảm 12 xã, hình thành 9 xã), Thạch Hà 15 xã (giảm 9 xã, hình thành 6 xã), huyện Hương Sơn giảm 7 xã, huyện Can Lộc giảm 5 xã, huyện Cẩm Xuyên giảm 4 xã…

Trên 90% cử tri khi lấy ý kiến bày bỏ đồng tình việc sáp nhập xã.

Ngay sau khi cử tri 80 xã đồng tình phương án sáp nhập, việc lựa chọn tên xã mới cũng được trưng cầu dân ý. Nhiều tên xã mới được người dân lựa chọn như: Tân Lâm Hương (Thạch Tân, Thạch Lâm, Thạch Hương), Việt Tiến (Việt Xuyên, Thạch Tiến, Phù Việt) ở Thạch Hà; Kim Song Trường (Kim Lộc, Song Lộc, Trường Lộc) ở Can Lộc; Điền Mỹ (Phương Điền, Phương Mỹ) ở Hương Khê... Từ thiết thực trước mắt và lâu dài, người dân không chỉ đồng thuận mà nhiều người còn phấn khởi khi có thêm “anh em” về một nhà, có cơ hội đầu tư phát triển đồng bộ, giảm ngân sách chi trả cho bộ máy.

Theo lãnh đạo các địa phương thuộc diện sáp nhập, một trong những trăn trở lớn nhất trong quá trình triển khai việc sáp nhập xã hiện nay là bố trí đội ngũ cán bộ, nhất là ở các vị trí đoàn thể chính trị xã hội như: Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… Chính vì vậy, việc ban hành các chính sách phù hợp cho các đối tượng dôi dư là vấn đề hết sức quan trọng.

Ông Trần Nhật Tân, Bí thư Huyện ủy Thạch Hà cho rằng: “Hà Tĩnh là đơn vị có số lượng đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp, sáp nhập lớn, trong khi việc tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang cận kề. Để thuận lợi cho việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, rất mong Trung ương, tỉnh sớm có hướng dẫn về cơ cấu, số lượng chấp hành, quy định số lượng cấp phó và số cán bộ dôi dư ở các xã sáp nhập để các địa phương chủ động xây dựng các phương án…”.

Tiêu chuẩn của xã

Quy mô dân số

a) Xã miền núi, vùng cao từ 5.000 người trở lên;

b) Xã không thuộc điểm a khoản này từ 8.000 người trở lên.

Diện tích tự nhiên:

a) Xã miền núi, vùng cao từ 50km2 trở lên;

b) Xã không thuộc điểm a khoản này từ 30km2 trở lên.

(Trích Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính)

Bài 2: Làm gì với bài toán dôi dư cán bộ?

Trà Giang

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/sap-nhap-xa-cach-lam-o-ha-tinh-post31771.html