Sáp nhập trường học ở Mộc Châu (Sơn La): Nhân dân đồng thuận, chất lượng GD nâng lên

Với chủ trương 'không vội vàng, làm tới đâu chắc tới đó', nên việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Mộc Châu – Sơn La đã diễn ra suôn sẻ và thu được tín hiệu đáng mừng. Điều đáng nói, với sự chuẩn bị kĩ lưỡng, cách làm chủ động và sáng tạo nên quá trình sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường học không chỉ đạt được sự đồng thuận cao của nhân dân, mà chất lượng giáo dục được nâng lên cũng góp phần đáng kể vào chất lượng giáo dục chung của toàn tỉnh.

Ảnh: Thanh Long

Ảnh: Thanh Long

“Dồn điền đổi thửa”

Theo thống kê từ Phòng GD&ĐT huyện Mộc Châu, tổng số cán bộ, giáo viên, công nhân viên toàn ngành là 2018 người trong đó cán bộ quản lý chiếm 167, giáo viên 513, nhân viên 75. Toàn huyện có 71 đơn vị trường học (gồm 23 trường mầm non, 22 trường tiểu học, 18 trường THCS, 3 trường PTDT BT THCS, 1 trường PTDT nội trú THCS và THPT, 4 trường THPT) và 1 Trung tâm GDNN-GDTX với 1.167 nhóm, lớp và 30.843 học sinh.

Năm học 2017 - 2018 vừa qua, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai việc dồn ghép được 15 lớp cấp tiểu học tại các điểm trường và huy động học sinh về học tại điểm trường trung tâm. Cùng đó 6 trường học của 3 bậc mầm non, tiểu học, THCS cũng được sáp nhập thành công.

Trong những năm gần đây, tỉnh Sơn La nói chung và ngành GD-ĐT huyện Mộc Châu nói riêng có chủ trương giảm sĩ số điểm trường, tăng sĩ số học sinh trên lớp. Vận động những gia đình, PHHS có điều kiện đưa con về học ở điểm trường trung tâm, tổ chức bán trú cho HS, HS có điều kiện học 2 buổi/ngày; có người quản lý hướng dẫn học tập; nâng cao chất lượng giáo dục nói chung… Để làm được điều đó thì vấn đề sắp xếp, sáp nhập trường lớp là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Đáng chú ý không chỉ sáp nhập các trường cùng cấp học, ngành Giáo dục Mộc Châu còn sáp nhập thành công hai trường khác cấp. Cụ thể, các trường cùng cấp được sáp nhập là Trường MN Hoa Ban và Trường MN Hoa Hồng ghép thành Trường MN Mộc Lỵ; Trường THCS Mộc Lỵ ghép với Trường THCS Lê Quý Đôn thành Trường THCS Mộc Lỵ; Hai trường khác cấp ghép cùng nhau là Trường TH 14/6 với Trường THCS 14/6 thành Trường TH và THCS 14/6.

Để triển khai thực hiện Kế hoạch 1869/KH-UBND ngày 3/8/2018 của UBND huyện Mộc Châu triển khai thực hiện Đề án của UBND tỉnh về kiện toàn, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp GD-ĐT. Năm học 2018 - 2019, dự tính toàn huyện với 46 đơn vị trường học sẽ tiếp tục giảm còn 25 trường và 1 trung tâm GDNN-GDTX. Các trường mầm non, giảm còn 19 trường (giảm 4 trường và 1 điểm trường so với năm học 2017 - 2018); Các trường phổ thông, giảm còn 26 trường, gồm: 3 trường tiểu học, 17 trường TH - THCS, 2 trường THCS, 1 trường PTDT nội trú THCS&THPT, 1 trường THCS-THPT, 3 trường THPT.

Có thể thấy, với quy mô và số lượng không nhỏ nên trong suốt quá trình sáp nhập các đơn vị trường học và dồn ghép lớp được triển khai có nhiều khó khăn thách thức. Điều đó đòi hỏi khâu chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng tối đa của ngành Giáo dục và các trường học huyện Mộc Châu để đảm bảo sự thành công, ổn định và phát huy hiệu quả.

