Sáp nhập trường cao đẳng Nghệ thuật với trường Sư phạm thì đào tạo kiểu gì?

Nhiều địa phương đã nóng vội trong việc sáp nhập trường cao đẳng, trung cấp dẫn đến nhiều hệ lụy về chất lượng đào tạo cũng như phát triển nhà trường.

Ngày 12/12, tại Đà Nẵng, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực (Tiểu ban giáo dục nghề nghiệp) đã tổ chức tọa đàm khoa học: “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp: thực trạng và giải pháp”.

Tham gia tọa đàm của lãnh đạo các Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Hiệu trưởng các trường cao đẳng, trường nghề... ở khu vực miền Trung.

“Giáo dục nghề nghiệp như những miếng vá...”

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh - Trưởng Tiểu ban giáo dục nghề nghiệp, Tổng Cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, trong những năm qua, giáo dục nghề nghiệp có những dấu ấn đáng ghi nhận.

Việc sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập. Ảnh: TT

Việc sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập. Ảnh: TT

Trong đó, tuyển sinh vào giáo dục nghề nghiệp đạt và vượt chỉ tiêu, khoảng trên 80% học sinh, sinh viên tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Việc xếp hạng đào tạo nghề Việt Nam trong khu vực cũng được nâng cao. Việt Nam đã 3 lần đạt giải nhất toàn đoàn trong 10 lần dự thi tay nghề ASEAN...

“Bên cạnh những thành tựu đạt được thì vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Một trong những hạn chế đó là quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn bất cập về phân bố giữa các vùng miền, ngành nghề, trình độ đào tạo.

Quy mô đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhỏ. Việc sáp nhập cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở một số địa phương còn mang tính hành chính, cơ học.

Chưa có nguyên tắc sáp nhập cụ thể, chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau sắp xếp”.

Ông Minh cũng dẫn lại phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn quốc gia “nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” đó là mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp như những miếng vá nhiều màu sắc.

Theo ông Minh phải sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.

Qua đó, đảm bảo quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo. Nhà nước chỉ tập trung đầu tư một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao và cho các nhóm đối tượng đặc thù, phù hợp với khả năng đầu tư của nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của xã hội.

Sắp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng, giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả.

Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện.

Có địa phương sáp nhập trường Nghệ thuật với Sư phạm

Đại diện các Sở Lao động Thương binh và Xã hội của các tỉnh miền Trung đã nêu lên thực trạng việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn của mình.

Trong đó, có những hạn chế, bất cập khiến quá trình sáp nhập gặp nhiều khó khăn.

Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam cho biết, về quy hoạch thì địa phương này có 8 trường cao đẳng và trung cấp sẽ được sáp nhập lại thành một trường.

Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù đào tạo từng nghề nghiệp, từng khu vực nên tỉnh này sẽ đề ra hai hướng để triển khai.

Cụ thể, giữ lại các trường cao đẳng và sáp nhập các trường trung cấp vào. Riêng một trường trung cấp ở miền núi thì giữ lại để đào tạo nghề.

Như vậy, cả tỉnh sẽ còn lại chỉ 2 trường cao đẳng và 1 trường trung cấp. Còn phương án 2 là sáp nhập tất cả thành một trường.

Vị này cũng kiến nghị, do có nhiều ngành nghề đào tạo khá đặc thù nên không thể sáp nhập một cách cơ học. Ví dụ như trường y thì không thể sáp nhập với trường nghệ thuật hay trường sư phạm.

“Đề nghị Bộ sớm ban hành văn bản về quy hoạch mạng lưới ngành để từ đó các địa phương dựa vào triển khai.

Ví dụ, tỉnh nào được bao nhiêu trường, tỷ lệ trường ngoài và trong công lập là bao nhiêu cũng nên công bố sớm”, vị này nói.

Từ phản ánh của các địa phương, Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng – Thư ký Tiểu ban giáo dục nghề nghiệp (Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy - Tổng cục Giáo dục nghề Nghiệp) chia sẻ, hiện có nhiều địa phương đang triển khai sáp nhập trường rất cơ học và “chả món nào ra món nào”.

Ông Hùng cũng lấy ví dụ có địa phương còn thực hiện sáp nhập giữa trường cao đẳng Nghệ thuật với trường y, trường sư phạm.

Đây là những trường đặc thù, có phương pháp và nghiệp vụ đào tạo khác nhau. Bây giờ chung làm một thì làm sao có thể ngồi lại để bàn bạc, lên phương án dạy học hiệu quả được.

Nhiều địa phương khác cũng dẫn chứng việc giải thể hàng loạt trung tâm dạy nghề tại các huyện khiến việc đào tạo ngành nghề cho con em vùng miền núi, nông thôn gần như phá sản.

TẤN TÀI

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/sap-nhap-truong-cao-dang-nghe-thuat-voi-truong-su-pham-thi-dao-tao-kieu-gi-post205315.gd