Ông Ngô Ngọc Toàn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mộc Châu - Sơn La

Cẩn trọng để phát huy hiệu quả

Trao đổi về quá trình tiến hành sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Mộc Châu - Sơn La ông Ngô Ngọc Toàn - Trưởng phòng GD&ĐT chia sẻ: Trước khi triển khai đây là vấn đề khó khăn vì người dân, học sinh thậm chí cả giáo viên chưa hiểu hết quy trình và tác dụng. Việc sáp nhập các trường khác bậc học cũng đòi hỏi sự linh hoạt hơn trong công tác quản lý điều hành; Việc lựa chọn, chuẩn bị cơ sở vật chất phù hợp cũng là vấn đề…

Chính vì vậy, ngành GD-ĐT Mộc Châu xác định cần có sự chuẩn bị kĩ càng từ trước như: Tổ chức hội nghị tuyên truyền chủ trương đường lối đến giáo viên toàn ngành. Cùng đó làm việc và thông qua vấn đề với cán bộ từ cấp xã, thị trấn, cán bộ chủ chốt các đơn vị trường học, thậm chí đến cả cấp tổ bộ môn trong nhà trường. Trong các hội nghị cán bộ quản lý, nhiều vấn đề đã được chủ động đặt ra để giải đáp thắc mắc cho các đơn vị nhà trường. Thậm chí, trong các cuộc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên hè ngành Giáo dục cũng tiến hành lồng ghép những nội dung tuyên truyền về vấn đề sắp xếp, sáp nhập trường học

Mặt khác, cũng theo ông Ngô Ngọc Toàn việc “dồn điền đổi thửa” trong các đơn vị trường học thời gian đầu luôn được ngành GD-ĐT huyện Mộc Châu xác định là bước thử nghiệm nên phải thực hiện chắc chắn, không nóng vội. Cần tạo niềm tin, tạo đà cho phụ huynh học sinh và nhà trường trong giai đoạn tiếp theo; Tránh gây xáo trộn về mặt chuyên môn, cơ sở vật chất…

Một số vấn đề đặt ra sau quá trình sáp nhập cũng được tính toán giải quyết ổn thỏa. Ví như sáp nhập 8 trường lấy 4 thì sẽ có 4 cán bộ quản lý dư ra, ai sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ chốt tại trường mới, ai thôi quản lý đã có sự lựa chọn theo đúng quy định của đề án sáp nhập và qua sát hạch của hội đồng chức năng chuyên môn.

Hiệu trưởng nào không đáp ứng được yêu cầu sẽ xuống làm phó hiệu trưởng. Số phó hiệu trưởng cũ sẽ được duy trì đến năm 2021 theo quy định và trong thời gian duy trì nếu không đảm bảo sẽ thôi bổ nhiệm lại. Phó hiệu trưởng nào đủ điều kiện theo quy định thì sau 2021 tiếp tục sát hạch. Sẽ lấy đủ số cán bộ quản lý đáp ứng được yêu cầu, số còn lại chuyển sang làm giáo viên hoặc thể theo nguyện vọng mà sắp xếp công việc hợp lý. Ai xin nghỉ chế độ cũng được xem xét tạo điều kiện.

Hội đồng chuyên môn thẩm định được thành lập bởi Ban thường vụ Huyện ủy với thành phần đảm bảo các ban ngành chức năng, chuyên môn liên quan. Nội dung các vấn đề sát hạch chủ yếu bám vào văn bản Nhà nước mà không nặng về chuyên môn. Sau khi sát hạch xong có điểm sẽ được công bố ngay. Việc sát hạch hiệu trưởng được tiến hành minh bạch, thẳng thắn nên không có bất kì tiêu cực, ý kiến nào không đồng tình.

Có thể nói, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Mộc Châu - Sơn La đến nay về cơ bản đã đi đúng hướng và có sự ổn định bởi có sự chuẩn bị kĩ càng từ khâu tuyên truyền, đến chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ. Làm tốt vấn đề này sẽ góp phần giúp ngành Giáo dục huyện Mộc Châu - Sơn La giảm được vị trí việc làm, giảm được lãng phí cho Nhà nước trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, đầu tư cho chế độ chính sách với đội ngũ nhà giáo... Và khi sự đầu tư trên mọi mặt được tập trung trọng điểm và có hiệu quả chắc chắn là đòn bẩy để chất lượng giáo dục ngày càng tốt hơn trong các nhà trường và toàn ngành Giáo dục.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/sap-nhap-truong-hoc-o-moc-chau-son-la-nhan-dan-dong-thuan-chat-luong-gd-nang-len-3957045-b.html